Phụ nữ trung niên làm gì để giảm đau mỏi vai gáy

16/03/2017 - 19:30
Mấy hôm nay trở trời, chị Trần Thanh Hà ở Nam Định lại bị chứng đau mỏi vai gáy hoành hành.
Đây không phải lần đầu chị Hà gặp phải rắc rối trên nhưng lần này, cơn đau dai dẳng quá khiến chị thật sự khó khăn khi di chuyển, sinh hoạt. Chị đã thử nhiều cách nhưng cảm giác đau đớn vẫn không giảm nên chị phải đến gõ cửa bác sĩ. Bác sĩ đã thăm khám lâm sàng cho chị và chỉ định cho chị chụp X-quang, đo điện cơ và chụp cộng hưởng từ cột sống cổ.

Không chữa trị sớm sẽ thoái hóa đốt sống

Kết thúc quá trình thăm khám, bác sĩ cho biết, chị vẫn mắc chứng bệnh cũ nhưng căn bệnh này đang có chiều hướng tiến triển nặng hơn. Theo bác sĩ, ở độ tuổi trung niên trở đi, hệ mạch máu đã giảm tính dẻo dai, đàn hồi nên hay mắc các chứng đau cổ, đai vai gáy. Đặc biệt là người làm công việc liên quan đến công nghệ thông tin như chị thường xuyên phải gắn với chiếc máy tính mỗi ngày.
anh-dung-goi.jpg
Làm việc với máy tính nhiều dễ thoái hóa đốt sống cổ
Ngoài ra, những người phải làm việc sai tư thế trong thời gian dài, làm việc liên tục với máy tính, sai tư thế khi lái xe, gối đầu, ngủ tựa lên ghế... cũng dễ bị chứng bệnh đau mỏi vai gáy. Chứng đau mỏi vai gáy nếu không sớm được chữa trị, có thể gây nên những bệnh lý như: Thoát vị đĩa đệm, vẹo cổ, thoái hóa đốt sống cổ, dị tật, viêm, chấn thương vùng cổ.

Các biểu hiện của hội chứng đau vai gáy thường gặp nhất là đau âm ỉ hoặc dữ dội ở vùng cổ, gáy, cảm giác nhức nhối khó chịu, có khi đau nhói như điện giật. Đau có thể lan lên mang tai, thái dương hoặc lan xuống vai, cánh tay. Khác với bệnh viêm quanh khớp vai, người bệnh bị đau vai gáy không bị hạn chế vận động khớp. Một số trường hợp có thể kèm theo co cứng cơ, tê ở cánh tay, cẳng tay, bàn tay hoặc nặng hơn là yếu liệt cơ, teo cơ. Đau có thể xuất hiện tự phát hoặc sau khi lao động nặng, mệt mỏi, căng thẳng, nhiễm lạnh. Có nhiều trường hợp, tình trạng đau vai gáy kéo dài khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, thiếu tập trung, tư duy kém, ảnh hưởng lớn tới tinh thần và hiệu quả làm việc.

Hạn chế cơn đau ra sao?

Để khắc phục chứng đau vai gáy, chị Hà được bác sĩ yêu cầu không ngồi lì bên bàn làm việc nhiều giờ đồng hồ mà phải vận động nhẹ sau khoảng 30 phút đến 1 tiếng làm việc. Hằng ngày, nên áp dụng các thao tác massage, ưu tiên massage bằng tinh dầu nóng, các động tác massage chủ yếu tập trung vào vùng vai gáy để kích thích máu lưu thông. Đồng thời, không nên tắm nước lạnh mà phải tắm nước ấm để tạo điều kiện thuận lợi cho máu lưu thông dễ dàng.

Cần giữ cổ luôn thẳng, tránh sai tư thế khi ngồi làm việc, đọc sách hoặc đánh máy, không cúi gập cổ quá lâu; không nằm gối đầu cao để đọc sách hay xem tivi, vì sẽ làm sai tư thế của cột sống cổ. Thay vào đó, nên gối đầu thấp khi ngủ, tốt nhất gối chỉ nên cao khoảng 10cm. Khi xem tivi nên tựa lưng vào đệm, đầu hơi ngửa ra sau thành ghế, cổ tựa vào một điểm.

vai-gay.jpg
Nên vận động nhẹ sau khoảng 30 phút đến 1 tiếng làm việc 
Ngoài ra, không nên bẻ khớp cổ, cánh tay, vai. Nhiều người cho rằng, làm thế sẽ đỡ nhức mỏi nhưng thực tế lại gây tác dụng ngược. Bởi nếu đĩa đệm đã bị thoái hóa gây mỏi cổ, khi bẻ hoặc vặn sẽ tạo đà cho đĩa đệm thoát vị ra ngoài và làm bệnh thêm trầm trọng.

Bác sĩ cũng chỉ định chị Hà dùng một số loại thuốc giảm đau, chống viêm, phong bế thần kinh, giãn cơ và vitamine nhóm B. Bên cạnh đó, chị còn phải áp dụng phương pháp vật lý trị liệu như: Điện xung, sóng ngắn, nhiệt trị liệu, siêu âm trị liệu, kéo giãn cột sống cổ, xoa bóp bấm huyệt, tập vận động cột sống cổ cũng giúp ích nhiều cho việc điều trị.

Chị Hà còn được bác sĩ căn dặn thêm rằng, đối với giai đoạn cấp tính, người bệnh không được xoa bóp bấm huyệt hoặc tập vận động. Sau quá trình này, chị cần tái khám, nếu bệnh không khỏi thì có thể phải điều trị bằng phẫu thuật.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm