Phụ nữ tuổi Dậu nổi tiếng: Cây bút nữ tài hoa của phong trào Thơ mới

30/01/2017 - 17:33
Nữ sĩ Anh Thơ là cây bút thành danh ngay từ tập thơ đầu tay và là nhà thơ nữ đầu tiên đoạt giải thưởng lớn trong cuộc thi do Tự lực văn đoàn tổ chức năm 1939, khi mới 18 tuổi.

Nữ sĩ Anh Thơ tên thật là Vương Kiều Ân, sinh năm Tân Dậu (1921) tại thị trấn Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, trong một gia đình có truyền thống Nho học.

Năm 12 tuổi, Anh Thơ được cha đưa về quê nội ở thị xã Phủ Lạng Thương (Bắc Giang), bên bờ con sông Thương hiền hòa, thơ mộng. Từ đây, con đường thi ca của nữ sĩ bắt đầu đơm hoa kết nhụy.

Ngày bé, Anh Thơ thường tập tành sáng tác sau những lần nghe lỏm cha dạy các em trai làm thơ. Dù rất mê làm thơ nhưng bà bị thân phụ cấm một cách gắt gao, quyết liệt nên thường phải giấu giếm những sáng tác của mình vì có lần bị cha phát hiện ra đã đốt hết cả tập thơ và đánh đòn rất giữ. Quan điểm nhà Nho xưa chỉ cần con gái chăm lo công, dung, ngôn, hạnh còn bận lòng đến thơ ca chỉ chuốc thêm những khổ sầu.

1.jpg
 Nữ sĩ Anh Thơ - Vương Kiều Ân.

Những người có ảnh hưởng đến tâm hồn yêu thơ ca của bà là ông ngoại và người cô ruột. Ông của Anh Thơ vốn là một Phó bảng gốc Sơn Tây, được bổ làm Đốc học Bắc Giang, vốn rất có thiện cảm với nghĩa quân Đề Thám. Còn cô của bà biết tiếng Pháp, có tài đàn, thơ và đọc rất nhiều sách.

Năm 12 tuổi, sau khi nghỉ học, là chị cả trong gia đình nên Anh Thơ phải trợ giúp bố mẹ mọi việc, giúp mẹ chăm sóc đàn em. Công việc mà bà yêu thích đó là mỗi sáng đi chợ, qua đường cái trải đá có hoa phù dung nở trắng tường gạch, rồi những hàng tre và một cánh đồng thẳng tắp trước khi dẫn đến chợ… Những hình ảnh thật trữ tình và thơ mộng chân chất thôn quê ấy luôn ám ảnh trong tâm trí bà. Trong nhiều tự sự bà nói rằng, tuổi thơ của mình may mắn gắn liền với ruộng đồng, sông nước quê hương, lại được nuôi dưỡng trong gia đình yêu thi phú, âm nhạc. Chính làng quê gần gũi đã ảnh hưởng sâu đậm nhất đến thơ Anh Thơ không phải từ một quyển sách kinh điển nào. Quê nghèo mộc mạc hiện ra trong thơ bà hết sức nên thơ và đa dạng qua những câu từ giàu tính sáng tạo và hình ảnh mới mẻ, thoát khỏi sự chật hẹp của thơ ca cũ.

Hoa mướp rụng từng đóa vàng rải rác,

Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay.

(Sang thu)

Bà còn tinh tế bắt lại những khoảnh khắc của đời sống chốn thôn quê:

Làng xóm ngập nhà nhà trong khói tỏa

Vẳng đưa lời khóc mả lạnh hiu hiu.

(Rằm tháng bảy)

Đĩ nhớn mơ chiếc váy sồi đen nhức,

Bà lão nằm tính tuổi sắp thêm năm.

(Đêm Ba mươi Tết)

Tất cả những nét bút tinh tế ấy tập trung trong bản thảo tập thơ Bức tranh quê, đoạt giải khuyến khích cuộc thi do Tự Lực văn đoàn tổ chức năm 1939, vốn là cuộc thi văn học uy tín bậc nhất thời bấy giờ. Trong vẻ độc đáo hiếm có, Bức tranh quê đã đánh dấu cho sự đa dạng của một phương hướng từng chi phối thơ Việt trong cả thế kỷ XX.

2.JPG
Anh Thơ là người phụ nữ đầu tiên được trao giải thưởng văn học lớn do Tự Lực văn đoàn tổ chức.

Giải thưởng văn học lớn đầu tiên được trao cho một nhà thơ nữ mới 18 tuổi đã khiến cái tên Anh Thơ được nhiều người chú ý, ghi dấu một phong cách rất riêng trong thơ ca về làng quê Việt Nam bên cạnh Nguyễn Bính và Đoàn Văn Cừ.

Năm 1941, tức 2 năm sau khi được trao giải, ‘Bức tranh quê’ mới chính thức ra mắt độc giả, Sau đó, Anh Thơ còn có thơ in trên các báo Ngày nay, Phụ nữ, Tiểu thuyết thứ Năm, Hà Nội báo, Đông Tây… Bà in chung tập thơ Xưa (1941) với Bàng Bá Lân và tập Hương xuân (1943) với Vân Đài, Hằng Phương và Mộng Tuyết, là tuyển tập thơ nữ viết bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên.

Anh Thơ tham gia phong trào Việt Minh từ năm 1945 và làm thơ suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ. Đến tận cuối đời bà vẫn miệt mài làm việc. Bà cho ra đời nhiều tác phẩm khác như truyện thơ Kể chuyện Vũ Lăng (1957), tập thơ Theo cánh chim câu (1960), Đảo Ngọc (1964), Hoa dứa trắng (1967), Mùa xuân màu xanh (1974), Quê chồng (1979), Lệ Sương (1995) và Hồi ký Anh Thơ (2002) gồm 3 tập: Từ bến sông Thương, Tiếng chim tu hú và Bên dòng sông chia cắt.

Làng quê trong thơ của bà thời kháng chiến không còn nét tĩnh lặng, ủ rũ như ngày trước mà tươi mới và hân hoan hơn. Bà là một trong những hội viên đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957 và là Ủy viên Ban chấp hành Hội khóa 1 và 2. Từ năm 1971 đến 1975, bà làm biên tập viên cho tạp chí Tác phẩm mới và là Ủy viên thường vụ Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam.

3.jpg
 Bà được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2007.

Là người con gái tài hoa và có nhan sắc, được không ít người để ý nhưng đường tình duyên của bà lại lắm trắc trở. Đến tuổi 36, bà mới nên duyên với bác sĩ Bùi Viên Dinh nhưng mái ấm không trọn vẹn vì bà không thể sinh con. Dù như thế, bác sĩ Dinh rất yêu thương và trân trọng bà. Hai ông bà nhận nuôi một người con gái, sau này là nhà thơ Cẩm Thơ, bạn văn cùng thế hệ với Trần Đăng Khoa.

Từ ngày chồng mất, con gái theo chồng định cư ở nước ngoài, Anh Thơ sống với nguồn vui từ văn chương và bạn bè. Bà cùng nhà thơ Cẩm Lai, Thụy Chương, nhà báo Lý Thị Trung và đạo diễn Bạch Diệp lập ra nhóm Lệ Sương cùng nhau chia sẻ vui buồn, khó khăn, cùng đọc thơ, bình thơ những khi nhàn rỗi.

Nữ sĩ Anh Thơ qua đời ngày 14/3/2005 do bệnh ung thư phổi. Bà được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2007.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm