Quốc hội chính thức thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)

D.H
30/03/2021 - 15:43
Quốc hội chính thức thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)
Với đại đa số ĐBQH có mặt nhấn nút tán thành, Quốc hội chiều 30/3 chính thức thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) với sự điều chỉnh một số vấn đề liên quan đến quản lý người sử dụng chất ma túy trái phép và cai nghiện ma túy.

Chiều 30/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã xin ý kiến các đại biểu quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Tại hội trường, với 455 đại biểu quốc hội (ĐBQH) tham gia, có 454 đại biểu nhấn nút tán thành (94,58% tổng số ĐBQH), 01 đại biểu quốc hội không biểu quyết (0,21% tổng số ĐBQH), Quốc hội đã thông qua Luật Phòng chống ma tuý sửa đổi.

Trước khi bấm nút thông qua, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, chỉnh lý tiếp thu dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) do bà Nguyễn Thúy Anh – Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội trình bày. Theo bà Thúy Anh, ngày 24/3/2021, Quốc hội đã thảo luận ở Hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Có 10 ĐBQH phát biểu ý kiến về dự thảo Luật. Về cơ bản, các đại biểu nhất trí với nội dung Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Luật, đồng thời đóng góp một số nội dung cụ thể để hoàn thiện dự thảo Luật.

Ngay sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra tổ chức làm việc với Thường trực Ban soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật, đại diện các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật, cũng như rà soát về kỹ thuật để hoàn thiện dự thảo.

Quốc hội chính thức thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo giải trình, chỉnh lý tiếp thu dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) trước khi Quốc hội thông qua chiều 30/3. Ảnh: quochoi.vn

Liên quan đến quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy (Chương IV), theo bà Thúy Anh, có ý kiến ĐBQH đề nghị quy định giới hạn số lần xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể đối với người sử dụng trái phép chất ma túy trong thời hạn quản lý để tránh lạm dụng, tùy tiện.

Về điều này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính và là biện pháp duy nhất hiện nay giúp xác định một người có sử dụng ma túy hay không để có biện pháp quản lý phù hợp.

Bên cạnh  đó, việc xét nghiệm chất ma tuý trong cơ thể được thực hiện theo quy trình chuyên môn và được chỉ định phù hợp với đối tượng được xét nghiệm, loại chất ma tuý được xét nghiệm. Trường hợp đối tượng có nhân thân tốt, tuân thủ quá trình theo dõi quản lý sẽ khác với đối tượng có tiền sử phức tạp, nguy cơ cao. 

Ngoài ra, việc xét nghiệm chất ma tuý mới, ma tuý tổng hợp sẽ mất thời gian, số lần xét nghiệm có thể nhiều hơn so với các loại ma tuý thông thường. Do đó, nếu quy định cứng số lần xét nghiệm trong luật sẽ không bảo đảm tính khả thi, có trường hợp có thể bị lạm dụng nhưng có trường hợp sẽ không đáp ứng yêu cầu xét nghiệm.

Với những lý do nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin giữ như dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết. Đồng thời, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, cân nhắc kỹ để bảo đảm quy định cụ thể, chặt chẽ, bảo đảm phù hợp trong thực tiễn, tránh việc lạm dụng, tùy tiện và lãng phí.

Liên quan đến cai nghiện ma túy (Chương V), có ý kiến ĐBQH đề nghị không tiếp tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đang trong thời gian quản lý sau cai nghiện mà tái nghiện.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc rà soát thấy rằng các trường hợp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc quy định tại khoản 1 Điều 33 không bao gồm người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đang trong thời gian quản lý sau cai nghiện mà tái nghiện.

Quốc hội chính thức thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) - Ảnh 2.

Các ĐBQH nhấn nút thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) chiều 30/3. Ảnh: Quochoi.vn

Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo luật, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 32 về đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với đa số đại biểu tán thành.

Theo đó, người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính khi thuộc một trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, người nghiện ma túy không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện;

Thứ hai, trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;

Thứ ba, người nghiện ma túy chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện;

Thứ tư, trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện.

Dự thảo luật gồm 8 chương, 55 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm