pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chính trị - Xã hội
Phụ nữ Tiền Giang trắng đêm cứu sầu riêng trong cơn hạn mặn
Giữa tháng 3, nắng đã cháy da cháy thịt
Hàng loạt Sầu riêng trong vườn rộng 2 ha của chị Lê Thị Tuyết (xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cây thì lá nửa xanh, nửa héo vàng, có cây chỉ trơ cành; nhiều cây mới ra trái non cỡ quả trứng gà nhưng rụng hàng loạt; còn vườn kế bênh, trái sắp đến kỳ thu hoạch cũng khô quắp, chết đứng giữa trời.
Còn chị Nguyễn Thị Bé Ba (xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) một mình nuôi con, mới chuyển đổi từ Cam, Mít sang 100 gốc Sầu riêng được 2 mùa trái. Nước nhiễm mặn cũng làm cây rụng sạch lá. "Đang ra bông lá rụng sạch mới đau chứ!" Chị Ba ngậm ngùi cho biết.
"Hôm ra vườn thấy cảnh này, tôi bàng hoàng, chân tay bủn rủn, đứng không nổi. Cứ như đà này, số cây còn lại mà chết hết chắc gia đình tôi nợ ngập đầu".
Chị Lê Thị Tuyết (xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang)
Xã Tam Bình chiếm gần 20% diện tích của thủ phủ Sầu riêng Cai Lậy nhưng có đến 1.350 ha bị ảnh hưởng do nhiễm mặn, trong đó 40% chết hoặc khó phục hồi. Chị Huỳnh Thị Kim Chi cho biết: "Như mọi năm, tôi đưa nước từ kênh vào các rãnh trong vườn dành cho mùa khô để tưới. Ai ngờ nước nhiễm mặn từ đời nào. Kinh khủng thiệt. Hồi nào tới giờ đâu có tình trạng này".
Sầu riêng là nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây nên không thể bó gối ngồi nhìn cây chết, các chị gạt nước mắt, đứng lên giải cứu cho chính mình.
Người có điều kiện thì đến các điểm dịch vụ cung cấp nước ngọt, mua về tưới. Người khả năng tài chính yếu hơn thì mua từng can, bỏ lên xe kéo, dùng xe máy kéo về. Tuy nhiên, do có quá nhiều người đổ xô đến các điểm cấp nước nên xảy ra tình trạng thiếu nước. "Dù xã đã huy động trên dưới 100 tàu có trọng tải từ 500 – 2.000 tấn đi lấy nước từ thượng nguồn sông Tiền (khu vực tỉnh Đồng Tháp); xây dựng được 11 điểm cấp nước cho dân nhưng vẫn không kịp đáp ứng nhu cầu." Ông Đặng Văn Lâm – Chủ tịch UBND xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết.
Trắng đêm cứu Sầu riêng
Mỗi ngày, từ chập choạng tối, 2 mẹ con chị Nguyễn Kim Chi (xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) luôn có mặt tại điểm cấp nước, đợi để được đổ từng thùng. Ngược xuôi cung đường dài trên 4 km, mỗi chuyến 10 can (loại 20 lít/can). Đèn từ chiếc xe máy cũ không còn đủ ánh sáng, con gái chị ngồi đằng sau, một tay giữ gọng xe kéo, một tay cầm đèn pin con cóc cố rọi thêm chút ánh sáng cho mẹ chạy, len lỏi qua bao ngõ ngách của con đường làng. "Chạy tới nửa đêm được 40 chuyến. Nhiều lúc cầm tay lái mà mắt nhòe đi vì mệt lả nhưng không còn cách nào khác. Phải ráng thôi. Chứ nếu không, cây chết hết thì sống sao đây!" - Chị Chi gạt mồ hôi đang chảy ròng ròng trên gương mặt bày tỏ.
Khắp các con đường làng được đổ bê tông ở xã Tam Bình, đâu đâu cũng vang lên tiếng xe, ánh đèn của đủ loại phương tiện quét ngang, quét dọc, chở nước về cứu cây. Một chị ngậm ngùi cho biết, trước tết, cũng hình ảnh rồng rắn như thế này, ai cũng hớn hở vì khi đó là mùa bội thu phục vụ thị trường còn bây giờ cũng từng đoàn người với xe cộ hối hả nhưng ai ai cũng trĩu nặng âu lo. Chị Nguyễn Thị Pha nói: "Nước không thiếu thì tôi cũng không thể đi mua, tưới vào ban ngày vì bận đi làm thuê. Chiều mới về. Nhưng khổ mấy cũng phải ráng. Cứu cậy đặng (để) có cơm gạo ăn chứ nó chết mình cũng chết theo".
Giá nước nhảy múa liên tục, từ 60.000 đ/m3, có lúc có nơi tăng đến gấp đôi (120.000 đ/m3). Nhiều người đã phải tận dụng từng giọt nước, kể cả nước rửa chén bát hay nước tắm. Bà Đỗ Thị Quýnh thật thà kể: "Đợi đến tối, tôi mới xách nước ra vườn đứng dưới tán Sầu riêng tắm cho nước chảy vào gốc. Tôi phải hà tiện vậy, đỡ đồng nào hay đồng nấy".
Chính quyền, đoàn thể chung tay
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang thống kê, hạn mặn làm hư hại trên 36.121 ha cây ăn trái, chủ yếu là Sầu riêng. Đây là loại có sản lượng và giá trị xuất khẩu cao nhất tỉnh. Hiện Chi cục Thủy lợi tỉnh đang tập hợp báo cáo từ các huyện nên chưa thể đánh giá đầy đủ mức độ thiệt hại về kinh tế nhưng con số có thể lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Riêng khoảng chi phí mua nước ngọt tưới cứu cây, có gia đình tiêu tốn từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Trong đó có không ít gia đình gặp khó về vốn.
Chia sẻ với nữ nhà vườn trước tình cảnh khốn khó, các cấp Hội LHPN ở Tiền Giang đã nỗ lực cùng chính quyền và ngành chức năng tuyên truyền người dân tìm mọi cách tiết kiệm nước, vận động kinh phí hỗ trợ phụ nữ nghèo mua thùng chứa, tấm bạt trữ nước. Tuy nhiên, nguồn lực cũng chỉ có hạn.
"Nhiệm vụ cao hơn hết của chúng tôi lúc này là tập trung giúp cho bà con ổn định đời sống cũng như sản xuất. Chúng tôi cố gắng làm theo điều kiện hiện có của từng cấp Hội. Vì nguồn lực có hạn nên việc giúp hội viên chưa được như mong muốn".
Bà Đặng Thị Ngọc Điệp (Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Tiền Giang)
Thiếu nước cây sẽ chết, cây nào sống được thì khó phục hồi. Trong khi ngành khí tượng thủy văn dự báo, hạn mặn có thể còn diễn ra trong nhiều năm tới. Ông Nguyễn Tấn Nhũ (Bí thư Đảng ủy xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) phân tích: "Nếu mà năm nào cũng có mặn như thế này, thiệt hại sẽ rất lớn. Bị hạn mặn năm nay, sầu riêng suy kiệt, phải phục hồi từ 1 – 2 năm. Mà 1 – 2 năm tới, tiếp tục bị hạn mặn nữa thì chỉ có cách là chặt bỏ".
Vấn đề này, tỉnh Tiền Giang sẽ tính đến giải pháp đầu tư mở rộng mạng lưới công trình ngăn mặn; tích nước, đồng thời vận động nhà vườn phải chấp nhận và biết cách "thích ứng với biến đổi khí hậu" chuyển đổi một số diện tích sang trồng các loại cây chịu mặn tốt hơn như : Mít, Mãng cầu…
Còn trước mắt khẩn cấp cứu Sầu riêng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang – Lê Văn Hưởng vừa ký quyết định thực hiện Phương án 64/PA-UBND ngày 11/3/2020, trích ngân sách mua 1.400.000 m3 nước ngọt cấp miễn phí cho người dân cho đến hết tháng 4/2020. Sở NN và PTNT Tiền Giang cho biết.