pnvnonline@phunuvietnam.vn
Quảng Nam: Ảnh hưởng của bão số 6, hơn 18.000 người dân phải di dời
Tính đến trưa 27/10, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6. Ảnh: CTV
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, khoảng trưa nay, mưa lớn kèm theo gió mạnh tiếp tục "quần thảo" các địa phương vùng ven biển Quảng Nam khiến nhiều cây cối ngã đổ, một số tuyến đường xuất hiện các dấu hiệu sạt lở đất.
Nhiều cây cối, hoa màu bị ngả đổ, một số tuyến đường bị sạt lở cục bộ, ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân. Hiện mực nước tại các sông, suối trên địa bàn huyện đang lên nhanh, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân không đến gần khu vực nguy hiểm.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6, từ đêm 26/10 đến sáng 27/10, các địa phương trong tỉnh có mưa, mưa vừa, mưa to.
Dự báo từ sáng nay đến 1 giờ ngày 29/10, các địa phương trong tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa tại các địa phương vùng núi phía tây bắc tỉnh phổ biến từ 100 - 200mm, có nơi hơn 300mm; các địa phương vùng núi phía tây nam và vùng đồng bằng phổ biến từ 150 - 300mm, có nơi hơn 400mm.
Trong 48 đến 72 giờ tới, mưa có xu hướng giảm dần, các địa phương trong tỉnh có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to, lượng mưa phổ biến từ 10 - 30mm, có nơi hơn 50mm.
Huyện Duy Xuyên đã tập trung rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, nhà ở không kiên cố. Qua đó, tiến hành di dời 155 hộ dân với 326 nhân khẩu ở 14 xã, thị trấn đến nơi an toàn.
Tại nơi trú ẩn an toàn, chính quyền xã Duy Hải cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm cho số hộ dân nêu trên.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nhân dân về chủ động ứng phó với bão số 6, bám sát phương châm "4 tại chỗ", tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.
Bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn trực chiến sẵn sàng ứng cứu ở từng địa bàn xung yếu. Đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, trường học, bệnh viện, trạm y tế, người dân chằng chống nhà cửa đề phòng tốc mái do gió mạnh...
UBND huyện Đại Lộc cho biết, các địa phương trên địa bàn đã tiến hành sơ tán xen ghép, tập trung 344 hộ dân với 1.128 nhân khẩu trên tổng số 628 hộ (1.913 nhân khẩu) tại các nhà tạm, nhà thiếu kiên cố, các khu vực dễ bị sạt lở, sụt lún đến nơi an toàn.
Phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi là đối tượng được ưu tiên di dời khẩn cấp để đảm bảo an toàn. Ảnh: CTV
Tại huyện Hiệp Đức, sáng 27/10, chính quyền xã Phước Gia đã đặt biển cảnh báo, bố trí lực lượng canh gác 24/24h tại khu vực đồi núi phía sau khu dân cư Nà Nổ thuộc thôn Gia Cao, tuyệt đối không cho người dân quay về nhà để tránh nguy cơ sạt lở.
Ông Nguyễn Thành Liêm - Chủ tịch UBND xã Phước Gia cho biết, trước đó, qua kiểm tra tình hình sạt lở trước khi bão số 6 đổ bộ, xã Phước Gia đã phát hiện trên đỉnh đồi ngay chính giữa khu dân cư Nà Nổ xuất hiện một vết nứt có độ sâu 1m, dài 30m dạng vòng cung bán kính 10m, ước khối lượng đất đá có nguy cơ sạt lở 100m3.
"Chính quyền đã huy động toàn bộ lực lượng công an, xã đội, dân quân thường trực, đoàn viên thanh niên, phụ nữ, tiến hành vận động và hỗ trợ bà con di dời đến nơi an toàn. Tính đến hiện tại, toàn bộ 30 hộ với 163 nhân khẩu ở khu dân cư Nà Nổ, phần lớn là đồng bào Ca Dong đã được bố trí đến ở tạm tại khu vực Trường Tiểu học Kpa-Kơ Long." – Ông Liêm cho biết.
Huyện Tây Giang cũng đang tiếp tục sơ tán khẩn cấp 168 họ/663 nhân khẩu thuộc xã Ga Ry. Đây là địa phương đang được cảnh báo nguy cơ sạt lở rất cao.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Tây Giang cho biết, để đảm bảo công tác ứng phó trước bão lũ, ngày 26/10, Tây Giang lập 2 tổ công tác trực tiếp đi kiểm tra tại các xã, đặc biệt là 4 xã vùng cao Tr'Hy, A Xan, Ga Ry và Ch'Ơm.
Nhiều địa điểm tại huyện Tây Giang có nguy cơ sạt lở, người dân phải di dời tới nơi an toàn. Ảnh: CTV
Các tổ công tác chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai phương án sơ tán người dân tại các điểm dân cư có nguy cơ sạt lở, lũ quét và ngập lụt cao. Đồng thời huy động lực lượng hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, thu hoạch lúa, khơi thông dòng chảy tại một số điểm xung yếu và kiểm tra các sườn đồi gần khu dân cư...
Hiện nay, người dân Tây Giang mới thu hoạch vụ lúa hè thu nên đảm bảo lương thực tại chỗ, các tư thương, trường học dự trữ các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo sử dụng trong vòng 30 ngày.
Để chủ động ứng phó trước mưa lũ, Tây Giang tổ chức lực lượng, phương tiện sẵn sàng đảm bảo giao thông, đặt bảng cảnh báo tại các vị trí nằm trong diện nguy cơ sạt lở cao khi mưa lớn tiếp tục kéo dài.