Quản lý tiền công đức - Bài 2: Tiền công đức bị thất thoát, ai chịu trách nhiệm?

Nguyễn Cảnh Dũng
26/03/2024 - 13:50
Quản lý tiền công đức - Bài 2: Tiền công đức bị thất thoát, ai chịu trách nhiệm?

Di tích đền Rừng tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội

Sau sự việc mất gần 5,5 tỷ đồng tiền công đức ở đền Rừng, UBND phường Ngọc Thụy (quận Long Biên, Hà Nội) đã có quyết định đình chỉ công tác đối với ông Lê Đình Hải, Trưởng tiểu Ban quản lý cụm di tích Đình - Đền - Chùa Gia Thượng (trong đó có đền Rừng). Tuy nhiên, ai là người chịu trách nhiệm về việc mất số tiền lớn vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Chưa có phương án xử lý

Đền Rừng thuộc làng Gia Thượng (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội), từ lâu đã trở thành điểm đến sinh hoạt tâm linh của người dân địa phương. Thế nhưng, sau vụ mất số tiền công đức gần 5,5 tỷ đồng, danh tiếng của đền Rừng đã bị ảnh hưởng không nhỏ. 

"Số tiền bị mất là tiền phát tâm của du khách thập phương chứ không riêng của người Gia Thượng. Tiếc rằng đến nay, sự vào cuộc của cơ quan chức năng vẫn chưa có kết quả. Sự việc để kéo dài, gây bức xúc dư luận, làm ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của người dân và du khách", bà T. - người có nhiều đóng góp trong việc phát tâm, tu sửa, tôn tạo đền Rừng, nói.

Trong khi đó, chia sẻ với PV Báo Phụ nữ Việt Nam, bà Dương Thị Du thừa nhận mình là người có lỗi và thấy dằn vặt khi để xảy ra sự việc. Thế nhưng, bà cũng thẳng thắn nói rằng, số tiền bị mất là rất lớn. Với hoàn cảnh của gia đình bà hiện tại, nếu phải đền bù, gia đình chỉ còn cách bán ngôi nhà đang ở nhưng cũng không đủ.

Quản lý tiền công đức: Nhìn từ vụ mất gần 5,5 tỷ đồng tại đền Rừng- Ảnh 1.

Người dân đến dâng hương tại đền Rừng

Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy, cho biết, sau khi xảy ra sự việc mất số tiền công đức lớn tại đền Rừng, bà Du cùng ông Lê Đình Hải, Tổ trưởng tổ dân phố 20 kiêm Trưởng tiểu Ban quản lý cụm di tích Đình - Đền - Chùa Gia Thượng (trong đó có đền Rừng) đã bị đình chỉ công việc, hiện đã có Ban quản lý mới. 

"Vụ việc đã được chuyển đến Công an thành phố Hà Nội điều tra theo thẩm quyền. Chúng tôi vẫn phải đợi kết quả của Công an, sau đó mới có hướng xử lý tiếp theo", bà Hường chia sẻ.

Cũng theo bà Hường, sau khi xảy ra sự việc, công tác quản lý tiền công đức ở ngôi đền này nói riêng và trên địa bàn phường nói chung đã được siết chặt. Tại đền Rừng đã bầu lại tiểu Ban quản lý, phường cũng giám sát, kiểm tra việc xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ. 

Về tiền công đức, UBND phường đã có hướng dẫn cụ thể và phải công khai 6 ngày/lần, quy định thẩm quyền chi đối với từng vị trí trưởng ban, phó trưởng ban, với mức chi từ 10 triệu đồng trở lên phải thông qua Thường trực, chi nhiều hơn nữa thì phải thông qua cả hội nghị quân dân chính của 4 tổ dân phố thuộc cụm đó. 

Tất cả các di tích trên địa bàn phường khi mở hòm công đức phải có biên bản kiểm đếm của Mặt trận Tổ quốc, UBND phường và một người dân đại diện…

Về quản lý tiền công đức, theo bà Hường, nếu số tiền công đức lớn, khi kiểm đếm sẽ mời đại diện ngân hàng. Họ sẽ có thống kê cụ thể từng mệnh giá tiền, ký xác nhận và giao cho 2-3 người cùng đứng tên để gửi ngân hàng. 

Quản lý tiền công đức: Nhìn từ vụ mất gần 5,5 tỷ đồng tại đền Rừng- Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

"Việc đền Rừng mất gần 5,5 tỷ đồng là do chỉ có một mình bà Du đứng tên khi gửi tiết kiệm. Từ nay sẽ không có sơ suất như vậy khi nhiều người cùng đứng tên tiền gửi để tránh rủi ro", bà Hường nói.

Chia sẻ về vụ mất tiền công đức ở đền Rừng, luật sư Nguyễn Trọng Hoàng (Công ty luật Chính pháp Đồng Tâm, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, cần có quy định khi gửi tiền công đức vào tài khoản ngân hàng, tài khoản đó phải đồng sở hữu của nhiều người, có thể là toàn bộ thành viên Ban quản lý. Có như vậy mới tránh được trường hợp như vụ mất tiền công đức ở đền Rừng.

Ai sẽ chịu trách nhiệm về số tiền 5,5 tỷ đồng bị mất?

Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho rằng, sự việc mất tiền tại đền Rừng là khá hi hữu nhưng đã phản ánh thực trạng quản lý tiền công đức của đền, chùa tại nhiều nơi hiện nay. Từ sự việc này, cơ quan chức năng cần tổng kiểm tra, rà soát công tác tổ chức, công tác thu-chi đối với các đền, chùa trên cả nước. 

"Trong vụ việc này, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra, xác minh nguyên nhân, hậu quả hành vi vi phạm, trách nhiệm của những người liên quan để xử lý theo quy định pháp luật. 

Về trách nhiệm hành chính thì đây có thể là do lỗi của cả tập thể đã buông lỏng quản lý. Việc quản lý tài sản không đúng quy định pháp luật dẫn tới thiệt hại, cần đình chỉ công tác đối với những người này để xem xét trách nhiệm", luật sư Đồng nói.

Đối với hành vi của bà Du, theo ông Đồng, việc chuyển hồ sơ lên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội theo đúng thẩm quyền là chính xác, nhằm xác định có hay không việc bà Du bị lừa tiền. Trường hợp bà Du bị lừa thật thì tài sản của khu di tích giao cho cá nhân là bà Du quản lý, nếu cá nhân làm mất (bà Du) thì phải có trách nhiệm hoàn trả cho khu di tích theo quy định pháp luật. 

Trường hợp bà Du nói bị mất tiền do bị lừa không đúng sự thật mà do người này chiếm đoạt tiền đang do mình quản lý thì có thể phải đối mặt với tội "tham ô tài sản" theo quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015. Với số tiền chiếm đoạt trên 1 tỷ đồng thì người thực hiện hành vi sẽ phải đối mặt với khung hình phạt 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài trách nhiệm hình sự vẫn phải thực hiện trách nhiệm khắc phục hậu quả số tiền mình đã chiếm đoạt.

Đối chiếu quy định tại Thông tư 04/2023/TT-BTC, việc tổ chức thu-chi, quản lý số tiền công đức của khu di tích này có vi phạm nghiêm trọng. 

Trường hợp xác định việc mất tiền của khu di tích có trách nhiệm của cả tập thể, là "nguyên nhân gián tiếp" dẫn tới việc mất tiền thì cá nhân và tập thể phải chịu trách nhiệm bồi thường, liên đới trách nhiệm theo quy định tại Điều 587 Bộ luật Dân sự năm 2015, theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra. 

Theo đó, trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người. Nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Trọng Hoàng cho rằng, số tiền gần 5,5 tỷ đồng bị mất trước hết trách nhiệm thuộc về thủ quỹ là bà Du. Cùng chịu trách nhiệm với bà Du là ông Hải, Tổ trưởng kiêm Trưởng tiểu ban quản lý đền. 

Về mặt dân sự, người chịu trách nhiệm quản lý số tiền trên phải có nghĩa vụ bồi thường toàn bộ số tiền trên cho đền Rừng. Về mặt hình sự, cơ quan chức năng có thể xem xét để xử lý hình sự về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" được quy định tại Điều 360, Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). 

Bà Du, ông Hải là những người có chức vụ theo quy định tại Khoản 2, Điều 352, Bộ luật Hình sự: "Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, hoặc do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ".

"Trong trường hợp này, mặc dù bà Du bị lừa đảo qua mạng, cơ quan Công an sẽ có trách nhiệm điều tra, làm rõ đối với những đối tượng lừa đảo này và xử lý theo đúng quy định của pháp luật, nhưng vẫn không loại trừ trách nhiệm dân sự và hình sự của bà Du, ông Hải đối với số tiền bị mất", luật sư Hoàng nêu quan điểm.

* Bài sau: Cần luật hóa việc quản lý và sử dụng tiền công đức

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm