Phụ nữ VN rèn luyện phẩm chất: Tự tin, Tự trọng, Trung hậu, Đảm đang

20/10/2017 - 16:25
Mới đó mà đã hơn một nhiệm kỳ thực hiện đề án tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (gọi tắt là đề án 343).
Sau khi được Thủ tướng chính phủ phê duyệt ngày 12/3/2010, Ban chỉ đạo thực hiện đề án được thành lập.

Việc đầu tiên vô cùng quan trọng là xác định được thời kỳ CNH-HĐH đất nước thì người phụ nữ Việt Nam cần có những phẩm chất đạo đức gì vừa phát huy truyền thống vẻ vang  của các thế hệ phụ nữ Việt Nam, Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang trong kháng chiến cứu nước, vừa tiếp tục xây dựng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam có lòng yêu nước, có sức khỏe, kỹ năng nghề nghiệp.
tiep-tuc.jpg
Duyên dáng áo dài  Ảnh minh họa: Chí Linh

Năng động, sáng tạo; có lối sống văn hóa và lòng nhân hậu góp phần thực hiện các nghị quyết của Đảng về xây dựng Đảng, xây dựng con người Việt Nam, thiết thực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Với nhận thức sâu sắc và cách làm dân chủ, khoa học, việc lựa chọn bốn phẩm chất là tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang là phù hợp hơn cả trong thời kỳ xây dựng đất nước.

Hơn 5 năm triển khai thực hiện, kết quả bước đầu đáng ghi nhận vượt ra khỏi khuôn khổ một đề án, bốn phẩm chất này đã được ghi trong các văn bản của các cấp, các ngành và đặc biệt nhiều, nhiều phụ nữ đã có thể nhắc đến một cách rành rọt cả bốn phẩm chất đạo đức mà họ đang phấn đấu thực hiện.

Rõ ràng là công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, trên chiều rộng đã được thực hiện rất tốt, đạt được mục tiêu đề ra.

Nhiều mô hình, tấm gương tiêu biểu về các phẩm chất đạo đức tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang đã xuất hiện trong cuộc sống ngày một nhiều hơn, được giới thiệu, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đậm nét hơn góp phần động viên các tầng lớp phụ nữ vươn lên, tôn vinh cái đúng, tốt đẹp, ngăn chặn các hành vi sai trái, tiêu cực...

Là người phụ nữ Việt Nam, chúng ta vô cùng tự hào về truyền thống và những phẩm chất cao đẹp của các thế hệ phụ nữ được khắc họa trong suốt chiều dài lịch sử đất nước. Từ thuở xa xưa, mẹ Âu Cơ đi mở nước đến Hai Bà Trưng và các tướng nữ, rồi Bà Triệu, Bùi Thị Xuân, Thái hậu Dương Vân Nga, Nguyên Phi Ỷ Lan...

Đến thời kỳ cách mạng, những tên tuổi như chị Nguyễn Thị Minh Khai, chị Võ Thị Sáu, chị Nguyễn Thị Chiên, nữ tướng Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Bình, chị Út Tịch, mẹ Suốt, chị Trần Thị Lý, Tạ Thị Kiều, Ngô Thị Tuyển, chị Trương Mỹ Hoa, chị Võ Thị Thắng… và biết bao những người phụ nữ khác, những Bà Mẹ Việt Nam anh hùng.

Thời kỳ đổi mới đất nước, phụ nữ Việt Nam tiếp tục lập nhiều thành tích vẻ vang trên mọi lĩnh vực góp phần vào thành tựu chung của đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Ở họ hội  tụ đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của con người lao động, con người chiến sĩ, của người vợ, người mẹ trong gia đình.

Đó là lòng yêu quê hương, đất nước; Bao dung, nhân hậu, thủy chung; Có bản lĩnh, ý chí kiên cường, bất khuất, vượt khó vươn lên, giữ gìn uy tín, danh dự; cần cù thông minh, sáng tạo thích nghi với hoàn cảnh.

Tự hào về truyền thống của các thế hệ phụ nữ Việt Nam nhưng chúng ta không khỏi buồn phiền, day dứt, đau xót vì còn một bộ phận phụ nữ suy thoái về đạo đức, lối sống, tự ti, cam chịu, thiếu chủ động, an phận, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, ngại học tập… Ít quan tâm đến những vấn đề của xã hội, đất nước.

Không ít chị em, kể cả nữ thanh niên, không tự nhận biết được khả năng của mình, thường cho mình kém cỏi nên thiếu niềm tin vào bản thân; Mê tín dị đoan; Ít tham gia sinh hoạt hội, các hoạt động xã hội, không dám phát biểu ý kiến hoặc trao đổi bàn bạc với người chồng cùng quyết định các công việc gia đình.

Ý thức về trách nhiệm của công dân chưa được thực hiện đầy đủ, thậm chí số ít chị em không tham gia đi bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân…

Đặc biệt, trong thực hiện pháp luật vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất phát từ lòng tham, từ sự thiếu hiểu biết, một số chị em đã có những hành vi vừa vi phạm pháp luật, vừa không đúng đạo lý, cố tình đầu độc nguồn thực phẩm làm ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng con người.

Bên cạnh đó còn kinh doanh hàng gian, hàng giả. Tình trạng sử dụng bằng giả, quay cóp trong thi cử, sao chép, đạo văn, gây sự đánh nhau trong nhà trường, ăn mặc hở hang, phản cảm, nói tục, chửi thề, lười lao động, có thể làm cả những công việc vi phạm nhân phẩm, sống ích kỷ, nhỏ nhen, không quan tâm đến mọi người; trông chờ ỷ lại không có ý thức cố gắng vượt khó khăn, không muốn thoát nghèo, mối quan hệ tình yêu, hôn nhân vì vật chất, thiếu tôn trọng người khác, không tận tâm, trách nhiệm với nhiệm vụ được giao, vi phạm các quy định của Đảng;

Nói không đi đôi với làm, phát ngôn bừa bãi, thiếu trách nhiệm, thấy đúng không bảo vệ, thờ ơ im lặng trước hành vi xấu, thậm chí bị kẻ xấu kích động lôi kéo; Không quan tâm chăm lo giáo dục con, xây dựng gia đình hạnh phúc…

Những biểu hiện và hành vi nêu trên xuất phát từ chỗ mỗi người phụ nữ chúng ta lúc này, lúc khác chưa thật tự tin và chưa thật tự trọng.

Cuộc sống xung quanh chúng ta bên cạnh nhiều người tốt, việc tốt không tránh khỏi có những tiêu cực, cám dỗ, điều kiện, hoàn cảnh nảy sinh đòi hỏi mỗi người phụ nữ cần biết làm chủ bản thân, có nhận thức và hành vi đúng đắn, phù hợp…

Trách nhiệm của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam làm gì và làm như thế nào để tiếp tục vận động, hỗ trợ phụ nữ rèn luyện, tu dưỡng về phẩm chất đạo đức về năng lực, ý chí, bản lĩnh, lối sống… để truyền thống, phẩm chất, hình ảnh phụ nữ Việt Nam ngày càng tỏa sáng.
bai-2.jpg
Các đại biểu dự Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII Ảnh: Trọng Hải 

Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017-2022, đã đề ra một nhiệm vụ hết sức quan trọng có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc là: Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc. Cuộc vận động rèn luyện phẩm chất đạo đức tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang vẫn được tiếp tục phát động. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này đòi hỏi sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thống nhất nhận thức, đổi mới, sáng tạo trong cách làm, huy động được các cơ quan, tổ chức, các tầng lớp phụ nữ, từng gia đình cùng tham gia thực hiện.

Trước hết, Hội cần nghiên cứu để hoàn thiện những chuẩn mực của người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện cả về năng lực, đạo đức lối sống và thể lực. Thực tế tiêu chí về năng lực, trí tuệ cũng đã được thể hiện ở phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Vì vậy trong chỉ đạo, Hội cần tập trung cả phong trào thi đua và cuộc vận động rèn luyện phẩm chất đạo đức, đồng thời đẩy mạnh hoạt động tự chăm sóc sức khỏe, tự rèn luyện thân thể của phụ nữ vì sự phát triển của người Việt Nam.

Thứ hai, tập trung nhiều hơn nữa cho công tác tuyên truyền giáo dục, đặc biệt chú trọng vào các phẩm chất tự tin, tự trọng vì nó quyết định và tác động tích cực đến các phẩm chất khác. Câu nói “Những người phụ nữ tự trọng luôn khiến chúng ta cảm động và khâm phục…” cho chúng ta thấy rõ phẩm chất tự trọng cần thiết đối với con người như thế nào, nhất là với phụ nữ. Người có lòng tự trọng chắc chắn sẽ là người tin tưởng vào bản thân. Để truyền thông có kết quả cụ thể, các buổi sinh hoạt Hội là cơ hội tốt, coi đây như diễn đàn mà ở đó, những tình huống cụ thể ở địa phương những gương người tốt, việc tốt, những việc chưa tốt, chưa phù hợp… được đưa ra để chị em thảo luận, chia sẻ về cảm xúc, về nhận thức, trải nghiệm… Từ đấy, mỗi người đều có những cảm nhận, học được điều gì đó. Người chưa tự tin được động viên, khuyến khích nói ra những suy nghĩ của mình; Người có những việc làm chưa hay cảm thấy tự xấu hổ với chính mình… Rõ ràng là với những diễn đàn như thế được tổ chức thường xuyên “mưa dầm thấm lâu”, nhẹ nhàng mà thấm thía, cụ thể thiết thực mà sâu sắc, không đao to búa lớn, không sáo mòn mà dễ đi vào lòng người và tạo được sự chuyển đổi cả về nhận thức và hành vi bền vững.

Các tài liệu truyền thông về phẩm chất tự tin, tự trọng cần được hoàn thiện, thể hiện theo hình thức những hành vi nên và không nên, nếu có thể nên được phát đến các gia đình như vậy sẽ tạo ra môi trường lành mạnh, với sự hỗ trợ, ủng hộ của người thân, của cộng đồng đối với phụ nữ. Nội dung tài liệu tập trung vào những vấn đề gây bức xúc xã hội như vệ sinh an toàn thực phẩm, đạo đức kinh doanh, đạo đức công vụ, không trung thực trong thi cử, sử dụng bằng giả, lối sống thực dụng, ích kỷ, vô cảm, nói không đi đôi với làm… Xây dựng các thông điệp ngắn gọn, mạnh mẽ, hấp dẫn. Tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, tận dụng mạng xã hội để giới thiệu các tấm gương phụ nữ tự tin, tự trọng, tích cực học tập, sáng tạo. Công tác thi đua khen thưởng cần được chú trọng, thường xuyên khen thưởng nhiều hơn cá nhân phụ nữ.

Thứ ba, chúng ta đều biết để hình thành nhân cách của con người là cả quá trình được giáo dục, rèn luyện như Bác Hồ đã dạy “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Trẻ em gái hôm nay sẽ là người phụ nữ trong tương lai, vì vậy để có người phụ nữ biết tự tin, tự trọng, biết làm chủ bản thân, tự lập… Không gì tốt hơn là giáo dục sớm ngay từ hôm nay. Ở đây vai trò của gia đình, của các bậc cha mẹ và nhà trường là rất quan trọng. Tổ chức Hội cần phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để có những chương trình hoạt động cả trong và ngoài nhà trường dành riêng cho trẻ em gái, nữ học sinh, sinh viên. Bằng cách làm này, tin rằng nhiệm vụ xây dựng người phụ nữ phát triển toàn diện, người phụ nữ với những phẩm chất tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang sẽ đạt kết quả bền vững.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen tặng phụ nữ Việt Nam “Non sông gấm vóc Việt Nam, do phụ nữ ta trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Trách nhiệm của mỗi phụ nữ chúng ta là thực hiện tốt lời dạy của Bác, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, văn minh và trường tồn.

                                                                                                                                 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm