Trốn lên núi cũng không thoát
Chuyện xẩy ra từ nhiều năm trước nhưng mỗi lần nhắc lại, vợ chồng anh Đặng Văn Đoán và Nguyễn Thị Hoa (thôn 11, xã Hà Vinh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) vẫn chưa hết rùng mình sợ hãi. Đó là khi một đoàn cán bộ hùng hổ xông vào nhà rồi “cưỡng chế” mất con bò.
Nhớ lại ký ức hãi hùng ấy, chị Hoa kể: Lần ấy, anh Đoán đang vào rừng đốt than, ở nhà chỉ có chị Hoa và mấy đứa con nhỏ. Gần trưa, chị Hoa tranh thủ xuống con suối đầu nhà mò cua “cải thiện” cho bữa trưa.
Chưa bao giờ vợ chồng anh Đoán chị Hoa quên được "ác mộng" bị xã dắt mất bò |
Đang ngâm mình dưới suối chị Hoa thấy “đoàn cán bộ” đi vào nhà mình. Đoàn gồm trưởng thôn, công an xã và dẫn đầu là ông Nguyễn Quang Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Hà Vinh. Bởi quá quen, quá biết với lực lượng chuyên đi cưỡng chế tài sản này, trong khi nhà chị Hoa lại đang nợ tiền nên chị Hoa ba chân bốn cẳng bỏ chạy thục mạng lên núi trốn.
Thế nhưng, vừa vượt qua được vài lùm cây, chị Hoa đã bị một người trong đoàn đuổi theo tóm gọn. “Mày có chạy chúng tao vẫn dắt bò”, người bắt được chị Hoa tuyên bố.
Run rẩy quay về nhà, chị Hoa khóc lóc van xin. Tuy nhiên, mặc cho người phụ nữ gào khóc thảm thiết, đoàn cán bộ vẫn dắt mất của nhà chị Hoa con bò. Ngay chiều hôm đó, vợ chồng chị Hoa phải chạy vạy khắp nơi để có tiền xuống nhà ông Hoàng - Bí thư thôn 11 - nộp và “xin” bò về.
Sau lần bị “cưỡng chế” mất bò, vợ chồng chị Hoa luôn nơm nớp sợ cán bộ đến nhà, bởi chưa bao giờ nhà chị Hoa hết nợ. Anh Đoán kể, “rút kinh nghiệm” sau lần mất bò, vụ sau anh ôm chiếc ti vi sang nhà hàng xóm gửi cho chắc ăn. Nếu để ở nhà, nhỡ cán bộ đến lại “bắt” mất, các con không có ti vi để xem…
Hai lần bị cưỡng chế tài sản
Cách nhà chị Hoa, anh Đoán mấy trăm mét là gia đình “cùng cảnh ngộ” Trần Văn Vinh (SN 1973) và vợ là Vũ Thị Hoa (SN 1975). Nhà anh Vinh thuộc thôn 10, xã Hà Vinh. Cũng như gia đình chị Hoa, vì nợ tiền đóng góp nên nhà anh Vinh đã bị cán bộ đến tận nhà “cưỡng chế” mất con trâu.
Nhà chị Hoa cũng từng bị cán bộ xã "bắt" mất trâu vị nợ tiền đóng góp |
Anh Vinh không nhớ chính xác thời điểm nhà bị “cưỡng chế” trâu nhưng hình ảnh những cán bộ thôn, xã lạnh lùng dắt mất con trâu mặc cho vợ anh Vinh khóc lóc cầu xin, anh Vinh không bao giờ quên.
“Hôm đó tôi đang ngồi chơi ở nhà người em thì đoàn cán bộ đến. Họ có 6-7 người trong đó có cả lực lượng công an xã. Trưởng đoàn vẫn là ông Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã. Vừa đến nhà, ông Tuấn đã tuyên bố: Vì nhà tôi nợ tiền đóng góp nên họ đến cưỡng chế tài sản”.
Nhà nghèo, trong nhà không có cái gì đáng giá nên anh Vinh cứ nghĩ “sẽ không có cái gì để cán bộ thu”. Thế nhưng, sau khi đảo qua một vòng, “đoàn công tác” đã nhìn thấy con trâu của gia đình anh Vinh đang ngâm mình dưới suối sau nhà. Trong chốc lát, con trâu tội nghiệp đã phải lẽo đẽo theo cán bộ về nhà văn hóa thôn.
Cuống cuồng vay mượn, trong buổi chiều vợ chồng anh Vinh đã phải mang tiền xuống nhà ông Nguyễn Văn Thuấn trưởng thôn để chuộc trâu về. Sau “bài học” nhớ đời ấy, bây giờ dù các khoản đóng góp hàng năm rất nặng nề nhưng vợ chồng anh Vinh vẫn phải vay mượn để đóng.
So với nhà anh Vinh, nhà anh Đoán, trường hợp của gia đình ông Hoàng Văn Chính (SN 1961) và bà Bùi Thị Hoàng (SN 1962) cũng ở thôn 10 còn “thê thảm” hơn nhiều. Nhà ông Chính, bà Hoàng bị “cưỡng chế” đến 2 lần. Lần đầu là bị bắt mất lợn, lần thứ 2 bị “ôm” mất cái ti vi.
Ông Chính bên chiếc ti vi bị "bắt nợ" năm trước |
Ông Chính bảo, cả 2 lần bị cưỡng chế ông đều đi vắng. Vì nhà đông con trong khi đất canh tác không có nên ông Chính cùng các con ra Hà Nội làm nghề sơn nước. Năm đó, đen đủi nên bố con ông Chính bị trộm lấy mất chiếc xe máy. Mất phương tiện đi lại, bố con ông Chính phải gom góp tiền mua xe nên chưa có tiền gửi về cho vợ.
Ở nhà, bà Hoàng thiếu tiền đóng góp của thôn 1,5 triệu đồng. Lập tức cán bộ thôn, xã đã đến và bắt mất của gia đình 2 con lợn. Lợn được đưa về nhà trưởng thôn Thuấn nhốt. Phải 2 ngày sau bà Hoàng mới vay được tiền mang đến nhà trưởng thôn “chuộc” lợn về.
Mấy năm sau, nhà bà Hoàng tiếp tục thiếu tiền đóng góp. “Tổ công tác” lại đến nhà, họ vẫn quyết định cưỡng chế tài sản. Vì biết ngày hôm sau chồng sẽ từ Hà Nội về nên bà Hoàng đã trình bày và xin “khất” nợ thêm một hôm. Thế nhưng, lời van xin của bà Hoàng thành công cốc khi chiếc ti vi – tài sản lớn nhất trong nhà - đã bị “khênh” đi mất. Hôm sau, ông Chính về mang tiền ra nhà trưởng thôn nộp và đưa ti vi về.
Theo vợ chồng ông Chính, thời điểm nhà ông bị “cưỡng chế” lợn vào khoảng năm 2005. Thời điểm bị “bắt” ti vi vào khoảng năm 2010. Chiếc ti vi bây giờ gia đình vẫn đang dùng.
Có một vấn đề khiến chúng tôi thắc mắc là với vật nuôi, tại sao người dân lại sợ bị bắt đến vậy nên nhà ai cũng phải cố chạy tiền nộp trong ngày? Trả lời câu hỏi này, người dân cho biết, nếu không đưa vật nuôi về sớm thì sẽ bị tính tiền “lưu đêm”. Cứ 1 đêm họ tính 15.000đ. Với đồ đạc tuy không bị tính tiền lưu đêm nhưng sẽ không còn đồ dùng nữa nên
Kể lại câu chuyện quá khứ với Pv nhưng người con út của ông Chính sinh năm 1993 tỏ ra lo sợ: “Các anh không được chụp ảnh, cũng không được đưa tên thật bố mẹ em lên báo. Em sợ lắm. Hơn nữa em còn đi làm ở Hà Nội, còn phải lên xã xin chứng nhận giấy tờ. Nếu họ biết nhà em kể cho nhà báo nghe họ không chứng nhận cho nữa”…
Sau khi được pv giải thích, đây là câu chuyện có thật, cả làng ai cũng biết chứ không phải mình bịa ra, anh ta mới hết sợ.
(Còn nữa)