pnvnonline@phunuvietnam.vn
Quỳnh Phụ, Thái Bình: Làng quê “thay da đổi thịt” nhờ phong trào xây dựng nếp sống văn minh
Làng quê ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, ngày càng giàu đẹp, văn minh
Trên tuyến đường làng, ngõ xóm ở xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ luôn khang trang sạch sẽ, đêm đêm điện đường sáng bừng như cảnh phố phường. Không chỉ đẹp về diện mạo, vững về kinh tế, điều đáng mừng nữa là đời sống văn hóa nông thôn ở xã Quỳnh Hồng nói riêng và các địa phương khác trong huyện Quỳnh Phụ vẫn đậm đà bản sắc, nhiều thuần phong mỹ tục được khơi dậy, nhiều chuẩn mực văn hóa mới được bồi đắp, tình nghĩa xóm làng vẫn trọn vẹn, thủy chung và gắn kết hơn.
Bà Nguyễn Thị Dương, ở xã Quỳnh Hồng, cho biết: “Từ nhiều năm nay, người dân chúng tôi luôn chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phấn đấu xây dựng nếp sống văn mình, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Hàng tháng, các cấp hội đoàn thể huy động người dân đi dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm để bảo vệ môi trường sống trong lành. Các gia đình trong thôn xóm luôn luôn hưởng ứng và thực hiện rất tốt các chủ trương trên”.
Đời sống kinh tế khá giả lên, ngoài việc chú trọng gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, người dân lại tích cực hoạt động phong trào tập luyện thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe. Vào những buổi chiều tối, sau giờ lao động, cả nam và nữ lại tụ tập đánh cầu lông, bóng chuyền hơi nhộn nhịp, thể hiện tinh thần đoàn kết gắn bó trong cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Sơn, ở xã Quỳnh Hồng, cho biết: “Hiện nay phong trào thể dục thể thao ở các địa phương trong tỉnh đều được duy trì tốt, chiều đến là mọi người đều tụ tập về các nhà văn hóa để tham gia chơi thể thao. Việc này không những giúp nâng cao sức khỏe, mà còn góp phần tăng tính đoàn kết gắn bó trong cộng đồng. Đây là một trong những tiêu chí xây dựng nếp sống văn minh mà người dân luôn đồng tình hưởng ứng”.
Đối với đồng bào công giáo ở xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ, phong trào xây dựng nếp sống văn minh cũng được đẩy mạnh, tạo thành phong trào mạnh trong cộng đồng.
Các hộ gia đình công giáo ở xã Quỳnh Hoa cũng tích cực thi đua lao động sản xuất, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm giàu bền vững, các hộ gia đình giáo dân đăng ký thi đua thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; tích cực xây dựng "Xứ, họ đạo 4 gương mẫu". Tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài, đẩy mạnh phong trào xã hội học tập; tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Các công trình tôn giáo tín ngưỡng được đầu tư tôn tạo khang trang
Ông Nguyễn Văn Hải, người dân Công giáo ở xã Quỳnh Hoa, cho biết: “Với tấm lòng kính Chúa yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo, đồng bào Công giáo ở địa phương chúng tôi luôn đồng lòng thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng nếp sống văn minh, tăng tình đoàn kết gắn bó trong toàn cộng đồng”.
Ông Nguyễn Văn Hải, cựu chiến binh ở thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ, chia sẻ: “Có thể nói những năm qua, không chỉ riêng xã Quỳnh Hồng, mà ở nhiều xã trong huyện Quỳnh Phụ và thậm chí là trên khắp các miền quê của tỉnh Thái Bình, phong trào xây dựng nếp sống văn minh đang diễn ra sôi nổi, lan tỏa rộng khắp vào từng ngõ xóm, khu dân cư, mỗi hộ gia đình. Đây là chủ trương, chính sách rất hợp lòng dân của Đảng, Nhà nước, nên người dân đồng tình ủng hộ, hết mình thi đua thực hiện, từ đó góp phần xây dựng, làm đẹp cho quê hương mình”.
Những cánh đồng trù phú
Đánh giá về hiệu quả của phong trào xây dựng nếp sống mới ở địa phương, ông Vũ Đăng Đông, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hồng, cho biết: Những năm qua, xã Quỳnh Hồng luôn được đánh giá là một trong những địa phương tích cực thực hiện xây dựng đời sống văn hóa. Trong đó, nhiều truyền thống tốt đẹp được gìn giữ, phát huy, lối sống mới từng bước được hình thành; nhiều giá trị văn hóa được gìn giữ và phát huy giá trị; các thiết chế văn hóa - thể thao được quan tâm đầu tư xây dựng. Hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng phát triển; việc cưới, việc tang và lễ hội được thực hiện theo đúng quy định; diện mạo, cảnh quan môi trường nông thôn khởi sắc, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan được đẩy lùi.
Những kết quả của phong trào đã góp phần tích cực xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.