Phụ nữ với tuyến đường Hồ Chí Minh: Những tuổi xuân huyền thoại

17/05/2019 - 08:00
Năm tháng sẽ trôi qua nhưng Đường Hồ Chí Minh-Trường Sơn mãi là niềm tự hào, kiêu hãnh của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn; là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; là huyền thoại của huyền thoại trong trường ca chống Mỹ của dân tộc thế kỷ XX.

Để làm nên con đường Trường Sơn huyền thoại mang tầm vóc lịch sử, cùng các chiến sĩ là nam giới, có hàng vạn nữ chiến sĩ từ khắp các địa phương trong cả nước đã tình nguyện trực tiếp góp công sức chiến đấu, lao động với bao nhiêu mồ hôi nước mắt, đánh đổi cả sự hy sinh xương máu của mình. Họ là những Thanh niên xung phong (TNXP), giao liên, dân công hỏa tuyến, bộ đội thông tin, bộ đội đường ống-xăng dầu, quân y, nhà văn, nhà báo, văn công và cả lái xe, công binh... là nữ.

 

2-copy.jpg
Thanh niên xung phong vận chuyển đạn dược, lương thực. Ảnh tư liệu

 

Trong số họ nhiều tập thể, cá nhân đã làm nên những chiến công như huyền thoại, lịch sử dân tộc mãi mãi khắc ghi những hình ảnh về: “Mười cô gái TNXP anh hùng ở Ngã ba Đồng Lộc”, các nữ Thanh niên xung  phong  ở Truông Bồn, Bến phà Long Đại và các tuyến đường: 10, 12A, 20, 15, 16  trên đất Quảng Bình. 

 

Đặc biệt là đường 12A với các trọng điểm Khe Ve, La Trọng, Bãi Dinh, Cổng trời; đường “20 quyết thắng” với  cua chữ A, ngầm Ta - Lê, đèo Phu - La - Nhích; nữ bộ đội Thông tin liên lạc trạm cơ vụ A69 ở hang Lèn Hà; Trung đội nữ lái xe Trường Sơn,... Các nữ anh hùng liệt sĩ TNXP Nguyễn Thị Vân Liệu, Nguyễn Thị Nhạ...., các nữ TNXP anh hùng:  Nguyễn Thị Kim Huế, Đinh Thị Thu Hiệp, Hồ Thị Thu  Hiền, Nguyễn Thị Nậy, Phạm Thị Thao, Nguyễn Thị Huấn... đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của phụ nữ việt Nam. Còn biết bao chị em đã gửi lại tuổi thanh xuân đang tràn đầy sức sống trên tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử. Tên tuổi, chiến công của họ đi vào lịch sử, vào thi ca cách mạng và sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

 

1.jpg
Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc năm 1971

 

Cùng với những chị em trực tiếp trên tuyến đường là sự đóng góp, hy sinh to lớn của hàng triệu phụ nữ ở hậu phương, mà đỉnh cao là phong trào “Ba đảm đang” được Hội LHPN Việt Nam phát động từ tháng 3/1965.

 

Đóng góp sức người cho Đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn, có biết bao người mẹ, người vợ đã hy sinh tình cảm riêng tư của mình để tiễn con, tiễn chồng vào chiến trường Trường Sơn, dù biết là gian khổ, hy sinh. Tha thiết với hạnh phúc gia đình, yêu thương chồng con thắm thiết, nhưng để giành lại độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, hàng triệu phụ nữ đã gác tình riêng vì nghĩa lớn.

 

Có người mẹ nào, người vợ nào lại muốn xa chồng, xa con và lại càng không muốn chồng, con mình đi đến nơi sống chết cận kề! Vậy mà vì chiến thắng của tuyến đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn, hàng vạn người mẹ trên khắp đất nước ta không chỉ tiễn con trai, mà đã dứt lòng tiễn cả con gái - những đứa con thường được gọi là chân yếu, tay mềm, luôn yêu thương cận kề bên mẹ, để cung cấp sức người cho tuyến đường.

 

Lực lượng nữ nông dân chiếm hơn 70% lực lượng lao động sản xuất trên đồng ruộng, với khí thế “tay cày, tay súng” đã có vai trò to lớn trong bảo vệ, xây dựng quê hương, đặc biệt là nguồn sức mạnh tinh thần, vật chất to lớn cung cấp cho chiến trường. Hàng triệu phụ nữ sôi nổi thi đua đảm đang thay thế nam giới làm chủ ruộng đồng, bám biển, bám làng, đảm bảo mục tiêu phát triển nông nghiệp toàn diện. Từ thành quả lao động của mình, với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, chị em luôn luôn làm tròn nghĩa vụ với chiến trường.

 

4.jpg
Những nữ chiến sĩ Trường Sơn vẫn nở nụ cười giữa muôn vàn gian khó

 

Chiếm 52% tổng số thợ thủ công chuyên nghiệp, chị em tham gia nhiều ngành nghề truyền thống như dệt, thêu, chế biến nông sản, thủy sản, sản xuất cơ khí nhỏ... cùng với nữ công nhân lao động trong các nhà máy, xí nghiệp “tay búa, tay súng” với quyết tâm bất kể tình huống nào cũng bám máy, bám hàng sản xuất, phục vụ yêu cầu của chiến trường.

 

Chị em trong các ngành Giáo dục, Y tế, đều với tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai” để đảm đương phần công việc của nam giới ra chiến trường...

 

Đông đảo phụ nữ ở ven đường giao thông đã tích cực tham gia sửa chữa cầu đường, san lấp hố bom, vận chuyển hàng hóa... Đó là tinh thần “xe chưa qua nhà không tiếc” của phụ nữ các tỉnh Khu IV, là tấm gương mẹ Trần Thị Choàng (xã Quảng Thuận, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) đã tự đập tường nhà mình cho hạt giao thông làm đường và nhân dân, phụ nữ Quảng Thuận thực hiện câu ca: 

“Hết nhà ta lại phá tường

Không để xe tắc và đường ta hư”.

 

3.jpg
Tại trận địa phòng không

 

Chúng ta tự hào thời kỳ “Ba đảm đang” có 42 nữ anh hùng, 9 đơn vị nữ anh hùng được tôn vinh; 1.718 chị em được thưởng huy hiệu Bác Hồ, trên 5.000 chị em là chiến sỹ thi đua toàn quốc, gần 4 triệu hội viên đạt danh hiệu phụ nữ “Ba đảm đang”. Phụ nữ Việt Nam ta xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm đảm đang chống Mỹ cứu nước”.

 

Nói đến vai trò của “phụ nữ Việt Nam với tuyến đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh”, chúng ta bày tỏ lòng tri ân sâu sắc của mình với hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, văn nghệ sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nằm lại với đại ngàn Trường Sơn “Tuổi thanh xuân gửi lại chiến trường”, trong đó có nhiều phụ nữ. Tên các chị, các anh đã trở thành tên đất nước, máu thịt các chị, các anh đã thành tượng đài nơi tuyến lửa.

 

Kỷ niệm 60 năm Đường Hồ Chí Minh, 60 năm Bộ đội Trường Sơn, là dịp để tất cả chúng ta tri ân và soi rọi lại chính mình, phấn đấu noi theo tấm gương của những phụ nữ đã đóng góp to lớn cho tuyến đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn lịch sử.

Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh qua những con số

* 18.000/120.000 người là nữ bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến...

* 25.040 là tổng số km chiều dài toàn tuyến, trong đó có 20.000 km đường ô tô, 500 km đường sông, 1.400km đường dẫn xăng dầu, 3.140 tuyến đường kín.

* 1 triệu tấn là số lượng vũ khí được vận chuyển qua đường Trường Sơn vào chiến trường.

* 2 triệu là số lượt bộ đội, cán bộ vào chiến trường.

* 2.500 là số trận đánh trên tuyến đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh

* 29 triệu m3 đất đá được đào đắp, san lấp.

* 78.000 hố bom được san lấp.

* 105.700 quả bom, mìn được phá, trong đó có 12.600 quả bom từ trường, 8.000 quả bom nổ chậm, 85.100 quả mìn.

* 100 xe quân sự, hàng ngàn khẩu súng bị phá hủy.

* 2.450 máy bay bị bắn rơi.

* Hơn 20.000 bộ đội, TNXP, công nhân giao thông đã hy sinh.

 Nguồn: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm