Phương pháp điều trị suy tĩnh mạch mới hiệu quả, hồi phục nhanh

Xuân Thanh
02/12/2021 - 15:00
Phương pháp điều trị suy tĩnh mạch mới hiệu quả, hồi phục nhanh

Các bác sĩ bơm keo sinh học điều trị suy tĩnh mạch cho bệnh nhân

Mới đây, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch (BV E Trung ương) đã điều trị thành công suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới bằng keo sinh học cho bệnh nhân. Đây là phương pháp mới, ít xâm lấn, thời gian thực hiện ngắn và hồi phục nhanh.

Bệnh nhân đầu tiên được các bác sĩ Trung tâm Tim mạch của BV điều trị thành công suy tĩnh mạch nông chi dưới bằng keo sinh học là chị N.T.N (39 tuổi, ở Thường Tín, Hà Nội). Do tính chất công việc làm điều dưỡng hồi sức tại BV nên chị phải đứng liên tục hoặc đi lại suốt thời gian làm việc 8 tiếng/ngày. Cách đây mấy năm, chị xuất hiện triệu chứng đau nhức và đè nặng ở cẳng chân, cảm giác rất khó chịu. Chị đi khám và được siêu âm tĩnh mạch, bác sĩ chẩn đoán chị bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Các bác sĩ đưa ra phương án điều trị nội khoa, kết hợp mang vớ (tất) cho bệnh nhân. Tuy nhiên, cách đây 3 tháng, tình trạng bệnh trở nặng, điều trị thuốc hay mang vớ đều không hiệu quả, chị thường xuyên nhức mỏi, chuột rút chân trái về đêm. Sau khi khám lại tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E, các bác sĩ quyết định chọn chị N. là người đầu tiên được chữa căn bệnh trên bằng phương pháp mới là dùng keo sinh học.

Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, chị N.T.H (47 tuổi, ở Hải Dương) thấy nhức mỏi hai chân nhiều, thường xuyên tê buốt lòng bàn chân. Chị cố gắng đi làm, nhưng mỗi bước đi đều khó chịu, đứng lâu cũng không được, đêm ngủ thường xuyên bị chuột rút và phải gác chân lên cao... Đau đớn không chịu được, chị đi khám ở Hải Dương và được cho thuốc điều trị cơ xương khớp nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm mà ngày càng trầm trọng hơn. Cuối cùng, chị quyết định đến khám tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E, các bác sĩ tiến hành khám, siêu âm và chẩn đoán chị mắc suy giãn tĩnh mạch sâu chi dưới và được chỉ định điều trị bằng phương pháp mới ứng dụng keo sinh học.

Ca can thiệp của từng bệnh nhân diễn ra khoảng 20 phút, dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ của ThS.BS Nguyễn Tuấn Hải – Trưởng khoa C6, Viện Tim mạch Quốc gia. Để thực hiện bơm keo sinh học, các bác sĩ sẽ sử dụng máy siêu âm để phát hiện vị trí tĩnh mạch bị giãn và vị trí sẽ đặt keo rồi truyền một lượng nhỏ keo sinh học dọc theo chiều dài của tĩnh mạch bị bệnh thông qua một ống thông nhỏ và một bộ dụng cụ đi kèm. Chất keo được nén chặt cho đến khi các thành mạch bị giãn gắn kết lại với nhau và máu lập tức được chuyển hướng lưu thông qua các tĩnh mạch khỏe mạnh khác ở chân.

Giảm đau và phục hồi nhanh

ThS.BS Nguyễn Tuấn Hải cho biết: Phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng keo sinh học có tỉ lệ thành công lên đến 95%, thời gian thực hiện thủ thuật chỉ dao động trong khoảng từ 15-30 phút, đặc biệt phương pháp giảm thiểu tối đa đau đớn cho người bệnh, khả năng phục hồi nhanh. Ngay sau khi thực hiện xong, bệnh nhân có thể đi lại nhẹ nhàng và sinh hoạt gần như bình thường.

Theo ThS.BS Trịnh Thị Đông, Phó trưởng khoa Cấp cứu tim mạch, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E, suy tĩnh mạch là một bệnh lý thường gặp với tỉ lệ mắc bệnh khá cao ở Việt Nam nhưng lại chưa thực sự được bệnh nhân chú ý. Bệnh suy tĩnh mạch mạn tính chủ yếu gặp ở nữ giới, chiếm gần 73% bệnh nhân đến khám. Suy giãn tĩnh mạch để lại nhiều biến chứng nguy hiểm như rối loạn huyết động học ở giai đoạn sớm khiến cẳng chân bị sưng to, đau buốt mặt sau cẳng chân, chuột rút về đêm. Nặng hơn, bệnh nhân có thể bị viêm tắc tĩnh mạch, chân nóng, sưng đỏ, các tĩnh mạch nông nổi rõ và viêm cứng. Hậu quả nặng nề nhất, dễ tạo nên cục máu đông trong lòng tĩnh mạch. Nếu phát hiện muộn và xử lý không kịp thời dễ gây nên hiện tượng tắc động mạch, có thể dẫn đến tử vong.

"Phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới bằng keo sinh học sẽ trở thành niềm hi vọng mới cho phụ nữ suy giãn tĩnh mạch chân. Tuy nhiên, chi phí điều trị khoảng 40 triệu đồng, vì thế, rất cần BHYT đồng chi trả để người bệnh có cơ hội tiếp cận được với kỹ thuật mới, nhất là bệnh nhân nghèo", ThS Đông nhấn mạnh.

ThS.BS Trịnh Thị Đông, để phòng tránh bệnh giãn tĩnh mạch chân nên tránh đứng lâu, tránh đứng nhiều một chỗ... Nên tạo thói quen tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn. Khi đi ngủ hay nghỉ ngơi, nên đặt chân cao hơn tim (cơ thể ở vị trí thăng bằng). Nên xoa bóp nhẹ nhàng hai chân, đặc biệt là trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy để làm cho máu lưu thông một cách dễ dàng. Cần sử dụng nhiều loại quả, rau để có đủ một số vi chất cần thiết làm tăng tính bền vững của thành mạch.

Giãn tĩnh mạch chân không được điều trị kịp thời sẽ gây giãn tĩnh mạch nông, phù chân, loét chân khó lành, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và làm tăng chi phí điều trị. Vì thế, khi gặp các vấn đề suy giãn tĩnh mạch chi dưới, người bệnh cần đến các bệnh viện có chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm