pnvnonline@phunuvietnam.vn
Quảng Trị: 267 trẻ mồ côi được nhận đỡ đầu với số tiền hỗ trợ trên 1 tỷ đồng
Hội Phụ nữ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh hưởng ứng Chương trình "Mẹ đỡ đầu".
Chương trình "Mẹ đỡ đầu" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động và được Hội LHPN tỉnh Quảng Trị hưởng ứng thực hiện trong toàn hệ thống Hội. Từ khi phát động đến nay, các cấp Hội tiến hành khảo sát, tổng hợp danh sách trẻ mồ côi do dịch bệnh Covid-19, trẻ mồ côi do cha/mẹ mất vì lý do khác nhưng gặp hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 và đã vận động các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu 267 cháu mồ côi, với số tiền hỗ trợ trên 1 tỷ đồng.
Với thông điệp "Không để các trẻ em mồ côi cha, mẹ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn bị bỏ sót, không được hỗ trợ, chăm sóc, đỡ đầu", tạo điều kiện cho các em được phát triển trong môi trường gia đình, cộng đồng, các cấp Hội trong tỉnh tích cực vận động các cá nhân, cán bộ, hội viên, phụ nữ hoặc tập thể, đơn vị, tổ chức làm "Mẹ đỡ đầu" nhận chăm sóc, đỡ đầu các cháu mồ côi với 2 hình thức trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi tại gia đình, cộng đồng, trung tâm, bệnh viện... hoặc gián tiếp thông qua gia đình, người nuôi dưỡng.
Mục tiêu mà tổ chức Hội đặt ra là phấn đấu 100% Hội LHPN huyện, thị, thành phố, đơn vị trực thuộc tổ chức hoạt động đỡ đầu phù hợp với tiêu chí của Chương trình và 100% trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh trong diện đỡ đầu đều có "Mẹ đỡ đầu". Các cán bộ, hội viên có thể trở thành "mẹ đỡ đầu" hoặc kết nối tổ chức, cá nhân hảo tâm giúp đỡ trẻ. Ngoài các trường hợp mất cha, mẹ do Covid-19, trẻ mồ côi gặp khó khăn vì dịch bệnh cũng được các cấp Hội quan tâm, hỗ trợ.
Thời gian tới các cấp Hội trong tỉnh Quảng Trị tiếp tục vận động giúp đỡ, đỡ đầu trẻ mồ côi để các em có thêm điều kiện vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống đặc biệt là đảm bảo việc học tập không bị gián đoạn.
Chương trình Mẹ đỡ đầu do TW Hội LHPN Việt Nam phát động và được triển khai từ ngày 20/10/2021 dựa trên nguyên tắc: hoàn toàn tự nguyện; tôn trọng các quy định của pháp luật về quyền trẻ em. Các hỗ trợ đảm bảo sát hợp với nhu cầu của trẻ; ưu tiên tối đa điều kiện để trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường gia đình, họ hàng, cộng đồng, quê hương; công khai, minh bạch nguồn hỗ trợ, đối tượng được thụ hưởng. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức Hội nơi có tập thể, cá nhân là "Mẹ đỡ đầu" với cấp ủy, chính quyền, các trung tâm và tổ chức Hội cơ sở nơi trẻ sinh sống, giúp các em có cơ hội phát triển toàn diện.
Chương trình Mẹ đỡ đầu chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn từ năm 2021-2027 sẽ tập trung hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu trẻ em mồ côi do tác động của dịch Covid-19 (mồ côi cả cha mẹ, mồ côi cha hoặc mẹ) đến khi các con đủ 18 tuổi. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện, tình hình thực tế của từng địa phương có thể mở rộng đối tượng hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu trẻ mồ côi nói chung. Giai đoạn từ năm 2028 trở đi, các cấp Hội sẽ tiếp tục hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu trẻ em mồ côi do tác động của dịch Covid-19 đến khi các con đủ 18 tuổi. Đồng thời, mở rộng đối tượng hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu trẻ mồ côi nói chung, trẻ em không nơi nương tựa, không có người nuôi dưỡng.
Ban Gia đình - Xã hội, TƯ Hội LHPN Việt Nam - ban chuyên môn được phân công nhiệm vụ là đầu mối, tham mưu thực hiện Chương trình "Mẹ đỡ đầu" cho biết, qua báo cáo của 43 tỉnh/thành phố có 47.780 trẻ mồ côi, trong đó có 4.037 trẻ mồ côi do Covid-19, đặc biệt có 85 em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Đến ngày 21/4, các cấp Hội đã vận động, kết nối, hỗ trợ, đỡ đầu được 5.444 trẻ mồ côi, trong đó có 1.653 trẻ mồ côi do Covid-19 và 3.791 trẻ mồ côi do các nguyên nhân khác.