pnvnonline@phunuvietnam.vn
Quay cuồng trong bão giá, nhiều gia đình Mỹ vẫn cắn răng mua quà cho con
Chia sẻ với CNN, cô Anya Remy, chuyên gia nhân sự ở bang Maryland (Mỹ) đang phải chi tiêu cho mùa Giáng sinh với ngân sách eo hẹp hơn bao giờ hết. Trước áp lực lạm phát, cô phải yêu cầu các con cắt giảm nhu cầu mua sắm trong dịp lễ này và ráo riết săn đón các khuyến mãi tốt nhất.
"Năm nay phải chi tiêu ít hơn nhiều và tập trung vào lập ngân sách, chọn những thứ ưu tiên. Bọn trẻ cũng chỉ được mua một vài thứ, không phải tất cả những thứ mà chúng muốn"- cô nói.
Lạm phát cao nhất kể từ những năm 1980 ở Mỹ đang khiến việc lập ngân sách cho kỳ nghỉ trở thành một công việc phức tạp đối với hàng triệu gia đình trung lưu: Một cuộc thăm dò của Quinnipiac vào tháng 11 cho thấy 47% người Mỹ có ít tiền tiết kiệm hơn so với năm trước. Cuộc thăm dò tương tự cho thấy 42% dự định chi tiêu ít hơn cho quà tặng trong mùa này và chỉ 8% dự định chi tiêu nhiều hơn.
Theo Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia, nhìn chung chi tiêu cho kỳ nghỉ lễ vẫn chưa chậm lại, nhưng nhiều gia đình đang phải đánh đổi để mua quà cho người thân.
Janette Duvall, tài xế xe buýt trường học ở Maryland, đang lần đầu tiên dựa vào phiếu giảm giá để mua quà cho gia đình. Mặc dù lạm phát đang siết chặt ngân sách của cô, Janette muốn đảm bảo rằng các con có quà để mở vào dịp Giáng sinh, ngay cả khi cô không thể mua bất cứ thứ gì cho mình.
"Tôi sẽ làm bất cứ thứ gì có thể, nhưng tất nhiên sẽ tìm thứ gì đó rẻ hơn vào năm nay. Không phải tất cả mọi người đều nhận được thứ gì đó xịn như họ từng được nhận" - cô cho biết.
Trong một cuộc thăm dò của Gallup vào tháng 12 này, 55% người Mỹ cho biết giá cả tăng cao gây khó khăn tài chính cho gia đình họ và 13% nói rằng khó khăn đó là "nghiêm trọng".
Giáo viên lớp 2 Lindsay Cook cho biết năm nay là lần đầu tiên gia đình cô phải vật lộn chạy chi tiêu từng tháng một. Không còn một chút tiết kiệm nào dư lại sau mỗi kỳ lương, điều này khiến Cook thực sự "sợ hãi".
Trong nhiều tháng, cô và chồng, một nhân viên an ninh trường học, đã nỗ lực tiết kiệm và sử dụng thẻ tín dụng để theo kịp giá thực phẩm, gas, năng lượng cao hơn... khi vừa phải chăm sóc 2 đứa con.
Cô nói, lập ngân sách cho những ngày lễ như này thật sự rất khó khăn.
"Làm sao mà có ngân sách chi tiêu khi bạn không có bất kỳ loại thu nhập phụ nào. Tôi đang cố gắng hạn chế số tiền chi tiêu thêm cho các khoản khác và rút tiền từ bất kỳ khoản tiết kiệm nào mình có".
Mùa lễ hội này, Cook quyết định giới hạn chi tiêu ở mức 100 đô (2,3 triệu đồng) cho mỗi đứa con. Cô và chồng muốn tặng quà cho nhau, nhưng khoản đó không phải ưu tiên.
Cô nói: "Tôi không muốn làm các con tôi thất vọng. Tôi không muốn các cháu buồn".
Nỗi lo suy thoái cũng đang ảnh hưởng đến chi tiêu nhiều gia đình.
Karissa Warren đã trò chuyện với CNN vào tháng 3, thời điểm cô gần như không thể đổ đầy bình xăng vì giá nhiên liệu tăng cao. Khi giá xăng giảm và được tăng lương ở nơi làm việc, Warren cảm thấy yên tâm hơn khi bước vào kỳ nghỉ lễ, mặc dù cô dự định mua ít hơn những năm trước. Rồi bỗng nhiên, cô nhận được tin là mình sẽ bị sa thải.
Mọi kế hoạch của Warren dường như đã bị "thổi bay" và giờ cô chỉ có thể mua những thứ được ưu tiên hàng đầu trong danh sách sắm sửa.
Cô đã mua một số món quà cho con gái Laila 3 tuổi, và thế có lẽ là đã đủ cho mùa Giáng sinh năm nay.
"Tôi cũng muốn trang trí cây thông nhiều hơn một chút so với những gì chúng tôi có thể. Suy cho cùng, miễn là (Laila) hạnh phúc, tất cả chúng tôi đều hạnh phúc. Năm nay chúng tôi sẽ không có quà dưới gốc cây thông, nhưng con bé thì có- đó mới là điều thực sự quan trọng".