pnvnonline@phunuvietnam.vn
Quá trình các cặp đôi trẻ “đấu tranh” để có được một tiệc cưới thân mật theo thời hiện đại?
Đám cưới truyền thống tại Việt Nam thông thường luôn có những nghi lễ "bất di bất dịch" như lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi, lễ rước dâu... Và sau đó là một tiệc cưới hoành tráng có mặt đông đủ người thân họ hàng từ gần đến xa, bạn bè, hàng xóm hai bên gia đình... Tuy nhiên hiện nay không ít những cặp đôi hiện nay lựa chọn tổ chức đám cưới thân mật chỉ có mặt gia đình, họ hàng gần gũi và bạn bè thân thiết nhất. Đa phần đám cưới thân mật chỉ là một bữa tiệc nhỏ dưới 100 người. Thế nhưng mong muốn này thường vấp phải sự phản đối của cha mẹ hai bên vì nhiều lý do như không đủ hoành tráng để "nở mày nở mặt", không "đàng hoàng" theo truyền thống trước giờ...
Những đôi trẻ này phải "đấu tranh" khá quyết liệt để có được sự gật đầu của phụ huynh cho một đám cưới theo ý của chính mình. Vậy quá trình gian nan này được các cặp đôi thuật lại như thế nào?
Là "ăn theo" người nổi tiếng và phương Tây?
Dạng tiệc cưới thân mật đã khá phổ biến ở phương Tây cùng quy mô nhỏ. Có một số tiệc cưới được tổ chức tại gia với không gian đầy ấm cúng. Thời gian gần đây, nhiều người nổi tiếng cũng thực hiện tiệc cưới theo dạng như thế này để tránh giới truyền thông. Vì vậy, nhiều bậc phụ huynh cho rằng việc tổ chức buổi tiệc nhỏ chỉ là người trẻ đang muốn "bắt chước" văn hóa nơi khác, "ăn theo" người khác và không phù hợp với truyền thống lễ nghi của Việt Nam.
Chị Vy Trần chia sẻ suy nghĩ của mẹ mình khi cô đề cập đến mong muốn tổ chức tiệc cưới thân mật: "Mẹ mình cho rằng đã là người Việt Nam thì tổ chức lễ cưới giống từ trước đến nay ông bà vẫn làm, như mọi nhà khác là chuyện đúng đắn. Những hình thức cưới nhỏ chỉ có ở nước ngoài và không hợp với văn hóa nơi đây. Mình và mẹ đã cự cãi kịch liệt trong khoảng thời gian khá lâu. Và mẹ mình bảo đừng vì những "xu hướng" nhất thời mà không làm chỉn chu sự kiện trọng đại của đời mình.
Mình cũng giải thích rằng một phần lý do không muốn tổ chức tiệc cưới lớn là vấn đề chi phí. Thay vì bỏ khoản chi phí đắt đỏ cho một lần tổ chức đám cưới thì nên dành để chi trả cho những thứ khác như tuần trăng mật, mua sắm đồ đạc cho nhà mới... Nhưng điều này không vừa ý mẹ mình vì bà cho rằng đã là tiệc cưới thì phải lớn, phải hoành tráng như một cách để "đáp lễ" và hãnh diện với bạn bè, người quen."
Chị Vy chia sẻ rằng quá trình thuyết phục để cha mẹ cô đồng ý mất khá nhiều thời gian và lên đến mấy tháng trời. Vì số lượng khách mời giới hạn nên phụ huynh phải cân nhắc nên và không nên mời ai đến dự tiệc cưới, đồng thời lựa lời thông báo đến bạn bè để không phật lòng ai.
"Thực tế mình vẫn hiểu khách mời chủ yếu của tiệc cưới vẫn là bạn bè của cha mẹ, họ hàng vì đây là hỷ sự của gia đình chứ không riêng gì hai vợ chồng. Nhưng cá nhân mình muốn mời những người thực sự thân thiết của hai bên gia đình để tiệc trở nên ý nghĩa và thoải mái hơn. Bản thân mình muốn tiệc cưới của mình sẽ ấm cúng, trang trọng chứ không phải là đi theo bất kì một xu hướng nào hay quan điểm của người nào. Không những giảm mối lo tài chính mà hai vợ chồng mình cũng sẽ được bớt đi một "núi việc", đỡ stress. Một tiệc cưới nhỏ nhưng để lại kỷ niệm, tình cảm sẽ tốt hơn hoành tráng nhưng chẳng đọng lại gì ngoài hình thức. Và mình muốn lễ cưới sẽ là sự kiện vui chứ không phải sự kiện khiến người ta mệt mỏi."
Tiệc cưới thân mật sẽ khó "huề vốn"
Một trong những lý do mà nhiều người muốn tổ chức tiệc cưới linh đình mặc dù phải đi vay khắp nơi đó là tiệc càng lớn, càng nhiều người đồng nghĩa với số tiền mừng cũng không nhỏ. Và đây cũng là một trong những lý do chính khiến anh Hoàng Vũ gặp trở ngại khi thuyết phục phụ huynh.
"Cha mẹ mình thì vẫn theo lối suy nghĩ chung của hầu hết người lớn ngày trước là tiệc càng to thì càng dễ "hoàn vốn", thậm chí còn lời một khoản không nhỏ. Họ cho rằng nếu có đủ vốn bỏ ra tổ chức tiệc hoành tráng thì vừa "có tiếng" để hãnh diện vừa thu được một khoản hời, không có gì là không tốt cả. Tuy nhiên mình thấy điều này lại mất đi ý nghĩa vốn có của một đám cưới, vô tình ngày vui lại trở thành nơi mang tính kinh doanh. Sau khi bàn kĩ với vợ, mình đã chia sẻ nghiêm túc cùng cha mẹ hai bên về mong muốn tiệc cưới thân mật nhưng dĩ nhiên, kết quả đầu tiên là sự phản đối gay gắt, cho rằng mình suy nghĩ quá non trẻ."
Anh Vũ cho rằng ý nghĩa thực sự của cưới hỏi, ngoài tờ giấy đăng ký kết hôn, chính là ăn mừng cho hạnh phúc nên duyên vợ chồng. Vì vậy, một đám cưới to mang tính hình thức và chỉ quan trọng tiền bạc sẽ không mang lại sự hài lòng trọn vẹn cho người tổ chức lẫn khách mời. Đó cũng là lý do mà anh nghĩ một đám cưới nhỏ và chỉn chu trong các khâu là phương án tốt.
"Để thuyết phục được cha mẹ về việc làm đám cưới thân mật thì mình và vợ đã phải vạch ra một kế hoạch khá chi tiết về tài chính cho từng khâu tổ chức, từ lễ dạm ngõ đến tiệc cưới, mọi nghi lễ đều có đủ, chỉn chu, chỉ là thu gọn quy mô. Sau đó để cha mẹ yên tâm, mình và vợ đã cố gắng "cày bừa" nhiều hơn để không bị hụt quá nhiều chi phí cho đám cưới. Cả hai còn tặng chuyến du lịch nhỏ cho cha mẹ hai bên gia đình và nói dối rằng đấy là tiền lời sau cưới.
Thế nhưng bù lại, một tiệc cưới thân mật cùng nhiều người thân thiết giúp mình và vợ cảm thấy thoải mái hơn trong ngày vui của mình, nhẹ nhõm hơn khi không chạy đôn chạy đáo chuẩn bị quá nhiều việc cho một tiệc lớn. Hơn nữa mình cực kỳ hài lòng khi trong tiệc cưới có thể trò chuyện, nói cảm ơn được với tất cả các khách mời đã đến chúc phúc."
Tổ chức cùng lúc hai tiệc để hài lòng đôi bên
Không phải gia đình nào cũng bằng lòng để con cái mình tự quyết định tổ chức tiệc cưới thân mật. Vì vậy nhiều cặp đôi đã "bấm bụng" chi tiền một tiệc lớn cho bố mẹ vui lòng, mà làm thêm một bữa tiệc thân mật theo ý mình mong muốn. Tất nhiên buổi tiệc thân mật này sẽ bỏ qua các nghi lễ rườm rà, không có họ hàng mà thường tổ chức trong không gian riêng tư, trang trí theo sở thích riêng của vợ chồng trẻ.
Chị Hoàng My chia sẻ: "Mặc dù đã thuyết phục gia đình hết lời về ý muốn tổ chức một tiệc thân mật mang quy mô nhỏ, nhưng cha mẹ vẫn không đồng thuận. Người lớn cũng có cái khó riêng như "bộ mặt" với họ hàng, bạn bè... nên mình cũng không muốn phải bàn luận thêm. Vợ chồng mình đã bàn bạc với cha mẹ sẽ tổ chức một buổi tiệc long trọng để họ mời được đầy đủ khách mời, nhưng phải cho phép tụi mình tổ chức thêm một tiệc riêng sau đó. Tất nhiên với thoả thuận rằng sẽ không làm hoang phí và thâm hụt quá nhiều tiền, may quá cuối cùng cũng có được sự đồng ý."
"Ban đầu khi chọn tổ chức cả hai tiệc mình cũng có suy nghĩ nhiều về mặt tài chính vì phải thêm một khoản phí và tốn công sức gấp bội. Nhưng vì muốn có một bữa tiệc nhỏ theo ý của chúng mình cho sự kiện quan trọng của đời mình nên phải cố gắng thôi. Bữa tiệc này làm chúng mình khốn đốn, nhưng cả hai đều rất hài lòng vì được chọn nơi tổ chức tiệc, chọn lựa khách mời, hình thức diễn ra..." - Chị Phương Anh chia sẻ về sự hài lòng khi quyết định tổ chức thêm một tiệc nhỏ cùng những người thân thiết.
Một buổi tiệc cưới thân mật có vẻ được lòng người trẻ nhưng không mang lại thiện cảm trong mắt các bậc cha mẹ. Dễ hiểu vì đây không chỉ là sự kiện vui của riêng cặp đôi mà còn là tin mừng của hai bên gia đình. Vì vậy quyết định một đám cưới to hay nhỏ sẽ vướng mắc rất nhiều thứ, bị chi phối bởi ý kiến của rất nhiều người. Nhưng chung quy, ý nghĩa cốt lõi nhất của đám cưới vẫn là thông báo một sự kiện vui, nhận lời chúc phúc của những người thân thiết, nên mong muốn của "nhân vật chính" vẫn nên được lắng nghe và cân nhắc tôn trọng.