Người ta thường gọi quê tôi là quê lúa. Có lẽ vì đi đến đâu mắt cũng bị chìm trong biển lúa. Những căn nhà, trường học, con đường đều bao bọc bởi lúa.
Đầu thu là mùa lúa đẹp nhất trong năm. Cả cánh đồng vàng mơ màu lúa bắt đầu chín bói. Lúa nếp thường chín trước, những nhánh lùn tẹt, lúc lỉu những bông, những hạt tròn mọng mẩy. Đó là những ngày hạnh phúc nhất của lũ học sinh trứng gà trứng vịt chúng tôi.
Chiều đi học về, đứa nào cũng tay cặp, tay với xuống ruộng lúa ngắt những bông đã đóng sữa, vẫn còn những vân xanh thơm tho ẩn hiện trong lớp vỏ trấu. Bởi thế, không có gì lạ lùng khi các gié lúa hai bên con đường đi giữa đồng đều nham nhở, trụi lủi. Nhưng không ai nỡ trách phạt lũ con nít nhà nghèo dại dột.
Chiều đi học về, đứa nào cũng tay cặp, tay với xuống ruộng lúa ngắt những bông đã đóng sữa, vẫn còn những vân xanh thơm tho ẩn hiện trong lớp vỏ trấu. Bởi thế, không có gì lạ lùng khi các gié lúa hai bên con đường đi giữa đồng đều nham nhở, trụi lủi. Nhưng không ai nỡ trách phạt lũ con nít nhà nghèo dại dột.
Sau khi tuốt lấy những hạt thóc nếp, một chảo rang gang nóng già trên bếp sẵn sàng chờ đợi. Rang thóc nếp phải để lửa lim rim, đảo đều tay cho đến khi lớp sữa gạo bung tỏa, nổ lóc bóc, vỏ trấu bị nứt, lộ ra lớp nổ trắng lốp. Những hạt thóc cứng đầu không chịu bung nở hơi sém, vị thơm bùi tỏa ra điếc mũi.
Trong ngăn cặp của mỗi đứa học sinh tiểu học ngày ấy đều có một bọc thóc nếp rang để ăn trắt. Nhất là những ngày có gió lạnh, đứa nào cũng phong phanh vài manh áo cũ nhưng một tay ghi bài, một tay lần tìm dưới ngăn bàn bốc nắm thóc nếp rang cắn lia thia bỗng thấy ấm áp vô cùng.
Trong ngăn cặp của mỗi đứa học sinh tiểu học ngày ấy đều có một bọc thóc nếp rang để ăn trắt. Nhất là những ngày có gió lạnh, đứa nào cũng phong phanh vài manh áo cũ nhưng một tay ghi bài, một tay lần tìm dưới ngăn bàn bốc nắm thóc nếp rang cắn lia thia bỗng thấy ấm áp vô cùng.
Thóc nếp rang có vị ngọt của tinh bột đến kỳ chín đậm. Thóc cắn trắt phải đựng trong túi nilon mới được giòn lâu. Gặp gió, nước, thóc bị ỉu, ăn chẳng còn hương vị gì. Khổ sở cho những ai phải dọn vệ sinh lớp học mỗi buổi sáng, dù có quét kỹ càng đến đâu, lớp vỏ trấu vẫn lạo xạo dưới chân đi.
Đó là kết quả của những buổi học âm thầm cắn trắt của lũ trẻ nhất quỷ nhì ma. Ăn trắt vừa quen tay, vui miệng, vừa xóa tan cơn đói và làm ấm lòng con nhà nông. Đứa nào có nhiều thóc nếp rang đãi bạn, đứa đó vừa được tiếng thảo thơm vừa được bênh vực khi gặp xung đột. Cũng không ít lần, cô giáo bắt gặp học trò cắn trắt rổn rang, phạt úp mặt lên bảng.
Đó là kết quả của những buổi học âm thầm cắn trắt của lũ trẻ nhất quỷ nhì ma. Ăn trắt vừa quen tay, vui miệng, vừa xóa tan cơn đói và làm ấm lòng con nhà nông. Đứa nào có nhiều thóc nếp rang đãi bạn, đứa đó vừa được tiếng thảo thơm vừa được bênh vực khi gặp xung đột. Cũng không ít lần, cô giáo bắt gặp học trò cắn trắt rổn rang, phạt úp mặt lên bảng.
Có những buổi chiều bất chợt trời mưa, tôi cùng Dịu, Hiên không mang theo áo mưa đành ngồi lại trong lớp học. Hiên giở gói thóc nếp rang ra, tôi và Dịu chụm đầu vào cắn trắt, mặc mưa xiên qua cửa sổ, ướt lạnh. Rồi Hiên và Dịu cũng được mẹ đạp xe mang áo mưa đến, chở về nhà. Chỉ còn lại tôi trong ngôi trường cũ kỹ, vắng lặng, và buổi chiều muộn, mưa làm im lìm cả không gian. Thất thểu đội mưa ra về khi bóng đêm đã trùm xuống, không rõ nước mưa hay nước mắt làm ướt nhoẹt gói thóc nếp rang trên tay…
Bây giờ, những em học sinh tiểu học của tôi có trăm ngàn trò vui chơi và những món ăn vặt mua được bằng tiền bán đầy rẫy ngoài cổng trường. Chẳng thể tìm lại được những đứa trẻ lem luốc, còi cọc với những manh áo cũ mèm, với những nắm thóc nếp rang gọn lỏn trong tay, cắn trắt âm thầm trong từng lớp học mái ngói cũ càng.
Buổi chiều mùa thu mưa rơi dấm dứt, tan giờ dạy, tôi chạy xe trở về phòng trọ, áo mưa trùm kín mít từ đầu đến chân. Không lạnh lẽo, không mỏi mệt mà ngang qua cánh đồng lạ, nước mắt tuôn rơi, nhớ xiết bao quê hương trong ngăn cặp thuở nào, thơm thảo, ngọt bùi...