Quy trình để người dân tộc thiểu số được trợ giúp pháp lý thế nào?

PV
19/12/2024 - 19:48
Quy trình để người dân tộc thiểu số được trợ giúp pháp lý thế nào?
Trên cơ sở yêu cầu trợ giúp pháp lý và thực tiễn tại địa phương, Sở Tư pháp tỉnh sẽ lựa chọn và ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với tổ chức có đủ điều kiện để hỗ trợ nhân dân.

Tôi là người dân tộc thiểu số ở xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ, Lai Châu. Tôi và nhiều người dân trong xã có nhu cầu được trợ giúp pháp lý, xin hỏi quy định pháp luật về vấn để này như thế nào?

Sùng Thị Chá

Theo Điều 2 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định về trợ giúp pháp lý như sau:

Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.

Theo khoản 4, điều 7, Luật Trợ giúp pháp lý, đối tượng được trợ giúp pháp lý bao gồm người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Điều 14 Luật Trợ giúp pháp lý quy định:

Căn cứ yêu cầu trợ giúp pháp lý và thực tiễn tại địa phương, Sở Tư pháp lựa chọn, ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với tổ chức có nguyện vọng và có đủ điều kiện sau đây:

a) Có lĩnh vực đăng ký hoạt động phù hợp với lĩnh vực trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này;

b) Là tổ chức hành nghề luật sư; tổ chức tư vấn pháp luật có ít nhất 01 tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên hoặc 01 luật sư làm việc thường xuyên tại tổ chức;

c) Có cơ sở vật chất phù hợp với hoạt động trợ giúp pháp lý;

d) Không đang trong thời gian thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật.

Từ những căn cứ trên, bạn có thể yêu cầu chính quyền xã liên hệ với Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu. Trên cơ sở yêu cầu trợ giúp pháp lý và thực tiễn tại địa phương, Sở Tư pháp sẽ lựa chọn và ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với tổ chức có nguyện vọng và có đủ điều kiện (chẳng hạn Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý…)

Tại Điều 6 Thông tư liên tịch 01/2012/TTLT-BTP-UBDT quy định trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tại cơ sở được thực hiện như sau:

- Tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý về những vấn đề pháp luật mà người dân tộc thiểu số thường có vướng mắc.

- Tổ chức sinh hoạt chuyên đề pháp luật về các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người dân tộc thiểu số tại địa phương.

- Tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động để cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người dân tộc thiểu số.

- Lồng ghép hoạt động trợ giúp pháp lý tại cơ sở với hoạt động xét xử lưu động của Tòa án, hoạt động của các tổ chức đoàn thể, hoạt động tìm hiểu pháp luật, lễ hội văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại địa phương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm