Phụ nữ Tân văn đã "tô điểm sơn hà"

21/06/2016 - 08:56
Bà Cao Thị Khanh ghi dấu trong lịch sử báo chí Việt Nam với tư cách là người sáng lập ra “Phụ nữ tân văn” - tuần báo phụ nữ có sức ảnh hưởng sâu rộng một thời ở Nam Kỳ cả trên lĩnh vực báo chí, văn chương lẫn đời sống xã hội.
Bà Cao Thị Khanh sinh năm 1900 trong một gia đình trí thức, quê ở Gò Công, nơi được xem là vùng đất thiêng của Nam Kỳ lục tỉnh.

Năm 1929, bà sáng lập Tuần báo Phụ nữ Tân văn ở Sài Gòn, còn chồng bà là ông Nguyễn Đức Nhuận làm chủ nhiệm. Vợ chồng ông bà Nguyễn Đức Nhuận có một cửa hàng tơ lụa lớn ở số 42 đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi), Tòa soạn Phụ nữ tân văn ban đầu nằm ở tầng 2, tầng trệt là cửa hàng tơ lụa. Nhưng chỉ sau 1 năm tờ báo phát đạt, Tòa soạn đã mở rộng ra cả căn nhà số 42, cửa hàng tơ lụa của ông bà Nhuận dời đi nơi khác.

Phụ nữ Tân văn ra số đầu tiên ngày 2/5/1929. Trong lịch sử báo chí nước ta, đây là tờ báo thứ 2 của nữ giới do chính phụ nữ làm chủ, có khuynh hướng tiến bộ, tuyên truyền dân chủ, dân sinh, đấu tranh cho nữ quyền, bênh vực quyền lợi của phụ nữ.

Trong lời giới thiệu số đầu tiên, báo viết: “Ngày hôm nay, Phụ nữ Tân văn ra đời, là non sông thêm một tay thợ điểm tô, xã hội thêm một người lo công việc, trên trường văn trận bút thêm một đội binh đàn bà, mà trong buồng khuê các của chúng ta cũng có một cơ quan để cùng nhau phấn đấu với đời đây!”.

Trên trang bìa của Phụ nữ Tân văn là hình 3 cô gái trong trang phục Bắc, Trung, Nam với câu thơ thể hiện rõ tôn chỉ của tờ báo:
"Phấn son tô điểm sơn hà
Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam"
1.jpg
 Báo Phụ nữ Tân văn do bà Cao Thị Khanh sáng lập.
Phụ nữ Tân văn in rất đẹp, có thể nói là đẹp nhất thời ấy, ban đầu do nhà in Nguyễn Văn Viết thực hiện nhưng sang năm 1930 thì số lượng phát hành đã lên đến 10.000 bản, không nhà in Việt Nam nào đảm nhận được nên phải giao cho nhà in Albert Portail của người Pháp in. Đây còn là tờ báo địa phương đầu tiên ở Sài Gòn bán ra miền Trung và Bắc.

Phụ nữ Tân văn chiêu mộ được rất nhiều cây bút báo chí lừng danh thời ấy ở cả 3 miền, đặc biệt là có đủ  "tứ đại" làng báo Sài Gòn là Đào Trinh Nhất, Phan Khôi, Diệp Văn Kỳ và Bùi Thế Mỹ.

Về chính trị, báo chủ trương trung lập, tuy nhiên thể hiện thái độ chống thực dân và ủng hộ tích cực nhưng phong trào yêu nước. Trong điều kiện thuộc địa mà Phụ nữ Tân văn vẫn can đảm đưa tin và bình luận ủng hộ những nghĩa sĩ của khởi nghĩa Yên Bái, một điều mà nhiều tờ báo khác cùng thời rất e dè. Nhiều độc giả miền Bắc thời đó đón đọc Phụ nữ Tân văn để theo dõi sự việc này.

Về xã hội, báo chủ trương cấp tiến, vận động thay đổi theo hướng hiện đại hóa. Phụ nữ Tân văn phát triển như một hình thức nữ quyền, trong đó phụ nữ khẳng định vai trò của họ trong việc tái tạo nòi giống và chăm sóc trẻ em. Những bài đăng trên Phụ nữ Tân văn đồng thời nêu ra sự tương đồng giữa gia đình và quốc gia, nhấn mạnh đến tính chất hạt nhân của gia đình trong việc hình thành một quốc gia hùng cường. Tờ báo cũng nhắm vào độc giả trẻ em, dạy chúng biết trân trọng và dành tình yêu cho quê hương đất nước.

Bên cạnh đó, Phụ nữ Tân văn thường xuyên có những bài phổ biến tri thức, bênh vực quyền lợi nữ giới, những bài phản đối quan niệm cổ hủ như ngăn cấm giới nữ tham gia các hoạt động thể dục - thể thao, đi xe đạp, cắt tóc ngắn, đến trường học hay thưởng thức văn học - nghệ thuật...

Ngoài việc dùng giấy mực để cổ vũ lối sống mới, hai vợ chồng bà Cao Thị Khanh còn tích cực tổ chức nhiều hoạt động xã hội dưới danh nghĩa của tờ báo nhằm cụ thể hóa những đường lối mà tờ báo đã chủ trương. Quỹ "Đồng xu học sinh nghèo" ra đời để giúp những học trò nghèo theo đuổi con đường học vấn.

Báo còn tiến hành phong trào "Bữa cơm cho người nghèo", tổ chức ra "Ban ủy viên Phụ nữ cứu tế", thành lập hội Dục Anh với chức năng chăm sóc trẻ em nghèo và cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ; lập Nữ lưu học hội để tạo môi trường trao đổi, bàn luận về các vấn đề bình đẳng giới, khuyến khích phụ nữ tham gia vào các diễn đàn chính trị và khoa học, thúc đẩy giáo dục trẻ em gái…

Trên lĩnh vực văn học, đóng góp lớn nhất của Phụ nữ Tân văn là đã nổ phát súng khởi đầu chính thức cho phong trào Thơ mới – một bước ngoặt của thi ca Việt Nam thế  kỷ XX và từ đầu đến cuối kiên định ủng hộ cho phong trào này, góp phần củng cố và làm nên những tên tuổi Phan Khôi, Nguyễn Thị Manh Manh, Hồ Văn Hảo, Lư Khê…

Bên cạnh đó, nhiều tác giả có tên tuổi khác cũng chọn Phụ nữ Tân văn là nơi công bố các sáng tác của mình như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Tản Đà, Hồ Biểu Chánh, Mộng Tuyết, Vân Đài, Đạm Phương nữ sử…

Phụ nữ Tân văn cũng là tờ báo mở đầu cho truyền thống làm báo xuân ở Việt Nam. Số báo đặc biệt Mừng xuân Canh Ngọ ra ngày 30/1/1930 được các nhà nghiên cứu báo chí cho là tờ báo xuân đầu tiên trong cả nước với bài vở chọn lọc và in màu rất đẹp.

Tháng 5/1932, báo Phụ nữ Tân văn tổ chức Hội chợ từ thiện để gây quỹ cho hội Dục Anh thì bị hai tờ báo cạnh tranh, viết báo đả kích, tố cáo bà Cao Thị Khanh đã tư túi khoản tiền thu được từ hội chợ. Phụ nữ Tân văn lên tiếng bút chiến kéo dài suốt mấy năm. Cuối cùng, tòa xử Phụ nữ Tân văn trắng án. Thế nhưng vụ việc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của báo, cộng thêm gặp phải khủng hoảng kinh tế, báo ngày càng gặp khó khăn trong việc duy trì. Phụ nữ Tân văn chính thức đình bản sau số 273 ra ngày 21/4/1935.

Sau cơn sóng gió xảy ra với tờ báo tâm huyết, cộng thêm sản nghiệp sa sút do khủng hoảng kinh tế, vợ chồng bà Cao Thị Khanh sang Pháp sinh sống.

Ngày 24/5/1962, bà Cao Thị Khanh qua đời trên đất Pháp. Bà luôn được nhớ đến là người có công lớn trong việc đưa Phụ nữ Tân văn trở thành diễn đàn tranh đấu và bênh vực quyền lợi của nữ giới nước ta trong những năm đầu thập niên 1930.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm