pnvnonline@phunuvietnam.vn
Quần thể Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc trở thành Di sản thế giới

Chùa Hoa Yên thuộc Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh). Chùa được dựng từ thời Lý và được tôn tạo nhiều lần trong lịch sử, lưng dựa vào núi trước mặt là 3 cây đại cổ thụ trên 700 năm tuổi (2021). Ảnh: Thành Đạt/TTXVN
Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Việt Dũng thông tin Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc đã chính thức được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào hồi 13 giờ 02 phút ngày 12/7 (giờ Paris), tức 18 giờ 02 phút ngày 12/7 (giờ Việt Nam), tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) diễn ra từ ngày 6-16/7 ở Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh và thành phố Hải Phòng.
Đây là Di sản thế giới thứ 9 ở Việt Nam được UNESCO công nhận và là Di sản thế giới liên tỉnh thứ 2 ở Việt Nam, cùng với Di sản thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng).
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ và Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, để có được thành công này, từ nhiều năm nay, hệ thống các di tích, di sản văn hóa phi vật thể của các địa phương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và các tỉnh đặc biệt quan tâm thông qua việc triển khai nhiều dự án bảo tồn, tu bổ các công trình di tích; nghiên cứu, nhận diện giá trị để lập hồ sơ đề cử, ghi danh ở trong nước và quốc tế; góp phần bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản, tạo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng, nhân dân các địa phương.
Việc nghiên cứu xây dựng hồ sơ đề cử cần có sự chỉ đạo, quyết tâm và thống nhất rất cao giữa Trung ương với địa phương, giữa các địa phương với nhau, giữa các cơ quan quản lý nhà nước, quản lý di tích với đơn vị tư vấn, với các chuyên gia trong nước, quốc tế.
Đặc biệt, trong hai năm (từ 2020-2022), do tình hình dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp (4 đợt bùng phát dịch COVID-19) đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện các nội dung xây dựng hồ sơ đề cử.
Các chuyên gia trong nước không thể trực tiếp đi khảo sát và làm việc; việc mời các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam để cùng các chuyên gia trong nước tổ chức khảo sát thực tế, nghiên cứu xây dựng hồ sơ khoa học; tổ chức các cuộc họp, hội thảo, hội nghị quốc tế... không thực hiện được.
Bên cạnh đó, yêu cầu về hồ sơ của UNESCO ngày càng khó khăn và chặt chẽ, việc kiểm tra tại chỗ về tính xác thực của ICOMOS (Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế, có vị trí tư vấn cho UNESCO) là cực kỳ khắt khe.
Công tác bảo tồn các di tích còn bất cập (có di tích đã bị phá hủy hoàn toàn như chùa Quỳnh Lâm, chùa Ngọa Vân, một số di tích đã và đang chuẩn bị đầu tư xây dựng mới tự do). Tính toàn vẹn hiện nay chưa đồng đều, một số chưa rõ về quy mô vùng lõi, vùng đệm…
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Phó Ban Chỉ đạo - Trưởng ban Điều hành xây dựng hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc Nguyễn Thị Hạnh cho biết hồ sơ đã được tỉnh Quảng Ninh chủ trì xây dựng một cách công phu, bài bản với chất lượng cao. Sau nhiều năm nỗ lực, di sản đã chính thức được quốc tế công nhận.
Tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản, nhằm bảo đảm tính bền vững, lan tỏa sâu rộng giá trị cao quý của Di sản Thế giới.
Thời khắc được ghi danh là một niềm tự hào lớn không chỉ đối với chính quyền và nhân dân 3 địa phương Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng, mà còn đối với nhân dân cả nước.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản Thế giới dạng chuỗi đầu tiên, đồng thời là Di sản liên tỉnh thứ hai trong số 9 Di sản Thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận.
Hồ sơ đề cử được hoàn thiện với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành Trung ương, 3 địa phương và sự giúp đỡ của các chuyên gia lĩnh vực di sản, văn hóa quốc tế như Giáo sư Shimoda (Nhật Bản) và Giáo sư Paul (New Zealand)...
Thành công của việc Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản Thế giới là kết quả của quá trình nỗ lực bền bỉ hơn chục năm qua, sự đồng thuận cao và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh và thành phố Hải Phòng cùng với sự hỗ trợ thiết thực của cơ quan truyền thông, doanh nghiệp.