Quý bà cũng cần 'học ăn học nói'

13/01/2019 - 09:53
Cuộc sống cá nhân là điều đáng được tôn trọng. Tuy nhiên, khi đã trở thành một người phụ nữ có sức ảnh hưởng thì đời tư rất dễ bị đưa vào “tầm ngắm” của dư luận. Bởi vậy, tự “học ăn học nói” để tránh những scandal chính là cách đối nhân xử thế khôn ngoan, biết mình biết người.

Chuyện một cô ca sĩ chuyên khoe hàng hiệu, chốn vui chơi sang trọng và khoe đủ các hình ảnh cá nhân với người chồng đang giữ vị trí quan trọng trong xã hội, từng “gây bão” trên truyền thông. Dư luận đã đặt ra việc có nên mở những lớp dạy “học ăn học nói” phổ cập hơn cho chị em phụ nữ, giống như bộ môn Nghiệp vụ lễ tân ngoại giao hay không? Để mọi hành xử tiếp cận với công chúng sẽ trở nên đúng mực mà vẫn tạo sự gần gũi, giản dị.

 

en_585-16771725.jpg
Ảnh minh họa

 

Mỗi lần lên lớp với các sinh viên báo chí, tôi thường chia sẻ với các em về cách tiếp cận với nhân vật khi phỏng vấn. Nhà báo đi phỏng vấn cũng rất nên chú tâm về những cách thức này. Ví dụ phải để ý khi tới bắt tay nhân vật, mắt nên nhìn thẳng trực diện nhưng lại không được thể hiện sự cứng nhắc, “nguy hiểm”. Ánh mắt cần thân thiện và thẳng thắn. Bàn tay lúc đưa ra bắt tay người đối diện phải được lau khô ráo, cách nắm tay chặt chẽ, tránh bắt tay lỏng lẻo, hời hợt.

 

Khi ngồi phỏng vấn, đừng quá lép vế nhưng cũng không được lấn lướt nhân vật. Quần áo, đầu tóc, thậm chí là cách vệ sinh răng miệng cũng rất cần thiết, để cuộc trao đổi được diễn ra suôn sẻ, có cảm tình. Người đối diện sẽ cảm thấy không thoải mái nếu như ngửi được mùi mồ hôi, hoặc cho thấy sự không chỉn chu về trang phục của người đi phỏng vấn.

 

Những điều này, trong các giáo trình dạy lý thuyết báo chí đã không được nhắc tới. Lẽ ra rất nên có bộ môn kiểu tương tự Lễ tân ngoại giao như trong ngành ngoại giao. Ngay kể cả các thầy cô giáo lên lớp dạy học cũng vậy. Lựa chọn trang phục và hình thức bên ngoài thế nào, để phù hợp với chốn giảng đường, là điều rất cần thiết. Rộng hơn nữa, các ngành nghề khác có liên quan nhiều tới việc giao tiếp, giao tế, cũng không phải thừa khi xây dựng bộ môn và quy chuẩn tương tự.

 

Trao đổi với PNVN, bà Trịnh Thị Thu Huyền, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng Nghiệp vụ đối ngoại (FORSET), cho biết, bộ môn Nghiệp vụ lễ tân ngoại giao được giảng dạy cho sinh viên ngay khi còn học trong Học viện Ngoại giao. Trung tâm FORSET là đơn vị tổ chức các khóa bồi dưỡng huấn luyện và giảng dạy cho cán bộ Bộ Ngoại giao và công chức, viên chức của các bộ, ngành trong khuôn khổ các Đề án của Chính phủ, nhằm nâng cao năng lực hội nhập quốc tế.

 

anh12.jpg
Ảnh minh họa

 

Bên cạnh đó, Trung tâm này vẫn nhận được các đơn đặt hàng của nhiều công ty và cá nhân khác về tăng cường kỹ năng giao tiếp liên văn hóa, xây dựng thương hiệu cá nhân trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng. Bà Huyền chia sẻ: “Văn hóa giao tiếp đặc biệt phải được chú trọng. Từ phong cách ăn mặc, giao tiếp đến các chi tiết rất nhỏ như cách ngồi ăn tiệc, không ngậm tăm trong miệng, không húp canh xì xụp”.

 

Cũng theo bà Huyền, trong tiến trình hội nhập, việc bồi dưỡng các kỹ năng lễ tân và giao tiếp liên văn hóa cho những người phụ nữ nổi tiếng, có sức ảnh hưởng, hoặc phu nhân của những người lãnh đạo đứng đầu trong các cơ quan, tập đoàn, doanh nghiệp, thậm chí cả các công ty gia đình là vô cùng cần thiết. “Tôi nói cụ thể như thế này. Khi ra nước ngoài hoặc tiếp khách, không phải lúc nào phụ nữ cũng mặc áo dài, vì đôi khi ở các hoàn cảnh lại không hề phù hợp. Trong nghề nghiệp của chúng tôi từng chứng kiến phía an ninh rất lo sợ khi chị em phụ nữ mặc áo dài đi thang cuốn”, bà Huyền cho biết.

 

Theo bà Huyền, các lời nói, phát ngôn, quản lý hình ảnh và giữ gìn hình ảnh của phụ nữ rất quan trọng. Bởi lẽ khi đã ở một vị trí nào đó, những lời nói trên mạng xã hội, cách đưa hình ảnh đời thường lên công khai, rất cần cân nhắc kỹ lưỡng. Việc giữ gìn hình ảnh đó là một việc xây dựng thương hiệu cá nhân, cho bản thân và phu quân. Công chúng và những người liên quan sẽ nhìn vào sự thể hiện đó để đánh giá tích cực hoặc tiêu cực.

 

Xã hội càng văn minh và hiện đại thì những người có ảnh hưởng càng phải có sự học hỏi toàn diện hơn. Đặc biệt ở thời mạng xã hội lan truyền thông tin với tốc độ chóng mặt, đôi khi các hình ảnh đưa lên không đủ độ tinh tế thì rất dễ rơi vào các khủng hoảng truyền thông cá nhân không đáng có.

 

trinh-thi-thu-huyen.jpg
 

“Các lời nói, phát ngôn, quản lý hình ảnh và giữ gìn hình ảnh của phụ nữ rất quan trọng. Bởi lẽ khi đã ở một vị trí nào đó, những lời nói trên mạng xã hội, cách đưa hình ảnh đời thường lên công khai, rất cần cân nhắc kỹ lưỡng”.

Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng Nghiệp vụ đối ngoại Trịnh Thị Thu Huyền

4_50710.jpg
 

“Học làm quý bà cần xác định là một tiêu chuẩn khi đã ở vị trí phu nhân hoặc người có sức ảnh hưởng. Các quý bà không cần đồ hiệu, không cần siêu xe, mà cần cốt cách lịch sự và sang trọng. Nói cụ thể hơn, đó là văn hóa của người thành đạt trong xã hội”.

Nhà thơ, nhà báo Lê Thiếu Nhơn

pham-thanh-huong.jpg
 

“Một trong những ngôi sao trong làng điện ảnh châu Á mà tôi cho là người nổi tiếng truyền cảm hứng và được công chúng yêu mến, ngưỡng mộ và quý trọng, chính là Dương Tử Quỳnh. Cô ấy thành công, nổi tiếng và duy trì được lối sống xanh, tích cực, giàu lòng nhân ái và gây ảnh hưởng lên cộng đồng cũng từ lối sống ấy. Điều đó mới là sự sang trọng từ hành vi và nhân cách”.

Trưởng Ban văn hóa Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội Phạm Thanh Hường

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm