Phục hồi được tế bào não lợn đã chết, cơ hội lớn điều trị đột quỵ

24/04/2019 - 14:35
Lần đâu tiên trong lịch sử y khoa, một nhóm nghiên cứu quốc tế do các nhà khoa học tại Đại học Yale (Mỹ) chủ trì đã chứng minh được khả năng phục hồi sự sống cho các tế bào não lợn sau khi đã chết khiến quan điểm chết não là kết thúc sự sống lâu nay có thể phải xem lại.

Trước đây, các tài liệu khoa học cho rằng cái chết của não bộ sẽ diễn ra một cách nhanh chóng và không thể đảo ngược chỉ vài phút sau khi nó không nhận được đủ oxy. Tuy nhiên, các nhà khoa học Mỹ đã chứng mình được khả năng phục hồi sự sống cho các tế bào não lợn sau khi đã chết.

Việc phục hồi lại não lợn đã chết chắc chắn sẽ khiến các nhà khoa học phải xem xét lại quan điểm chết não là kết thúc sự sống lâu nay.

"Quá trình chết của tế bào não đã xảy ra trong một cửa sổ thời gian dài hơn so với những gì chúng ta nghĩ trước nay", giáo sư thần kinh học Nenad Sestan tại Đại học Yale, chủ trì nghiên cứu, chia sẻ quan điểm trong cuộc họp báo.

"Những gì chúng tôi đang chứng minh được, sự chết của tế bào là một quá trình xảy ra dần dần, từng bước một. Và một số trong những quá trình đó có thể được hoãn lại, bảo tồn hoặc thậm chí đảo ngược".

Nhóm nghiên cứu phát triển một hệ thống có tên gọi BrainEx, một giải pháp bơm máu vào não một cách hoàn hảo và biến não trở về trạng thái đầy đủ máu y như lúc ban đầu.

Mô tả sơ đồ hiển thị của thiết bị BrainExa mà các nhà khoa học ĐH Yale sử dụng

Kết quả nghiên cứu đáng chú ý này được công bố trên tạp chí Nature ra ngày 17/4/2019 có thể sẽ khiến rung chuyển quan niệm về cái chết lâu nay trong giới khoa học.

Các nhà khoa học đến từ Đại học Yale Hoa Kỳ đã tiến hành thí nghiệm của họ với 32 bộ não đến từ những con lợn bị giết để lấy thức ăn tại một lò mổ địa phương.

Các nhà khoa học để bộ não lợn đã bị giết trước đó 4 tiếng đồng hồ kết nối vào hệ thống BrainEx. Bằng một hệ thống này, các nhà thần kinh học đã có thể chặn đứng quá trình chết của các tế bào não, khôi phục lại một số chức năng phân tử và kết nối thần kinh cho nó.

Quá trình hồi sinh này được các nhà khoa học tại Đại học Yale tiến hành liên tục trong 6 giờ đồng hồ.

Sau 10 tiếng đồng hồ kể từ khi bị giết mổ, các tế bào não lợn đã tiếp nhận oxy và glocose đồng thời thải ra carbon dioxide, quá trình này cho thấy chúng đang tiêu thụ năng lượng. Một số tế bào não thậm chí đã bắt đầu phát tín hiệu với nhau. 

Tất cả những chức năng hoạt động này đều là biểu hiện thông thường ở các tế bào não còn sống.

Thực tế đó cho thấy hệ thống nhân tạo của nhóm nghiên cứu hoặc đã hồi phục được sự sống cho một số tế bào não đã chết hoặc đã trì hoãn sự "chết" của chúng trong nhiều tiếng nữa.

Tuy nhiên, khi tiến hành đo điện não đồ, họ không thấy dấu hiệu não hoạt động (ý thức và nhận thức) và về cơ bản đây vẫn là các bộ não chết.

"Đây chưa phải là một bộ não sống", nhà khoa học thần kinh Nenad Sestan tại ĐH Yale, cho biết. "Nhưng đó là một bộ não có sự hoạt động về mặt tế bào".

Hệ thống BrainEx gồm 3 phần

 

 

Nghiên cứu này có ý nghĩa như thế nào?

Christof Koch, Chủ tịch của Viện khoa học Não Allen ở Seattle (Hoa Kỳ) cho biết, ông rất ngạc nhiên về kết quả, đặc biệt là khi chúng đạt được ở một động vật lớn. "Loại công nghệ này có thể giúp tăng cường kiến ​​thức của chúng tôi để đưa mọi người trở lại vùng đất của người sống sau khi sử dụng ma túy quá liều hoặc sự kiện thảm khốc khác làm não mất oxy trong một hoặc hai giờ," ông nói.

“Bằng việc bơm máu vào não lợn chết và theo dõi dòng máu chảy, các nhà khoa học có thể lập bản đồ tế bào não và sự kết nối giữa chúng theo cách chi tiết nhất chưa từng được thực hiện trước đây. Cách thức này giúp chúng ta hiểu thêm về bộ não để tìm ra cách cứu chữa não chết”, Andrea Beckel-Mitchener, trưởng nghiên cứu về não bộ tại N.I.H. chia sẻ.


Công nghệ này được kỳ vọng sẽ trở thành phương pháp điều trị mới cho đột quỵ, chấn thương sọ não hay các bệnh như Alzhermei.

Về lâu dài, các nhà khoa học mong muốn tìm ra những cách thức tốt hơn để bảo vệ não sau những chấn thương nặng hay bị thiếu oxy khi sinh đẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm