Quĩ, phí oằn vai: Khi xã 'phong tỏa' con dấu

13/09/2016 - 06:45
Thay vì cưỡng chế tài sản đối với các hộ dân nợ tiền đóng góp, khoảng 2-3 năm trở lại đây, xã Hà Vinh (Hà Trung, Thanh Hóa) đã chuyển sang hình thức "phong tỏa” con dấu với người dân nợ quĩ. Theo đó, ai nợ tiền coi như “hết cửa” giao dịch với chính quyền.

Thu tài sản là vì… công bằng xã hội

Như  báo PNVN đã nêu, suốt nhiều năm trời, UBND xã Hà Vinh luôn dùng “biện pháp mạnh” là cưỡng chế tài sản đối với những gia đình nợ tiền đóng góp (quĩ, phí). Trâu, bò, ti vi, xe máy… của nhiều hộ dân từng bị “tổ công tác” đặc biệt của xã “bắt” mất.

Một trong những người đứng đầu trong “tổ công tác” là ông Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Phó chủ tịch UBND, nay là Phó Chủ tịch HĐND xã Hà Vinh. Ông Tuấn kể rằng, ông đã có 35 năm công tác, giữ nhiều chức vụ khác nhau tại xã Hà Vinh. Từ tháng 1/2016, ông Tuấn mới chuyển sang làm Phó Chủ tịch Hội HĐND xã.

18.jpg
Ông Nguyễn Quang Tuấn - người từng nhiều lần đi "cưỡng chế" tài sản của người dân

Nói về việc “cưỡng chế” tài sản của người dân, ông Tuấn thừa nhận, bản thân ông là người đã tham gia rất nhiều lần. “Trước đây chúng tôi phải đi cưỡng chế những gia đình chây ì không chịu đóng góp. Thế nhưng, 2-3 năm trở lại đây xã không làm thế nữa”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, qui trình "cưỡng chế" tài sản đối với những hộ dân nợ tiền đóng góp là trưởng thôn lập danh sách, sau đó gửi lên xã. Xã thành lập tổ công tác gồm UBND, MTTQ, các đoàn thể tham gia. Tổ sẽ đến từng nhà và trước hết là vận động. Có nhà vận động đến 2-3 lần. Nếu họ vẫn cố tình không nộp tổ sẽ tiến hành lập “biên bản tạm giữ tài sản”. Nhà ai có bò, tổ công tác sẽ lập biên bản giữ con bò, không có bò thì giữ xe máy, ti vi.

Lý giải vì sao lại giữ tài sản của người dân, làm như thế là sai chủ trương chính sách và vi phạm pháp luật, ông Tuấn thản nhiên nói: “Vì tài sản đó do chiếm dụng mà có” (?!).

Ông Tuấn nói rằng, có những hộ không đóng góp là do chây ì. “Có những hộ khi tổ công tác đến nói tạm giữ con bò lập tức họ nộp ngay nhưng có hộ phải tạm giữ một hôm, hôm sau họ mang tiền đến nộp. Tôi thường chỉ đạo cái đó (đoàn cưỡng chế - Pv). Việc giữ tài sản là do người dân đề nghị với UBND, HĐND để “làm công bằng xã hội”, ông Tuấn nói.

Trong câu chuyện với Pv, ông Tuấn cũng chia sẻ, mấy năm gần đây xã Hà Vinh không thực hiện việc cưỡng chế tài sản nữa. Không phải vì xã “nương tay” mà đã có biện pháp khác đó là “phong tỏa con dấu”.

Món nợ truyền đời 30 năm

Với người dân xã Hà Vinh, việc bị xã “treo” dấu vì nợ tiền đóng góp cũng “dã man” chẳng khác nào chuyện tịch thu tài sản trước đây. Nhiều người đi làm ăn xa muốn được chứng thực hồ sơ hay làm đăng ký kết hôn, chứng minh thư nhân dân… đều không thể khi món nợ với xã, với thôn chưa hoàn thành.

Khi biết có nhà báo về xã tìm hiểu về việc “bắt sản”, bà Nguyễn Thị Suy (SN 1954), ở thôn 11 đã tất tả đi tìm. Tâm sự với PV, bà Suy nói như cầu cứu: “Các anh cứu gia đình tôi với. Mấy chục năm nay gia đình tôi đã quá khổ rồi”.

20.jpg
Bà Suy với món nợ hơn 30 năm chưa trả hết.

Bà Suy có khuôn mặt khắc khổ, nước da đen sạm, bà già hơn so với tuổi rất nhiều. Bà bảo, đã sống quá nửa đời người nhưng bà luôn khổ sở, ám ảnh bởi việc đóng sản. Đó thật sự là ác mộng đeo đẳng bà và cả gia đình cả chục năm trời.

Nhà bà Suy có đến 6 người con. Đông con nên dù chịu thương, chịu khó thì cái nghèo vẫn cứ bám riết lấy gia đình bà. Cũng vì nghèo nên từ trước đến nay nhà bà Suy thường chậm trễ trong việc đóng sản. “Hà Vinh có truyền thống thu sản rất nặng. Năm 1987, bởi chưa kịp đóng sản mà gia đình tôi đã bị người ta lấy hết ruộng, không cho cấy nữa”, bà Suy kể.

Đối với người dân, mất ruộng nghĩa là mất kế sinh nhai. Mất ruộng, các con bà Suy phải nghỉ học ly tán mối đứa một nơi để làm ăn. Cũng vì không có ruộng nên từ thời điểm đó, nhà bà Suy không tham gia đóng góp. Đến vụ chiêm năm 2009, gia đình bà hoảng hốt khi biết mình đang mang món nợ khổng lồ.

Theo đó, nợ từ năm 1987 dồn đến 2009 giờ là 5 tấn thóc. Bởi món nợ đó nên “tổ công tác” của xã đã tìm đến đòi. Họ nói, nếu nhà bà Suy không hoàn thành khoản đóng góp trên sẽ tạm giữ chiếc máy vò lúa của gia đình.

Chiếc máy vò lúa đó, theo bà Suy thì chồng bà và các con đã gom tiền mua để đi vò thuê cho các hộ gia đình có ruộng trong làng. Nếu bị “bắt” mất, cả nhà sẽ đói. Hôm đó, bà Suy phải chạy ngược chạy xuôi vay được ít tiền đề “nộp gọi là cho có” nên “tổ công tác” đã tha không lấy máy đi. Không những không bị cưỡng chế máy vò mà cán bộ xã còn cấp trở lại cho gia đình 4 sào ruộng.

Có ruộng, như các gia đình khác ở thôn, bà Suy không còn lý do gì để thoái thác mỗi khi vào mùa đóng sản. Tuy nhiên, vài vụ gần đây, bà không đóng nữa. Lý do, theo bà Suy, từ khi có ruộng, dù xã, thôn thu hết sức nặng nề nhưng bà đã cố gắng lo trả. Không những vậy, khoản nợ 5 tấn thóc bà cũng đã hai lần trả với tổng số tiền là hơn 4 triệu đồng. Trong khi đó, xã vẫn đòi thu đủ 5 tấn thóc.

Bà Suy nhẩm tính,  ngần ấy thóc quy ra tiền là hơn 20 triệu đồng, bà không thể lo trả được. Bà Suy bảo, vợ chồng bà già rồi, bà chẳng sợ xã làm tội làm tình nhưng “hệ lụy” là mấy đứa con.

19.jpg
Với món "nợ Liễu Thăng", gia đình anh Niên lo sợ sang năm con anh sẽ không được đi học

Cụ thể, anh Vũ Văn Niên, con trai áp út của bà Suy hiện đang “lãnh đủ” từ món nợ của cha mẹ để lại. Sở dĩ anh Niên phải gánh khoản nợ trên là bởi hiện tại anh đang chung hộ khẩu với bố mẹ mình. “Không trả nợ thì không đi đâu làm ăn gì được vì lên xã xin giấy tờ, dấu má gì người ta cũng không cho. Chứng minh thư của tôi mất, muốn lên xã xác nhận để đi làm lại cũng không được”, anh Niên cho biết.

Theo anh Niên, “nợ Liễu Thăng” là món nợ cha truyền con nối nêu trên đã khiến anh hết sức khổ sở. “Sang năm con gái tôi đến tuổi đi học rồi, không trả nổi nợ không biết họ có xác nhận cho nó đi học hay không? Mấy năm nay, bất cứ ai còn nợ tiền đóng góp, khi lên xã đều bị từ chối cho dấu”, anh Niên nói.

(Còn nữa)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm