Quan niệm lễ to vay to là sai

08/02/2017 - 06:00
Dù 14 tháng giêng mới chính thức khai Hội Đền bà Chúa Kho nhưng đến nay đã có hàng nghìn người đổ về. Số tiền vàng mã dâng vay đáng giật mình khi người đi lễ quan niệm lễ to mới có thể vay to..
ts-tran-huu-son.jpg
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Hữu Sơn khẳng định: Không phải cứ lễ to mới vay to. 

Nhân mùa lễ hội 2017, PNVN có cuộc trao đổi với TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, xung quanh vấn đề này.

Thưa TS, dường như ai đi lễ tại Đền bà Chúa Kho cũng được truyền tai nhau: Có vay thì có trả, nghĩa là đầu năm đi vay thì cuối năm phải đến trả. Vậy quan niệm này đến từ đâu và khi nào?

Vay và trả là quan niệm dân gian, đời thường. Quan niệm trong đời thường như thế nào thì người ta đưa vào tín ngưỡng như thế. Nhưng điều đáng nói là nghi lễ này ngày càng biến đổi, nhất là từ khi nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường cách nay khoảng ba bốn chục năm. Từ đó, người ta quan niệm: Có vay thì phải có trả. Dường như có một sức mạnh vô hình nào đó buộc người ta phải thực hiện như thế. Không trả không được. Dần dần người ta sáng tạo nên một nghi lễ mới: Có vay thì có trả.

ot-tien-ti-vay-tien-ao.jpg
Đốt tiền tỉ vay tiền ảo

Đối với người buôn bán, kinh doanh thì việc vay trả là lẽ thường tình. Thế nhưng dường như ngày nay hầu như tâm lý người đi lễ thì ai cũng muốn vay chứ không chỉ xin lộc rơi lộc vãi?

Có ý kiến cho rằng người bình thường chỉ nên xin lộc vì có kinh doanh đâu mà vay nhưng tâm lý để ăn chắc thì mọi người cho rằng năm nay bà Chúa Kho đã cho lộc thì phải trả để được cho lộc tiếp. Hơn nữa, khác với thời bao cấp, hầu hết mọi người chỉ làm một nghề thôi, còn ngày nay, người ta có thể làm nhiều nghề. Thậm chí là chỉ trồng rau thôi, người ta cũng phải nghĩ xem có bị trận mưa đá nào không, rồi bán thế nào hay trồng lúa thì giá gạo ra sao… Nếu không muốn rủi ro thì phải vay để cố gắng trả được. Vì vậy, hiện nay nghi lễ vay trả không dừng lại ở người buôn bán nữa mà đã lan sang cả người dân.

dong-nghit-nguoi-den-le-tai-den-ba-chua-kho.jpg
Hàng năm vào dịp đầu và cuối năm, Đền bà Chúa Kho thu hút hàng vạn người đến dâng lễ vay và trả

Nhiều người quan niệm, lễ thế nào thì vay thế ấy. Vậy có phải muốn vay số tiền lớn thì phải dâng lễ lớn không, thưa ông?

Đó là quan niệm không đúng vì trong tín ngưỡng, điều quan trọng nhất là lòng thành, thậm chí phải có niềm tin, ai tin thì mới đi lễ. Quan niệm lễ to có thể vay to là quan niệm của đời thường được thổi vào trong tôn giáo và người ta nghĩ rằng trong đời thường cũng như trong tín ngưỡng. Mặt khác, nếu như vậy thì chỉ những người giàu mới có thể vay to thì không được. Việc hiểu như thế là sai.

lo-dot-vang-ma.jpg
Các lò đốt vàng mã luôn sử dụng hết công suất

Gần đây, dịch vụ sắp, đặt, khấn thuê nở rộ, thậm chí còn có trường hợp khấn thuê qua điện thoại. Theo ông, dịch vụ này xuất phát từ đâu?

Lúc đầu là bài khấn bình thường, sau dần người ta muốn bài khấn trở nên hấp dẫn hơn thì thêm phần gieo vần, giọng khấn lên bổng xuống trầm, từ người khấn bình thường dần trở nên chuyên nghiệp hơn. Khi thấy có nhu cầu, một số người đã tổ chức dịch vụ khấn thuê để đáp ứng nhu cầu. Từ đó, dịch vụ khấn thuê xuất hiện, rồi đến sắp mâm lễ thuê, bê lễ thuê và đặt lễ thuê…

Ông cho rằng có nhất thiết phải sử dụng dịch vụ này không?

Nguyên tắc cơ bản là lòng thành. Khấn nôm là chuyện bình thường bởi ngay cả một số nhà nghiên cứu và nhiều người dân có ai thuộc bài khấn đâu. Vì thế, khấn nôm là được rồi.

Đến với lễ hội, cần thực hiện nghi lễ như thế nào cho đúng, thưa Tiến sĩ?

Đi lễ hội phải ăn mặc lịch sự và ứng xử văn minh, thậm chí phải xác định có niềm tin ra sao bởi có tin thì mới đi lễ. Đặc biệt, không ăn mặc kệch cỡm, nói to, thô lỗ. Giày dép nên để ở ngoài. Khi vào khấn bày tỏ tấm lòng thành kính với thái độ tôn trọng di tích, tôn trọng tổ tiên, tôn trọng truyền thống. Thành kính và tôn trọng là thái độ rất cần thiết ở những nơi tôn nghiêm.

Có nhà văn hóa cho rằng: Đối với quỷ thần thì chỉ nên “kính nhi viễn chi” (kính trọng mà xa lánh). Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Thực sự chưa ai nhìn thấy quỷ thần thật thì tất nhiên phải kính nhi viễn chi thôi.

Nhiều người cho rằng việc thờ bà Chúa Kho nằm trong hệ thống thờ Mẫu, thờ Nữ Thần. Với vai trò nhà nghiên cứu, ông giải thích sao về việc này?

Việc thờ Nữ thần đối với người Việt Nam và các nước Đông Nam Á đã trở thành truyền thống. Hệ thống thờ Nữ thần ở Việt Nam rất phong phú, từ miền Nam đến miền Bắc, từ người Kinh đến người Chăm, Khơ Me… nhưng thờ Mẫu chỉ phát sinh vào cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 (dưới thời nhà Mạc) khi kinh tế phát triển. Đặc biệt là xuất hiện ở những tuyến giao thông buôn bán: Dọc bờ sông Hồng lên đến biên giới phía Bắc: Lào Cai, Lạng Sơn, Bắc Giang, Tuyên Quang. Cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, ở Tuyên Quang xuất hiện trung tâm buôn bán sầm uất. Ở những nơi nào buôn bán sầm uất thì phát triển đạo Mẫu. Thờ Mẫu ở Nam Định cũng vậy. Việc thờ Bà chúa Kho cũng gắn với việc buôn bán, kinh doanh. Người ta đưa Bà chúa Kho vào hệ thống Nữ thần chứ không phải đạo Mẫu. Hệ thống thờ Mẫu và bà chúa Kho là khác nhau.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm