Phụ nữ tự chủ kinh tế có thể vượt qua mọi khó khăn

Phùng Thị Hoàng Thêu (Chủ nhiệm CLB Phụ nữ khuyết tật huyện Ba Vì, Hà Nội)
01/07/2021 - 19:00
Phụ nữ tự chủ kinh tế có thể vượt qua mọi khó khăn

Chị Phùng Thị Hoàng Thêu - Chủ nhiệm CLB Phụ nữ khuyết tật huyện Ba Vì, Hà Nội

Chính nhờ có thể tự chủ kinh tế đã giúp tôi tự tin hơn trong cuộc sống. Phụ nữ nếu có thể độc lập, tự chủ, chắc chắn khó khăn nào cũng có thể vượt qua…

Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ buổi tối kinh hoàng năm tôi mới 17 tuổi. Trời mùa đông lạnh, có mưa, tôi và mẹ đang ở trong nhà thì nghe tiếng gọi cửa. Nhà tôi lúc đó mở cửa hàng bán tạp hóa, giải khát. Ngỡ là có khách mua hàng, mẹ tôi ra mở cửa. Hai thanh niên nói muốn uống bia, nhưng khi mẹ tôi quay vào lấy bia ra thì chúng đâm dao khiến mẹ tôi chỉ ú ớ kêu lên rồi gục ngã.

Phụ nữ tự chủ kinh tế có thể vượt qua mọi khó khăn - Ảnh 1.

Chị Phùng Thị Hoàng Thêu - Chủ nhiệm CLB Phụ nữ khuyết tật huyện Ba Vì, Hà Nội

Tôi đang học trên gác, thấy tiếng mẹ vội lao xuống và rồi cũng bị chúng đâm trúng vị trí phổi. Khi bố và em trai tôi trở về, phát hiện liền đưa mẹ con tôi đi cấp cứu. Bác sĩ nói nhát dao của bọn cướp đã ảnh hưởng tới dây thần kinh khiến tôi bị liệt hoàn toàn nửa thân dưới.

Mấy chục ngày nằm trong bệnh viện, tôi thấy thế giới của mình sụp đổ hoàn toàn. Nhà tôi nghèo, khi còn khỏe mạnh, tôi vừa phải đi học, vừa tranh thủ làm đồng, phụ bố mẹ bán hàng. Vì thế, tôi luôn mơ ước sẽ thi đỗ vào trường khối công an để được hỗ trợ học phí và sau này có thể có công việc ổn định, giúp đỡ gia đình. Nhưng giờ thì tất cả tan thành mây khói.

Gia đình tôi lúc đó hết lời an ủi động viên tôi. Còn nói tôi không sao, cứ ở nhà, bố mẹ sẽ nuôi tôi. Nhưng ngay cả lúc tuyệt vọng nhất tôi vẫn nghĩ mình không thể buông xuôi. Tôi cần phải nỗ lực để bước tiếp.

Sau những tháng ngày phải nằm bẹp trên giường, từ ăn uống, sinh hoạt đều do người thân phục vụ, tôi bắt đầu nhúc nhích tập đi. Không biết bao nhiêu lần tôi bị vấp ngã, cơ thể chảy máu khắp nơi, cơn đau đớn cũng hành hạ.

Tôi tự buộc một chân của mình vào pe-đan xe đạp để nó không bị buông thõng xuống khi tập đi xe đạp. Lúc xuống xe, tôi dùng tay và chân còn lại để chống đỡ hoặc nhờ người dìu. Dần dần, tôi đã có thể tự vận động, dù dáng đi chấm phẩy và vĩnh viễn không thể nhanh được bằng người bình thường.

Tôi trở lại trường học với suy nghĩ, chỉ có học mới giúp tôi sau này có công việc, có thu nhập. Nhờ sự tạo điều kiện của nhà trường, tôi vẫn học hết lớp 11 và được lên lớp. Hết năm lớp 12, tôi thi vào Viện Đại học Mở, chuyên ngành tiếng Anh, học tại Sơn Tây, cách nhà khoảng 20km.

Hơn 4 năm đó, mình tôi xa gia đình, vừa học, vừa tự chăm sóc bản thân. Ra trường, tôi xin đi dạy ngoại ngữ tại một trường công lập và dạy thêm ở một trường bán công ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Tôi rất vui vì cuối cùng, mình đã có việc làm, tự nuôi sống bản thân, không phải phụ thuộc vào gia đình.

Rồi tôi kết hôn, chồng tôi học cùng lớp cấp 3 với tôi. Biết tôi bị tai nạn, anh vẫn chung thủy với tôi. Đó cũng là động lực khiến tôi càng thêm tin yêu cuộc sống. Chúng tôi thuê nhà ở Lập Thạch, gần trường tôi đi dạy rồi sau đó tôi theo anh chuyển về Ba Vì, quê của cả hai vợ chồng.

Tôi xin vào làm nhân viên ở một trường mầm non. Lúc đó chồng nói, hay là tôi cứ ở nhà anh nuôi chứ làm nhân viên thì vất vả, lại trái ngành. Đợi lúc nào tìm được công việc giáo viên thì đi làm sau.

Một lần nữa, tôi vẫn quyết định đi làm để tự chủ, vất vả thế nào tôi cũng chịu chứ tôi không thể ở nhà. Cuộc sống tưởng yên ổn, nào ngờ cách đây gần 10 năm, chồng tôi không may bị tai nạn giao thông qua đời. Lúc đó con trai lớn của tôi mới 4 tuổi, con nhỏ 11 tháng. Tôi một lần nữa lại rơi vào tình cảnh đau khổ tột cùng.

Tôi khuyết tật và giờ trở thành trụ cột của gia đình, nuôi hai con thơ dại. Từ đó đến nay, lúc nào trong tôi cũng chỉ có một câu phải quyết tâm, phải vượt khó, không được từ bỏ.

Hai năm sau ngày chồng mất, tôi mua được một mảnh đất ở gần nhà mẹ đẻ rồi xây lấy ngôi nhà tạm cho ba mẹ con. Đồng lương nhân viên ít ỏi, tôi bán thêm hàng online, dạy thêm tiếng Anh tại nhà.

Thời gian gần đây dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc dạy học và bán hàng của tôi cũng bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng, tôi chấp nhận, chi tiêu tiết kiệm hơn từ đồng lương nhân viên và chờ tới lúc khó khăn qua đi.

Phụ nữ tự chủ kinh tế có thể vượt qua mọi khó khăn - Ảnh 2.

2 con của chị Phùng Thị Hoàng Thêu đều ngoan ngoãn, thương mẹ.

Rất may, hai con của tôi đều ngoan, giờ một cháu sắp vào cấp 3, một sắp lên cấp 2. Tôi coi các con là của để dành quý báu của đời mình.

Không chỉ sống cho bản thân và gia đình, hiện tôi đang là Chủ nhiệm CLB Phụ nữ khuyết tật của huyện Ba Vì. CLB tập hợp khoảng 100 chị em bị khuyết tật. Chúng tôi dựa vào nhau, động viên nhau rằng người khuyết tật tàn nhưng không bao giờ phế…

Với vai trò là chủ nhiệm CLB Phụ nữ khuyết tật, tôi mong muốn các cấp, ban ngành tạo điều kiện cho chúng tôi được tham gia vào các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho người khuyết tật; các lớp tập huấn về hôn nhân gia đình, nuôi con khỏe dạy con ngoan; được vay vốn với mức lãi suất thấp để chị em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mua cây trồng, con giống hay trang bị máy móc phục vụ bản thân và gia đình; được tạo công ăn việc làm, có thêm thu nhập…
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm