Quảng Trị: Phụ nữ giảm nghèo nhờ tham gia Tổ tiết kiệm vốn vay thôn, bản

PV
06/02/2025 - 14:45
Quảng Trị: Phụ nữ giảm nghèo nhờ tham gia Tổ tiết kiệm vốn vay thôn, bản

Phụ nữ xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông, có thêm nguồn vốn để phát triển sản xuất từ nhóm TKVVTB. Ảnh tư liệu​

Sau nhiều năm triển khai khai trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Quảng Trị, mô hình Tổ tiết kiệm vốn vay thôn, bản đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo, giúp chị em vươn lên, tự chủ trong cuộc sống.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông là những địa phương đầu tiên triển khai thực hiện mô hình tổ, nhóm tiết kiệm vay vốn tự quản thôn, bản (TKVVTB) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Dưới sự điều hành và hướng dẫn của Hội LHPN các cấp, mô hình tổ, nhóm TKVVTB hoạt động ngày càng hiệu quả, khẳng định sự bền vững, phù hợp với tình hình thực tế.

Các thành viên của TKVVTB là hội viên phụ nữ, tham gia tự nguyện, sinh hoạt định kỳ mỗi tháng từ 1-2 lần. Tùy theo điều kiện mà mỗi tổ, nhóm TKVVTB có mức đóng góp vốn khác nhau, bình quân khoảng 5-10 triệu đồng/tháng/nhóm. Vốn góp được sử dụng hỗ trợ cho thành viên trong tổ, nhóm vay với lãi suất thấp để phục vụ cho các mục đích phát triển kinh tế gia đình, mua dụng cụ sinh hoạt, chữa bệnh...

Để giúp mô hình tổ, nhóm TKVVTB, Hội LHPN tỉnh, huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kiến thức về huy động vốn từ nguồn đóng góp tiết kiệm của thành viên tổ, nhóm; cách quản lý, sử dụng nguồn vốn; triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo bằng nhiều hình thức… Đồng thời, phối hợp với các ngành hữu quan tổ chức tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho các thành viên tham gia mô hình.

Quảng Trị: Phụ nữ giảm nghèo nhờ tham gia Tổ tiết kiệm vốn vay thôn, bản- Ảnh 1.

Hội viên phụ nữ xã Thuận, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, được hỗ trợ về vốn và kiến thức chăn nuôi nên có điều kiện thoát nghèo bền vững. Ảnh: N.T

Với phương châm chưa quen rồi sẽ quen, chưa biết rồi sẽ biết, học hỏi và thay đổi dần từng ngày, phụ nữ vùng đồng bào DTTS đã không chỉ thay đổi nhận thức, thực hành thói quen tiết kiệm mà còn chủ động tạo nguồn quỹ, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Nhiều chị em, với khát vọng cùng nhau thoát nghèo, đã tình nguyện giúp nhau vốn để sản xuất, kinh doanh, học hỏi lẫn nhau cách làm chủ cuộc sống.

Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Đakrông Nguyễn Thị Ty, trước đây, phụ nữ đồng bào DTTS chỉ biết đi làm nương rẫy. Công việc sản xuất trông chờ cả ở thời tiết chứ chưa biết đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, chưa biết cách quản lý hiệu quả kinh tế và nguồn vốn. Nhờ Hội LHPN tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn và hỗ trợ các mô hình vay vốn nên phụ nữ đồng bào DTTS đã biết đầu tư sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập. Đặc biệt, với sự ra đời và hoạt động hiệu quả của các tổ, nhóm TKVVTB chị em cũng biết cách chi tiêu hợp lý, tiết kiệm nên cuộc sống dần ổn định hơn.

Để nhân rộng và phát huy ưu điểm của tổ, nhóm TKVVTB, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã triển khai dự án "Thúc đẩy tài chính toàn diện vì phụ nữ DTTS", thông qua triển khai các tổ, nhóm TKVVTB. Nhờ đó, mô hình hoạt động tạo nguồn vốn đầu tư cho sản xuất của phụ nữ DTTS thông qua tổ, nhóm tiết kiệm này được nhân rộng, khẳng định tính bền vững, hiệu quả, được đông đảo hội viên phụ nữ tin tưởng.

Đến nay, riêng trên địa bàn 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông có 454 tổ, nhóm TKVVTB với hơn 9.200 thành viên. Bình quân mỗi xã có từ 5-10 tổ, nhóm TKVVTB; mỗi tổ, nhóm có từ 14-30 thành viên. Tổng vốn huy động tùy theo điều kiện đóng góp của mỗi thành viên, bình quân từ 60 đến hơn 100 triệu đồng/nhóm/năm.

Là thành viên của tổ, nhóm TKVVTB xã Tà Rụt (huyện Đakrông), chị Hồ Thị Thương cho biết, nhờ tham gia hoạt động tổ TKVVTB, chị đã học hỏi được nhiều điều bổ ích, bản thân tiến bộ lên nhiều.

"Trước đây chưa tham gia tổ TKVVTB, kiến thức về tổ chức cuộc sống và kinh tế của tôi còn hạn chế. Bây giờ, nhờ được tham gia tập huấn, tôi đã biết cách tiết kiệm tiền để đầu tư đúng mục đích trong cuộc sống. Mỗi tháng tôi và các chị em góp vài trăm ngàn đồng vào quỹ của tổ, đến khi cần vốn để đầu tư sản xuất hay trong gia đình cần mua sắm đồ dùng thiết yếu gì thì tổ cho mình vay với lãi rất thấp. Nhờ cách này, chúng tôi đã biết tiết kiệm để chi dùng cho những việc cần thiết, mua được nhiều đồ dùng phục vụ gia đình, kinh tế gia đình ổn định hơn", chị Thương chia sẻ.

Quảng Trị: Phụ nữ giảm nghèo nhờ tham gia Tổ tiết kiệm vốn vay thôn, bản- Ảnh 2.

Hội viên phụ nữ tỉnh Quảng Trị được hỗ trợ nguồn giống chăn nuôi để phát triển kinh tế. Ảnh: TL

Với hoạt động hiệu quả, các TKVVTB đã khuyến khích được nhiều chị em tham gia, qua đó tạo được tinh thần đoàn kết cộng đồng, tăng cường tình cảm gắn bó tương thân, tương ái của các thành viên nhóm và các hộ dân địa phương cùng hành động để thoát nghèo, vừa tạo được thói quen tiết kiệm và quản lý chi tiêu trong gia đình, phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững cho phụ nữ đồng bào DTTS.

Theo báo cáo của địa phương, sau nhiều năm hoạt động, các tổ, nhóm TKVVTB chưa có trường hợp nào xảy ra rủi ro, thất thoát; các thành viên tham gia tổ, nhóm đều được hưởng quyền lợi chính đáng. Đây là mô hình tạo vốn cho phụ nữ đồng bào DTTS rất hiệu quả.

Được biết, trước thềm Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Ban Dân tộc Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Trị, đã thực hiện khảo sát tình hình hoạt động của tổ, nhóm TKVVTB tại một số xã thuộc địa bàn huyện Đakrông và Hướng Hóa. Các địa phương đều cho rằng việc củng cố, đổi mới, phát triển mô hình tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản tự quản là rất cần thiết.

Căn cứ kết quả khảo sát, trong thời gian tới, Ban Dân tộc Hội đồng Nhân dân tỉnh sẽ phối hợp với Ban hỗ trợ điều hành dự án nâng cao năng lực và hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 xây dựng phương án hỗ trợ nhằm củng cố, đổi mới, phát triển hoạt động cho một số tổ nhóm TKVVTQ trong địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm