Phụ nữ vượt biên bán bào thai: Vì sao chưa ngăn chặn được?

31/01/2019 - 07:35
Chỉ trong một thời gian ngắn đã có hàng chục trường hợp phụ nữ ở huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) vượt biên sang Trung Quốc bán bào thai. Vì sao thực trạng nhức nhối này chính quyền địa phương biết mà chưa thể ngăn chặn được?

Lúng túng trước thủ đoạn buôn người rất mới 

Gần đây, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã phát hiện thủ đoạn phạm tội mới. Các đối tượng tìm đến các gia đình có phụ nữ đang có thai sắp sinh (mang thai 6-8 tháng) ở các vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số để dụ dỗ đưa sang Trung Quốc sinh con rồi bán con lại cho người Trung Quốc (gọi tắt là mua bán bào thai). Xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn được coi là tâm điểm của tình trạng mua bán bào thai đang diễn ra nóng bỏng nơi miền núi biên giới Nghệ An này. 

Trao đổi với lãnh đạo địa phương, chúng tôi nhận thấy bản thân chính quyền nơi đây cũng đang rất lúng túng trong việc tìm ra giải pháp để ngăn chặn. Cho đến nay, giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân vẫn được xem là chủ đạo. Thế nhưng, giải pháp này lại không thể phát huy hiệu quả nhanh được.  

Ông Nguyễn Hữu Lượng, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm (huyện Kỳ Sơn), cho biết: “Chúng tôi đã làm việc trực tiếp với những trường hợp này và họ đều thừa nhận. Có những trường hợp nói rằng có phần day dứt song cũng có người thể hiện thái độ thờ ơ. Thực sự là những người lãnh đạo xã, chúng tôi rất đau xót nhưng chưa thể ngăn chặn”. Theo ông Lượng, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng trên khó được giải quyết là trình độ dân trí trên địa bàn thấp trong khi chính quyền chưa có chế tài cụ thể. 

dai-ta-nguyen-huu-cau-0.jpg
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An.

 

Theo thống kê từ cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An. Trong năm 2018, các lực lượng chức năng toàn tỉnh phát hiện, bắt giữ, khởi tố 16 vụ, 26 đối tượng có hành vi mua bán người, mua bán trẻ em; tiếp nhận hỗ trợ, giải cứu 40 nạn nhân liên quan đến mua bán người. Tuy nhiên, tình hình tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các huyện miền núi vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, phương thức thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. 

Báo động về tình trạng mua bán bào thai đang trở thành vấn đề “rộ” lên ở Nghệ An, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An - cho biết: Đây là “thủ đoạn buôn người rất mới”. Theo điều tra, tìm hiểu, một số người vốn là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc sau một thời gian quay về quê quán ở Kỳ Sơn. Những người này đã tìm gặp các phụ nữ mang thai từ tháng thứ 6 đến thứ 8, thuyết phục họ qua Trung Quốc bán con.

“Trong Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017 có 5 tội liên quan đến hành vi mua bán người nhưng không nhắc đến việc mua bán bào thai. Trong khi đó, để cấu thành tội phạm thì phải có bị hại. Trong các vụ án này không có bị hại nên không thể xử lý được. Bị hại ở đây chính là những đứa trẻ, là những bào thai. Nhưng nhiều chuyên gia luật cho rằng, bào thai chưa phải là con người. Vì biết đâu cái thai bị hỏng trước khi được sinh ra, hoặc vừa sinh ra đã chết”, Đại tá Cầu cho biết. 

Hiện tượng phụ nữ mang thai vượt biên sang bên kia biên giới sinh đẻ rồi bán con gây nên tình hình phức tạp trên địa bàn. Tuy nhiên, việc phát hiện, xử lý gặp nhiều khó khăn vì vướng phải các quy định, chế tài của luật pháp. Cũng theo Đại tá Cầu, trong Bộ luật Hình sự hiện nay, các tội danh liên quan đến hành vi mua bán người không đề cập đến việc mua bán bào thai. Bị hại trong những trường hợp này cũng chưa xác định được. 

Đề cập tới giải pháp xử lý tình trạng này, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu cho biết: Hiện nay, Công an Nghệ An đang áp dụng 2 giải pháp đó là tích cực tuyên truyền, đặc biệt là đối với khu vực đồng bào thiểu số tại vùng cao, để người dân khỏi bị mắc bẫy; đồng thời nỗ lực triệt phá các đường dây mua bán người để làm trong sạch địa bàn. Ngoài ra, Công an Nghệ An cũng đã trao đổi với Viện kiểm sát và Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) để xin chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công an. 

mua-ban-bao-thai.jpg
Những người phụ nữ được bàn giao về với gia đình trong đường dây do Moong Thị Oanh (SN 1987, trú tại xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn) đưa sang Trung Quốc để bán con bị Công an Trung Quốc triệt phá và trao trả về Việt Nam.

 

Cần nâng cao nhận thức của cha mẹ

Trước tình trạng mua bán người, mua bán bào thai diễn biến phức tạp, ngày 9/1/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng ban hành công văn yêu cầu các cấp, ngành huy động sức mạnh hệ thống chính trị trong việc tham gia phòng, chống mua bán người, mua bán bào thai. Đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về phòng, chống mua bán người nói chung và mua bán bào thai nói riêng. 

Phía Công an tỉnh tăng cường công tác quản lý về an ninh trật tự, quản lý người nước ngoài, phụ nữ lấy chồng Trung Quốc. Tập trung điều tra, khám phá các vụ án, đường dây mua bán người, truy bắt đối tượng phạm tội, giải cứu và bảo vệ nạn nhân; tổ chức cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người. 

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tăng cường quản lý khu vực biên giới nhằm kịp thời ngăn chặn tội phạm mua bán người và lợi dụng di cư trái phép để lừa bán phụ nữ, trẻ em, thai nhi. 

Các địa phương, đặc biệt là các huyện trọng điểm về mua bán người như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp chỉ đạo xã đến các gia đình có người thân bị mua bán hoặc có dấu hiệu móc nối mua bán người, mua bán bào thai để tuyên truyền và răn đe, cảnh tỉnh, kịch liệt lên án, tổ chức các hộ gia đình ký cam kết không tham gia, không tiếp tay cho hoạt động mua bán người, mua bán bào thai và di cư trái phép. 

mua-ban-bao-thai-1-copy.jpg
Nghe đến số tiền lớn, chị M. đã trốn chồng vượt biên bán đi chính đứa con của mình.

 

Tình trạng mua bán bào thai ở vùng biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An, đang có những diễn biến phức tạp, bởi vậy sự vào cuộc của các cơ quan chức năng là hết sức cần thiết. Nhưng mong rằng, cùng với các giải pháp đang áp dụng về tuyên truyền, đấu tranh với tội phạm thì vẫn có những giải pháp dài hơi để có thể giải quyết tận gốc rễ vấn đề. 

Chỉ khi nhận thức của những người cha, người mẹ ở vùng biên này được nâng cao và họ không còn bị ám ảnh bởi cái nghèo, cái đói nữa thì có lẽ lúc đó mới có thể tạm yên tâm, không còn những người mẹ vượt biên bán con lần 2, lần 3 nữa, những đứa trẻ không còn trở thành những “món hàng” khi vẫn chưa kịp cất tiếng khóc chào đời.  

ba-phan-ha-an.jpg
 

“Trước tình trạng buôn bán bào thai ở huyện biên giới Kỳ Sơn, với vai trò Hội LHPN tỉnh, chúng tôi nhận thấy nhiều vấn đề cần phải tìm ra các giải pháp để khắc phục trong thời gian tới. Chúng tôi cũng mong muốn các cấp các ngành tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa nơi xẩy ra cái tình trạng buôn bán bào thai từ trước tới nay. Bên cạnh đó cũng cần thường xuyên thông báo phương thức thủ đoạn của kẻ buôn bán người, buôn bán bào thai để cho người dân chủ động phòng tránh”.

Phan Thị Hoài An, Trưởng ban Chính sách-Pháp luật, Hội LHPN tỉnh Nghệ An

 (Còn nữa)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm