Pu Si Lung: Kiêu hùng giữa đỉnh núi mây

09/11/2016 - 23:31
Sau 3 ngày vượt núi, băng rừng, trèo đèo, lội suối, chúng tôi lên đến đỉnh Pu Si Lung. Cả một vùng núi non trùng trùng, điệp điệp hiện dưới tầm mắt. Mây ngàn, gió núi quấn quýt lấy đỉnh núi. Nơi này đẹp như chốn bồng lai.

Tạm biệt người rừng Vàng Và Chờ ở xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè (Lai Châu) tốt bụng, đoàn chúng tội lại tiếp tục lên đường. Những câu chuyện về đôi vợ chồng người rừng như tiếp thêm cảm hứng cho đoàn leo núi Pu Si Lung có động lực để lên đường.

Giữa nơi trời đất bao la, mây ngàn gió núi gặp được một con người bằng xương, bằng thịt đã gắn bó với nơi biên ải gần thế kỉ quả là cái duyên kì ngộ. Hình ảnh lão Vàng Và Chờ ngồi bên bộ khung hàng rào bảo vệ nhà nhìn chúng tôi tựa như hóa đá. Lão như cảm thấy nuối tiếc vì người với người vừa gặp đã vội rời xa. Những bước chân vội vã vượt núi của chúng tôi dường như không qua được ánh mắt của lão Chờ. Lão bảo, ai đã lên đất biên giới Pa Vệ Sử để thỏa sức đắm mình trong dòng suối Nậm Xừ Lường, vượt rừng nguyên sinh sẽ mãi mãi ấn tượng về chốn hoang liêu này.

 Hành trình chinh phục Pu Si Lung trải qua những cung bậc cảm xúc vô cùng thú vị.

Từ lán người rừng, chúng tôi tiếp tục phải vượt qua 2 con dốc nữa mới tới hang đá. Theo chiến sĩ Lịch, bất cứ một đoàn leo núi nào cũng phải vượt qua từng chặng và chọn lấy nơi nghỉ ngơi cho phù hợp. Hang đá ở gần suối là chỗ nghỉ rất thuận tiện. Nếu chẳng may gặp trời mưa to, khách bộ hành có nơi trú an toàn. Sau nửa buổi vượt dốc đồi cỏ gianh, rồi vượt suối, đoàn chúng tôi có mặt ở hang đá vào lúc 4 giờ chiều. Cả vùng sơn cước mây mù bảng lảng. Tiếng vượn hót nơi cửa rừng vang vọng như tiếng gọi từ ngàn xưa hoang hoải. Từng đàn chim rừng ríu ran, líu lo ca hát đón chân đoàn khách lạ.

Cứ mỗi chặng dừng chân trong hành trình chinh phục Pu Si Lung, đoàn chúng tôi lại có dịp đón nhận những cảm giác mới lạ. Hang đá rộng chừng 10m2, chỉ đủ chỗ ngủ cho 5 người. 4 người còn lại phải vào rừng chặt tre, nứa về ghép thành phên, dựng lều ngủ. Mấy thanh niên dẫn đường người La Hủ cũng vội vã vào rừng kiếm củi, làm bếp, nấu cơm phục vụ cả đoàn. Suốt 3 ngày uống nước suối, ngủ rừng, chén măng, ăn rau rừng giúp chúng tôi thích nghi dần.

Vượt suối Nậm Xừ Lường là cảm giác khó quên trong những ngày leo Pu Si Lung.

Màn đêm nhanh chóng buông xuống. Bầu trời nơi này như gần hơn, ai cũng có cảm giác như giơ tay lên là với tới các vì sao. Bên bếp lửa hồng, tiếng củi nổ lép bép, chiến sĩ Lịch chia sẻ, các đoàn nghỉ tại hang đá sẽ an toàn hơn. Từ đây lên tới đỉnh Pu Si Lung mất nửa ngày trời nữa. Càng đến gần đỉnh Pu Si Lung, hành trình đi càng gấp rút hơn. Bởi lẽ từ hang đá lên tới đỉnh Pu Si Lung không còn chỗ nào lấy nước nữa. Do vậy, khi đã lên tới đỉnh Pu Si Lung, bằng giá nào cũng phải quay về hang đá mới có nước dùng.

4 giờ sáng chúng tôi đã bị đánh thức dậy. Mọi người phải nhanh chóng chuẩn bị đồ đạc, thứ mà mọi người phải mang nhiều nhất là nước uống. Mỗi người phải gùi theo ít nhất là 5 lít nước mới có đủ nước dùng trong ngày.

Mỗi bước chân đến gần Pu Si Lung, ai cũng cảm nhận được vẻ đẹp đến mê hồn nơi sơn cước.

Hành trình ngược dốc lần này có phần thú vị hơn là con đường mòn xuyên qua rừng nguyên sinh. Những lão mộc thân sù sì to bằng cả người ôm tầng tầng lớp lớp nối nhau dài tít tắp. Thảm thực vật như một tấm đệm êm khiến cho đôi chân người khách lạ quên đi mệt mỏi. Lớp thân gỗ nâng đỡ cây dây leo rậm rịt làm cho ánh nắng khó xuyên qua được. Suốt cả buổi sáng xuyên rừng, dường như con đường này dài không có đích vậy. Lau sây, cây rừng rậm rịt càng làm cho mỗi bước đi thêm khó nhọc. Đến giữa trưa, chúng tôi đến được mốc 42. Cột mốc phân biên giới Việt – Trung này nằm ở độ cao 2800m hiện lên giữa bốn bề mây núi. Chiến sĩ Lịch tiến hành nghi thức chào mốc. Sau đó phát quang bụi rậm xung quanh. Đoàn chúng tôi ai cũng như được tiếp thêm động lực khi chạm vào cột mốc 42 này.

Con đường mòn xuyên rừng già lên mốc 42 có chỗ, ánh nắng không thể xuyên qua tán cây.

Từ cột mốc 42 phải đi tiếp 5km đường rừng nữa mới đến đỉnh Pu Si Lung. Mọi người cùng kiểm tra lại lượng nước và thức ăn chuẩn bị lên đường. Trong lúc xuyên rừng già, anh bạn Dư Khánh Kiên, phóng viên báo Lai Châu bỗng bị đau gối, không sao bước tiếp được nữa. Hành trình phía trước còn quá gian nan, Kiên đành dừng bước, không thể leo núi được nữa. Những giọt nước mắt bỗng lăn dài trên đôi gò má nhuộm màu nắng gió của cậu phóng viên báo Lai Châu đã từng đặt chân lên đến hết các bản cao của miền biên ải này. Đỉnh Pu Si Lung chỉ còn cách vài giờ leo bộ nữa, vậy mà Kiên đành phải bỏ dở hành trình. Sự việc ngoài mong muốn này khiến Kiên day dứt, bởi lẽ cơ hội chinh phục Pu Si Lung không phải lúc nào cũng có thể đến được.

Mốc 42 ở độ cao 2800m.

Từ lúc Kiên quay lại, không khí trong đoàn bỗng trùng xuống. Những bước chân nặng nhọc cố gắng tiến lên phía trước. Sau 3 ngày hoạt động liên tục khiến đôi chân chúng tôi nặng như đeo đá. Đích đến đã ở phía trước, vậy mà đôi chân chẳng chịu nghe theo sự điểu khiển nữa. Đi vài bước, chúng tôi lại phải dừng lại thở. Cứ như thế, hành trình vượt qua đoạn cuối của cuộc hành trình sao mà khó khăn mà gian nan quá đỗi. Mỗi bước chân tiến lên đều phải cố nốt sức tàn mà tiến lên.

Khoảnh khắc tuyệt đẹp trên đường lên đỉnh Pu Si Lung. 
Vượt qua cánh rừng nguyên sinh.

Sau mấy tiếng leo núi bằng ý chí kiên định cuối cùng chúng tôi cũng cán đích. Đỉnh Pu Si Lung là một bãi đất bằng phằng. Nơi này có đặt một cái chóp bằng inox ghi rõ độ cao 3083m. Bên cạnh là lá cờ Tổ quốc với ngôi sao vàng 5 cánh, kiêu hãnh tung bay. Cả đoàn chúng tôi cùng rơi nước mắt. Niềm vui của kẻ chinh phục đã vượt qua bao gian nan để có được giây phút đầy tự hào và mãn nguyện khi đứng trên đỉnh núi cao thứ 3 Việt Nam mà lại khó đi, khó chính phục và khiến nhiều người bỏ cuộc nhất này. Giữa bốn bề mây núi, bầu trời như rộng mở, khoáng đạt hơn. Các dãy núi mà chúng tôi vượt qua trùng trùng, điệp điệp cùng chầu về phía đỉnh Pu Si Lung giờ đều nằm dưới tầm mắt của những kẻ thích xê dịch. 

Cảm giác thật là tuyệt vời khi chạm đỉnh Pu Si Lung cao 3083m. Như vậy sau 3 đêm ngủ rừng, 4 ngày leo núi, chúng tôi mới được đặt chân lên đỉnh Pu Si Lung. Đoàn khách 8 người đi, cuối cùng chỉ có 5người có may mắn cán đích Pu Si Lung. 
Mây trên đỉnh Pu Si Lung đẹp như chốn bồng lai.
Đỉnh Pu Si Lung là nơi lý tưởng để cho những ai thích săn mây.
Những áng mây bồng bềnh đẹp tuyệt vời bay ngang đỉnh Pu Si Lung.
Khoảnh khắc đẹp của tạo hóa nơi sơn cước.
Pu Si Lung sẽ luôn là đỉnh núi hấp dẫn để cho những ai ưa xê dịch thích chinh phục. Bạn hãy một lần đến nơi này để cảm nhận được cái hay, cái đẹp của tạo hóa. Đỉnh núi này cũng là một lần thử ý chí, sức bền của mỗi con người.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm