Cô giáo Phạm Linh Chi cho biết, rất nhiều phụ huynh đã chia sẻ những khó khăn khi biết môn thi thứ 4 là lịch sử. Bản thân nhiều trường đã chuẩn bị tâm thế cho môn thi, đã lên kế hoạch ôn tập cho học sinh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn nhiều phụ huynh còn lo lắng giữa mênh mông “ biển chữ” trong cuốn SGK lịch sử 9.
Chia sẻ về kinh nghiệm học môn Lịch sử hiệu quả đến học sinh, cô giáo Phạm Linh Chi cho biết:
Về đề thi: Số lượng câu trong đề : 40 câu với thời gian 60 phút. Mức độ: Nhận biết (cấp 1, cấp đơn giản nhất), thông hiểu (cấp thứ 2) và một vài câu vận dụng thấp (cấp thứ 3). Theo công văn của Sở GD &ĐT Hà Nội, không có câu vận dụng cao (mức khó nhất- cấp thứ 4), không có nội dung lịch sử lớp 8.
Nội dung: Có 2 phần Lịch sử thế giới (TG) và lịch sử Việt Nam. Trong đó, lịch sử TG học 1 tiết/1 tuần sẽ chiếm khoảng 30- 35% số câu hỏi, sử VN học 2 tiết/ tuần, chiếm 65-70% số câu hỏi .
Dưới đây là đề thi minh họa môn Lịch sử:
Về phương pháp học:
Theo công văn của Sở GD &ĐT Hà Nội, không có câu hỏi vận dụng cao, nên các con không cần quá tập trung dạng câu hỏi đánh giá, nhận xét hay rút ra bài học.
Bước 1: Đọc nội dung bài học trong sách giáo khoa. Sử dụng bút highlight gạch chân từ khóa, nội dung quan trọng trong bài.
Bước 2: Phải hệ thống hoá kiến thức từng mảng nội dung theo tiến trình thời gian.
Đối với sử TG phân chia theo mảng chuyên đề:
Liên Xô và Đông Âu 1945-1991
Phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, Phi, Mĩ La tinh
Khu vực Tây Âu, Mĩ, Nhật từ 1945 – 2000
Quan hệ quốc tế sau 1945
Cuộc Cách mạng Khoa học- kĩ thuật ....
Đối với lịch sử Việt Nam
Tình hình Việt Nam và phong trào Cách Mạng từ 1919- 1930
Cách mạng Việt Nam từ 1930-1945
Kháng chiến chống Pháp 1945-1954
Kháng chiến chống Mĩ 1954-1975
Quá trình bảo vệ và xây dựng đất nước 1975-2000
Bước 3: Với mỗi chuyên đề lớn có thể phân chia từng bài theo Sách giáo khoa. Lập bảng niên biểu với sự kiện và mốc thời gian chính. Thời gian, sự kiện tương ứng và ý nghĩa.
Bước 4: Tích cực luyện đề: Tập luyện làm đề trắc nghiệm. Với hình thức thi trắc nghiệm, các con nên tập trung rèn kĩ năng luyện đề, tự bấm thời gian.
Câu nào dễ làm trước, câu nào khó sẽ hoàn thành sau. Không nên để đáp án trống.
Sau khi kiểm tra, phát hiện câu sai phải đọc lại kiến thức và làm lại vài lần.
Cô giáo Phạm Linh Chi lưu ý, theo phân phối chương trình, có nhiều nội dung được giảm tải, so với sách giáo khoa. Bố mẹ trao đổi với giáo viên dạy Lịch sử trên lớp của con để nắm thông tin chi tiết.
Với các học sinh, nên lưu ý cách khoanh đáp án trắc nghiệm. Khoanh rõ ràng, bao kín vòng tròn đáp án. Khi phát hiện câu sai, cần tẩy sạch, tránh hiện tượng có 2 đáp án trong 1 câu, máy chấm sẽ không nhận diện được đáp án.