Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Edith Cowan đã tiến hành cuộc thử nghiệm với sự tham gia của 105 bệnh nhân bị u ác tính và 104 người khỏe mạnh.
Phương pháp thử máu mới này liên quan tới việc "nhận dạng" những kháng thể mà cơ thể con người sản sinh ra để phản ứng với tế bào ung thư.
Theo Trưởng nhóm nghiên cứu Pauline Zaenker, nhóm nghiên cứu đã kiểm tra 1.627 mẫu kháng thể khác nhau để xác định sự kết hợp của 10 kháng thể "báo hiệu" sự xuất hiện của khối u ác tính trong những bệnh nhân. Phương pháp này đã phát hiện u ác tính giai đoạn đầu trong 79% trường hợp.
Theo các nhà khoa học, phương pháp thử máu mới này có thể giúp bác sỹ phát hiện được bệnh ung thư da trước khi nó lan trên toàn bộ cơ thể bệnh nhân.
Bà Pauline Zaenker cho biết những bệnh nhân được phát hiện u ác tính ngay trong giai đoạn đầu có 90-99% tỷ lệ sống sót trong vòng 5 năm và tỷ lệ này giảm xuống dưới 50% nếu khối u lan trong cơ thể.
Bà cho biết đây là lý do khiến phương pháp thử máu này được coi như là công cụ chiếu chụp hiệu quả bởi nó có thể "phát hiện" u ác tính trong giai đoạn rất sớm khi mà căn bệnh vẫn có thể điều trị được.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Hội đồng nghiên cứu ung thư Australia, Sanchia Aranda cho rằng phương pháp xét nghiệm này sẽ rất quan trọng đối với nhóm người có nguy cơ cao.
Những người này phải trải qua các cuộc kiểm tra thường xuyên vốn mất nhiều thời gian đối với những vết đốm và nốt ruồi xuất hiện trên da.
Các nhà khoa học sẽ tiến hành các thử nghiệm lâm sàng trong 3 năm với hy vọng phương pháp này sẽ được các bệnh viện áp dụng rộng rãi sau đó.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới cứ 3 người bị chẩn đoán ung thư có 1 người bị ung thư da. Australia là nước có tỷ lệ bị u ác tính cao nhất thế giới.