Phụ nữ Việt ở Hàn Quốc khắc phục khó khăn trong đại dịch Covid-19

Hưng Long
26/04/2020 - 20:28
Phụ nữ Việt ở Hàn Quốc khắc phục khó khăn trong đại dịch Covid-19

Chị Phan Thị Hoa cùng con trai (ảnh trái) và nhân viên cửa hàng Phở Nam Sài Gòn (số 114-14 Nonhyeon-dong, Gangnam-gu, Seoul, Hàn Quốc) (ảnh phải) tự tin vượt qua đại dịch Covid-19.

Trong đại dịch Covid-19, doanh nghiệp ở Hàn Quốc được chính phủ hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất 0,5%/năm, còn người dân được phát ngân phiếu để mua nhu yếu phẩm.

Doanh nghiệp được hỗ trợ vốn với lãi suất 0,5%/năm

Chị Phan Thị Hoa - chủ cửa hàng Phở Nam Sài Gòn (số 114-14 Nonhyeon-dong, Gangnam-gu, Seoul, Hàn Quốc) - trải lòng trong những ngày ứng phó với đại dịch Covid-19 ở xứ người. Chị Hoa kể, doanh nghiệp tại Hàn Quốc nói chung được chính phủ hỗ trợ với lãi suất 0,5%/năm, tối đa là 30 triệu Won (tương đương 600 triệu Việt Nam đồng).

Khi doanh nghiệp cần hỗ trợ thì gọi điện thoại đến phường để được hướng dẫn. Tại Hàn Quốc có ngân hàng trung gian bảo lãnh cho doanh nghiệp và sẽ giới thiệu cho một ngân hàng khác để được vay vốn. Các doanh nghiệp có giấy phép đăng ký kinh doanh đều nằm trong trường hợp được hỗ trợ vay vốn và đăng ký theo hướng dẫn.

Phụ nữ Việt ở Hàn Quốc trong đại dịch Covid-19  - Ảnh 1.

Chị Phan Thị Hoa cùng con trai

Chủ doanh nghiệp không phải ngày nào cũng có thể đến ngân hàng để đăng ký mà sẽ đến làm thủ tục theo số cuối trên chứng minh nhân dân ở nước sở tại. Đơn cử, những người nào có số 9 ở cuối thì liên hệ với ngân hàng vào các ngày 9, 19 và 29 trong tháng.

Ở Hàn Quốc, hoạt động của các doanh nghiệp không bị phong tỏa đến mức cấm đi ra đường như nhiều người nghĩ. Riêng vùng Daegu bị ảnh hưởng nặng nề thì người dân được nhà nước hỗ trợ rất nhiều. Chị Hoa nói, thiệt hại về dịch cúm đối với các doanh nghiệp rất lớn. Quán chị chủ yếu bán bún thịt nướng vào buổi chiều nhưng vì dịch bệnh mà quán gần như không có khách.

Buổi trưa, chị Hoa phục vụ cơm văn phòng. Quán có diện tích rộng, có thể phục vụ cùng lúc 120 người. Ngày bình thường, quán luôn có khách đoàn, tối thiểu cũng 40 người, chưa tính lượng khách vãng lai. Ước tính, trung bình trước khi dịch bệnh xảy ra, quán phục vụ vài trăm lượt khách mỗi ngày.

Từ khi dịch bệnh xảy ra, quán vắng và chỉ phục vụ cho vài chục lượt người. Phở Nam Sài Gòn thời điểm ăn nên làm ra có đến 2 nhà hàng ở Seoul. Dịch bệnh ập đến, chị Hoa buộc phải đóng cửa chi nhánh để cố cầm cự ở trụ sở chính. Mọi chi phí không cần thiết được cắt giảm tối đa để chờ qua cơn đại dịch.

Ngày bình thường, Phở Nam Sài Gòn có đến 7 nhân viên cùng phục vụ. Trong mùa dịch, chị Hoa chia ca theo giờ để đảm bảo các nhân viên không bị thất nghiệp và không ai bị bỏ rơi. Phở Nam Sài Gòn ở khu vực Gangnam-gu nên chi phí, tiền thuê mặt bằng rất đắt đỏ và phải cố gắng cầm cự.  

Người dân dùng ngân phiếu có thời hạn sử dụng để mua thực phẩm

"Chính phủ Hàn Quốc có nhiều chương trình hỗ trợ cho người dân đang sinh sống. Một gia đình ở Hàn Quốc có 4 người được hỗ trợ 1 triệu Won (tương đương 20 triệu Việt Nam đồng) bằng tiền ngân phiếu và chỉ sử dụng trong nội bộ địa phương", chị Nguyễn Thị Hương (sinh sống ở thành phố Daegu) chuyên bán hàng qua mạng chia sẻ. Những ngày đất nước Hàn Quốc bị dịch bệnh, chị Hương bị mất thu nhập, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình.

Chị được chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ ngân phiếu được sử dụng trong thời hạn nhất định để đổi lấy hàng hóa cần thiết tại các cửa hàng ở địa phương. Chị Hương giải thích, mục đích của Hàn Quốc phát ngân phiếu là để người dân phải dùng sản phẩm và nhà nước trả tiền cho các sản phẩm đó. Việc hỗ trợ theo kiểu này khiến cho nền kinh tế Hàn Quốc không đứng yên một chỗ mà luôn vận hành.

Phụ nữ Việt ở Hàn Quốc trong đại dịch Covid-19  - Ảnh 2.

Một góc thành phố Daegu trong đại dịch Covid-19.

Các hộ nhận trợ cấp cũng có thể đăng ký qua thẻ và dùng để thanh toán tại các điểm bán hàng. Chính phủ Hàn Quốc có thể kiểm soát được nguồn tiền hỗ trợ này thông qua các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa cho người dân. Sau khi cà thẻ để thanh toán hóa đơn, tiền hỗ trợ được chuyển vào tài khoản của doanh nghiệp và trở thành nguồn vốn của doanh nghiệp.

Tùy mức độ dịch bệnh ở mỗi vùng mà chính phủ Hàn Quốc có chính sách hỗ trợ riêng cho người dân. Trong đợt hỗ trợ vừa qua, Hàn Quốc hỗ trợ cho người dân ở Gangnam-gu là 250 ngàn Won/người (tương đương 5 triệu Việt Nam đồng). 

Người Việt chung tay vượt qua đại dịch Covid-19

Ông Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA), cho biết, Hàn Quốc là một trong những quốc gia ở châu Á, sau Trung Quốc đang phải chịu nhiều thiệt hại từ dịch bệnh Covid-19. Cộng đồng người Việt Nam ở Hàn Quốc dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn luôn hướng về quê hương.

Các doanh nhân luôn đoàn kết, chung tay quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh ngay trên đất nước Hàn Quốc. Dù khó khăn, các doanh nghiệp vẫn luôn bày tỏ mong muốn được cống hiến nhiều hơn cho đất nước thông qua phong trào khởi nghiệp, xúc tiến, kết nối thương mại, đầu tư...

Ông Trần Hải Linh chia sẻ, ngay khi phát đi "Lời kêu gọi" các doanh nhân Việt Nam, doanh nhân Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc tại cả Việt Nam và Hàn Quốc cùng chung tay hỗ trợ thêm cho đồng bào ở các vùng cách ly tại Việt Nam và hỗ trợ người dân Việt Nam ở vùng tâm dịch Daegu Gyeongbok và các khu vực khác tại Hàn Quốc.

Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA) và tổ chức Hội thành viên như VKEIA đã có nhiều hoạt động trao tặng hàng chục ngàn chiếc khẩu trang và các vật dụng, sản phẩm y tế thiết yếu cho các khu cách ly, các bệnh viện, trung tâm y tế tại Quảng Ninh, TPHCM, Tây Ninh, Hà Nội và Bắc Ninh.

Ông Trần Hải Linh tin tưởng rằng, dịch Covid-19 tại Hàn Quốc và Việt Nam sẽ sớm được ngăn chặn để doanh nghiệp, người dân Hàn Quốc và Việt Nam tiếp tục có sự kết nối, hợp tác cùng phát triển.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm