Phượt thủ Mũi Dinh chia sẻ kỹ năng sinh tồn

22/01/2018 - 08:56
Loại hình du lịch “phượt” tìm hiểu kỹ năng sinh tồn này quả thật mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm mới và rất thú vị.
Hải đăng Mũi Dinh nằm trên 1 đồi đất vươn ra biển thuộc làng Sơn Hải, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận), ở độ cao 230m so với mực nước biển.

Theo truyền thuyết dân gian của người Chăm, họ có một vị thủy tướng rất tài giỏi, tên là Po Riyak. Ông điều khiển rất nhiều tàu chiến của Chăm và đạt được những thành tựu lớn trong suốt cuộc đời. Trong một biến cố, Po Riyak lâm trận và tử nạn.
Hải đăng Mũi Dinh nằm trên 1 đồi đất vươn ra biển, ở độ cao 230m so với mực nước biển.

Tương truyền, khi ông mất, thân thể chia thành 2 phần, 1 phần chìm xuống biển hóa thành loài cá lớn, dân gọi là cá Ông (Po Riyak) - loài cá thường cứu giúp tàu ghe khi gặp nạn; phần thứ 2 trôi vào bờ. Khi có biến cố, cá Ông chết trôi dạt vào bờ, người dân làng chài tỏ lòng biết ơn cá Ông đã cứu giúp thuyền ghe bằng cách làm sạch bộ xương cá Ông, rồi đem đi chôn cất hoặc đem thờ.

Hiện tại ở Việt Nam có trưng bày 1 bộ xương cá ông tại Dinh Vạn Thủy Tú, Phan Thiết - cách Mũi Dinh khoảng 2km, còn 1 bộ được thờ trong nhà thờ gần đình Thắng Tam, TP Vũng Tàu. Hàng năm, ngư dân Chăm tổ chức lễ hội Nghinh Ông để tưởng nhớ công đức của Po Riyak nói riêng, cũng như tỏ lòng biết ơn cá Ông đã cứu giúp họ trong những cơn bão tố.

Lễ hội này tổ chức thường niên, lâu dần tên gọi bớt từ đầu để dân chúng dễ trò chuyện, tên lễ hội dần biến thành Lễ Nghinh. Nơi tổ chức lễ Nghinh Ông Po Riyak trở thành Mũi Dinh và tên gọi Mũi Dinh có trước khi người Pháp khởi công xây dựng hải đăng Mũi Dinh năm 1904, để đánh dấu cho thuyền bè vào bờ tại vùng nước hiểm trở này.
Cả đoàn ở hải đăng Mũi Dinh

Sự quyến rũ của nhiên nhiên

Bắt chuyến xe từ khuya ở TPHCM, chúng tôi đến với Mũi Dinh vào sáng hôm sau. Mở mắt sau giấc ngủ dài trên xe, đúng như cư dân mạng thường nói: “Sáng mở mắt ở một xa!”.
 
4 bề đều là cát, một màu trắng mịn với con đường hướng biển như vô tận. Hạ kính xe, hít một hơi để cảm nhận sức sống của biển, chúng tôi vẫn chưa tin mình đã đến ngọn hải đăng huyền thoại mà cứ ngỡ lạc vào một… xưởng lụa trắng, bởi xung quanh toàn những đồi cát trắng trải dài thoai thoải.
Nằm lặng lẽ bên bãi biển dưới chân hải đăng, với nước biển xanh biếc và cát trắng mịn, Hòn Chồng được tạo thành từ những tảng đá lớn với nhiều hình thù khác nhau rất đẹp.

Sau khi được các hướng dẫn của nhóm IXRoadtravel chỉ cách định hướng và định vị bằng la bàn, nhóm chúng tôi hướng thẳng về phía biển. Từng bước chân lún xuống cát, vùng đất này như muốn làm tan đi cái uể oải sau một đêm di chuyển của khách, khi “chủ động” tạo thành một vệt dài như một sự trân trọng, lưu dấu thời gian và như muốn nói: “Chào mừng bạn đã đến đây!”.

Khi tiếng sóng biển mỗi lúc một rõ thì những mái nhà phủ màu của thời gian cũng dần hiện ra. Đâu đó, lẫn vào tiếng sóng là tiếng “be be” của những chú dê đang tìm thức ăn trên triền dốc.
 
Hiện ra trước mặt, một dốc núi đá thẳng đứng 45 độ như thách thức chúng tôi. Lúc này, một thành viên trong đoàn lấy điện thoại ra mở những tấm ảnh chụp hải đăng Mũi Dinh ở góc đẹp nhất để… làm động lực.

Từng bước chân cứ chầm chậm lên dốc, giữ đều nhịp thở, không ai nói câu nào nhưng có thể cảm nhận sự phấn khích của mọi người khi con dốc cao dần, trước mặt là hải đăng Mũi Dinh, sau lưng là bờ biển dài của bãi Tràng - một khung cảnh tuyệt mỹ khiến chúng tôi có thêm động lực bước tiếp.

Nếu ở đây một mình…
 
Sau khi lên đến đỉnh Mũi Dinh, chúng tôi tự dựng trại, nghỉ ngơi và ăn uống để lấy lại sức. Người hướng dẫn nói với chúng tôi: “Trại đã dựng xong, các anh chị có thể tranh thủ đi vòng quanh ngắm cảnh, nhưng tuyệt đối không được tự ý lên núi”.

Đầu giờ chiều, cả đoàn tập trung lại và tiến thẳng về đỉnh núi. Tại đây, chúng tôi được đội hướng dẫn đưa ra những thử thách để mọi người tập trung vượt qua như làm sao để sinh tồn khi lạc giữa một khu rừng, một bán đảo hay một nơi hoang vu nào đó… Đoàn có 4 nhóm, được chia 4 túi nhựa.
Những đàn dê nhởn nhơ bên vách núi.

Trong mỗi túi có 2 mảnh gỗ, 1 đoạn tre, 1 bó dây nhỏ, 1 đoạn gỗ 2 đầu nhọn, mảnh giấy A4, ít dầu cá, đoạn dây kẽm.

Thử thách đầu tiên là tìm nước, sau 15 phút “lùng sục” đủ mọi cách, người hướng dẫn giải mã bằng cách trùm túi nhựa vào tán lá, chờ hơi nước bốc ra thì sẽ có nước.

Thử thách thứ 2 là tìm nguồn thức ăn, cả đoàn lại tiếp tục lùng sục, 15 phút sau, chúng tôi tập hợp lại và đương nhiên là chẳng ai tìm được gì. Lúc này, người hướng dẫn mới chỉ cách khi lạc vào hoang đảo, chúng ta có thể ra bờ biển, ven bìa rừng tìm trứng hải âu để làm món ăn tạm thời.

Thử thách thứ 3 là tạo lửa, thử thách này khá đơn giản vì đa phần mọi người đều biết. Nhưng để bắt lửa thì lại là câu chuyện khác. Kế đó, khi mọi người tạo được lửa xong thì nghĩ cách làm thế nào để xử lý trứng. Người uốn mấy đoạn kẽm làm vỉ nướng, người lựa tảng đá có bề mặt nung nóng rồi cho trứng lên trên. Mọi người bán tán khá sôi nổi về cách xử lý.
Vẻ đẹp biển trời và toàn cảnh bãi biển Mũi Dinh nhìn từ con đường đi lên hải đăng.

Phần thú vị chính là lời giải đáp, lúc này những hướng dẫn mới cho biết vì sao có sự xuất hiện của tờ giấy A4 và đoạn kẽm. Tờ giấy được gấp lại thành 1 chiếc chảo, đoạn kẽm là viền chảo và làm cán. Một ít dầu cá được cung cấp lúc đầu cho vào lòng chiếc chảo bằng giấy, tráng đều. Khi dầu đã đều thì đập quả trứng cho vào trong. Hơ chảo trên 1 đoạn củi nhỏ đang cháy, phải dùng cách này vì nếu lửa lớn sẽ làm cháy chảo.

Tiếng xèo xèo của trứng chiên và mùi thơm bốc lên trước những ánh mắt ngỡ ngàng của các thành viên trong đoàn khi người hướng dẫn biến tờ giấy thành chảo chiên trứng chưa tới 60 giây.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm