Phú Riềng (Bình Phước): Nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng, bỏ lọt tội phạm trong vụ hỗn chiến

30/10/2019 - 09:51
Sau khi xảy ra đánh nhau, tuy cả hai bên đều có thương tích nhưng ban đầu Công an huyện Phú Riềng lại chỉ khởi tố và bắt giam 4 đối tượng của một phía. Phía còn lại dù cũng có nhiều người "tham chiến", nhưng mãi về sau Công an mới khởi tố duy nhất một bị can, khiến cho vụ án bị tố cáo là thiếu khách quan, bỏ lọt tội phạm. Không những thế, trong vụ án này có một bị can dưới 18 tuổi bị Công an huyện Phú Riềng áp dụng biện pháp tạm giam, có nhiều dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng tố tụng…

Mâu thuẫn từ mấy cành tàu dừa bị chặt

Chiều ngày 31/12/2018, Chu Văn Hùng (SN 1992, trú tại thôn 4, xã Long Bình, huyện Phú Riềng) đi về nhà thì thấy có mấy tàu lá dừa bị chặt liền nói với nhóm người nướng cá ở cùng thôn là “lần sau tới câu đừng chặt dừa”.

Ngay lúc này, 1 người trong nhóm nướng cá là Lê Thùy Anh (SN 1990, trú thôn Phú Tân, xã Phú Riềng) liền nói “tao chặt hết cây dừa của mày còn được”.

Từ câu nói này, Thùy Anh và Hùng đã xảy ra to tiếng, xô xát dẫn đến vụ “hỗn chiến” giữa hai nhóm người. Hậu quả vụ đánh nhau nay là Thùy Anh bị một số vết thương vùng mặt (do vật tày cứng tác động), tổn hại 40% sức khỏe.

Trong khi đó, nhóm bên kia có Hùng bị tổn hại 10% sức khỏe (vết chém ở lưng); anh Trần Trọng Trí (SN 1984 bà con với Hùng) bị 7% sức khỏe (vết thương vùng đầu và tay) do bị Lê Thùy Anh và Nguyễn Đình Quý (SN 1999; trú tại thôn 4, xã Long Bình) dùng dao chém.

Mẹ của bị can Thiện Nhân (sinh ngày 2/12/2002) chỉ hiện trường nơi xảy ra vụ hỗn chiến

Sau khi có kết quả giám định, Công an huyện Phú Riềng đã khởi tố vụ án “cố ý gây thương tích”, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với 4 người thuộc nhóm Chu Văn Hùng gồm: Hùng; Trí; Trần Thiện Nhân (SN 2002) và Chu Minh Đức (SN 2001) vì cho rằng những người này dùng hung khí đánh Lê Thùy Anh gây thương tích 40%.

Cho rằng việc khởi tố “1 phía” như trên là không khách quan, bà Bùi Thị Hà (mẹ bị can Chu Minh Đức) đã có đơn khiếu nại vì cho rằng CQĐT cần khởi tố, xử lý đối với Lê Thùy Anh và Nguyễn Đình Quý (SN 1999; trú tại thôn 4, xã Long Bình) vì hai người này đã gây gổ trước và dùng dao chém anh Hùng và anh Trí.

Ngoài ra, bà Hà cũng đề nghị CQĐT phải trưng cầu giám định lại về thương tích đối với Lê Thùy Anh vì thương tích thực tế của bị hại này không nghiêm trọng như kết quả giám định vừa qua.

Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm

Trao đổi với PV, Luật sư Lê Ngọc Hà (Văn phòng Luật Sư Đa Phúc, Đoàn Luật sư Hà Nội, là người bào chữa cho các bị can) cho biết, với tư cách là luật sư bào chữa, tôi đã có kiến nghị gửi tới CQĐT Công an huyện Phú Riềng đề nghị khởi tố bị can đối với Lê Thùy Anh và Nguyễn Đình Quý về tội “cố ý gây thương tích” và  tội “giết người” vì hai đối tượng này đã có hành vi dùng dao chém anh Trí vào đầu, chém anh Hùng vào lưng.

Cũng theo LS Hà, trách nhiệm của CQĐT là phải điều tra khách quan, toàn diện mọi tình tiết của vụ án (nguyên nhân, động cơ, mục đích của tội phạm; các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ…) của vụ án. Như vậy, trong vụ án này, phải làm rõ hành vi chém người của Thùy Anh và Quý thì mới đảm bảo việc điều tra được khách quan, toàn diện, cũng như giúp xác định đúng tội danh đối với nhóm người bên kia. Nếu có căn cứ chứng minh nguyên nhân đánh người của Trí, Đức, Nhân là do muốn bảo vệ tính mạng, sức khỏe của Hùng hoặc do bức xúc trước việc người thân bị Thùy Anh và Quý chém thì hành vi của các bị can này có dấu hiệu do “bị kích động mạnh”. Còn hành vi của Hùng có tính chất “phòng vệ chính đáng”.

Tuy nhiên, dù bị can và người giám hộ đã liên tục đề nghị khởi tố đối với Thùy Anh và Quý phải hơn 1 tháng sau, CQĐT công an huyện Phú Riềng mới chỉ khởi tố Quý về tội cố ý gây thương tích.

Vi phạm nghiêm trọng tố tụng

Đáng chú ý, tính đến thời điểm hiện thì một trong các bị can là Trần Thiện Nhân (sinh ngày 2/12/2002) đang bị CQĐT công an huyện Phú Riềng áp dụng biện pháp “ tạm giam” dù bị can này vẫn chưa đủ 18 tuổi.

Thông báo của CQĐT công an huyện PHú Riềng về việc bắt tạm giam đối với bị can Trần Thiện Nhân, sinh ngày 2/12/2002

Khoản 1, Điều 419, BLTTHS 2015, quy định: “Chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả”.

Tuy nhiên, trong vụ án này, không hiểu CQĐT căn cứ vào đâu để phải tạm giam đối với bị can này?

Hơn nữa, Khoản 3, điều 419 BLTTHS còn quy định “Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giữ, tạm giam về tội nghiêm trọng do cố ý, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng nếu có căn cứ quy định tại các điều 110, 111 và 112, các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 của Bộ luật này”

Đối chiếu với quy định trên, một số luật sư cho rằng, trong vụ án này, bị can Nhân có nơi cư trú rõ ràng (đang là học sinh), chưa bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; không tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội, không có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối; không  mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm…thì việc áp tạm giam đối với bị can này là có dấu hiệu vi phạm nghiêm trong quy định của BLTTHS (về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm