Quyết giành sự sống cho bé sinh non nặng 800g

31/10/2016 - 16:33
Sau 6 năm chạy chữa, «tin vui» mới đến với vợ chồng chị Đoàn Thu Huyền (28 tuổi) và anh Hoàng Văn Thiện (34 tuổi), ở TP Hạ Long, Quảng Ninh. Từng ngày, anh chị mong con chào đời khỏe mạnh. Thế nhưng, bé lại bị sinh non và quá nhẹ cân.

Cái thai lớn dần, mỗi lần đi siêu âm định kỳ, bác sĩ chuẩn đoán thai khỏe mạnh nên anh chị rất mừng. Đến khi thai được tuần 27, chị Huyền không thấy thay đổi gì đặc biệt trong cơ thể nhưng thấy đau bụng rồi rỉ ối. “Cơn đau bụng không dồn dập nhưng kéo dài khiến hai vợ chồng lo lắng nên mình vào viện kiểm tra. Bác sĩ thông báo có dấu hiệu sinh non nên mình càng lo lắng hơn”, chị Huyền nhớ lại.

Nỗi lo của chị Huyền đã thành hiện thực. Con gái chị sinh ra khi bé được 27 tuần thai, chỉ nặng 800g, bé xíu. Ngay lập tức, bé được áp dụng phương pháp “cái ôm đầu tiên” (hay “da kề da”, “phương pháp kangaroo”). Bé sinh non tháng, mọi phản xạ đều không có, phải thở máy, không biết ăn, không biết mút, phải nuôi bằng tĩnh mạch. “Lần đầu tiên mình biết tới kỹ thuật chăm sóc da kề da này. Phải nói là rất tuyệt vời. Mình ôm con mà quên cả lo lắng, đau đớn. Mình cứ lo bé sinh non, là con gái sẽ khó nuôi, con lại yếu, khó thở nên mình chỉ lo con bị làm sao. Cứ một lúc, mình lại kiểm tra xem con thế nào. Mệt mỏi, lo lắng nhưng nhìn con yêu nằm trên ngực, thật hạnh phúc”, người mẹ trẻ chia sẻ.

Sau 2 tháng chào đời, bé được 35 tuần (tính theo thời kỳ mang thai) nặng 1,5kg. Bé đã tăng 700g nhưng vẫn nhỏ xíu. Làn da nhăn nheo, đôi mắt nhắm nghiền ngủ ngon lành trên ngực mẹ, cái miệng thi thoảng chép chép thèm ăn. Hai tay mẹ đặt trên lưng bé vuốt nhẹ, đôi mắt chị Huyền chẳng muốn rời con. Giờ bé đã có phản xạ biết bú mẹ, không “bắt” mẹ phải vắt sữa bón từng thìa nữa. Mỗi bữa, bé đã uống được 25-30ml sữa, tự thở được. Tuy chỉ có mắt hơi kém do sinh non, đang được các bác sĩ chăm sóc.

1bv.jpg
Bác sĩ hướng dẫn anh Thiện thực hiện phương pháp da kề da cho con gái

Chị Huyền bảo, bé được ôm 24/24, hết bố đến mẹ thay nhau ấp con. Tuy vất vả nhưng hạnh phúc lắm. Bé vậy mà rất háu ăn, đói bụng sẽ cựa quậy, cọ cọ vào ngực mẹ. Mỗi bữa bé ăn được chút sữa. Ăn no thì lại ngủ yên trên ngực bố/mẹ. 

Gian nan chẳng từ

Vợ chồng chị Huyền kinh tế vốn chẳng dư giả, chị Huyền ở nhà nội trợ, anh Thiện làm công nhân. Trong ký ức của 2 vợ chồng, hành trình chạy chữa “tìm con” rất vất vả, giờ hạnh phúc có con đã xua tan bao nhọc nhằn. Sau mỗi giờ tan ca, anh Thiện lại vội vã vào thăm vợ con, ấp con giúp vợ. Dù bé chưa hiểu được lời cha mẹ nhưng anh Thiện vẫn trò chuyện cùng con, hỏi xem bé muốn gì, có đói không. Mỗi lần chia tay con, anh lại hát bài “Bố ơi, mình đi đâu thế” cho con nghe và chọc rằng: “Bố hay đi lang thang con gái nhỉ!”. Chỉ cần được chồng động viên bằng tinh thần, chị Huyền càng có thêm sức lực chăm con.

Nằm cả ngày, lại không được ngủ đủ giấc nhiều lúc cũng đau mỏi nhưng chị Huyền thường quên đi mỏi mệt để miễn sao con được khỏe. Mỗi ngày bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho con, thông báo bé tốt lên, đã ăn thêm được chút sữa, lại giúp chị thêm động lực. “Với bé sinh thường chăm sóc đã khó, con mình lại sinh non, cần chế độ chăm sóc đặc biệt. Bế con, thay quần áo, lau mặt... mọi thứ phải nhẹ nhàng bởi con quá bé, da non nhạy cảm”, chị Huyền vừa chăm sóc con, vừa trải lòng.

2bv.jpg
Ảnh bé sinh non đã nặng 1,5kg và chuẩn bị được xuất viện

Trong phòng có những bé sinh non nhưng nặng hơn con của chị. Chỉ vài tuần ở viện dùng phương pháp kangaroo, nhiều bé đã khá lên và được xuất viện. Chị Huyền cũng hy vọng con mình sẽ khá lên như các bạn. Hơn 2 tháng nằm tại khoa Sơ sinh (Bệnh viện Sản-Nhi Quảng Ninh), dự kiến mẹ con chị Huyền sẽ được xuất viện sớm. Sau khi xuất viện, các bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi cho bé 2 tuần/lần. Dù về nhà nhưng chị Huyền tiếp tục ấp con bằng phương pháp “da kề da” cho đến khi bé nặng 2,5kg.

Thời gian để bé khỏe mạnh, tăng cân còn khá dài và còn nhiều vất vả, song vợ chồng chị Huyền chia sẻ, gian nan đến mấy, anh chị cũng không ngại và cố gắng vượt qua để con được khỏe mạnh.

box-bs.jpg

Bác sĩ Nguyễn Thu Hà (Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Sản-Nhi Quảng Ninh)

Kỹ thuật da kề da triển khai tại khoa Sơ sinh của Bệnh viện đã cứu sống nhiều trẻ sinh non. Ca sinh nhỏ nhất mà khoa từng điều trị thành công nặng 650g. Thực hiện phương pháp “da kề da” ngay sau khi sinh mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ, đặc biệt là trẻ sinh non, nhẹ cân; giúp hô hấp ổn định, bé bú mẹ tốt, ổn định thân nhiệt, hấp thu dinh dưỡng tốt, tăng tình cảm mẹ và con, giảm các hỗ trợ y tế cho bé.

Với trẻ sinh non, nhẹ cân, khi thực hiện da kề da, trẻ được giữ ấm, giảm nguy cơ hạ thân nhiệt, giảm cơn ngừng thở sinh lý, ổn định nhịp thở, nhịp tim, giúp bé bú mẹ sớm, tăng cân nhanh, giảm mắc bệnh và tử vong. Phương pháp này giúp người mẹ tiết sữa, thiết lập mối quan hệ gắn bó giữa mẹ và con, tạo sự thoải mái về tinh thần, giảm lo âu, căng thẳng.

Thực hiện phương pháp da kề da sẽ hiệu quả hơn nếu sản phụ tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt đối với những bé sinh non quá nhẹ cân, yếu sức. Rất nhiều trẻ đã hồi phục nhanh chóng, ít có biến chứng, phát triển cân bằng về thể lực và trí não, tương đương như các trẻ khỏe mạnh khác. Không chỉ sản phụ có thể áp dụng phương pháp da kề da mà người thân hay bố của bé cũng có thể ôm ấp con khi thực hiện phương pháp này. Có những ông bố mỗi lần áp con vào ngực, được ngắm nhìn con, vuốt ve cho con đã trào nước mắt vì xúc động.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm