Ra mắt Tủ sách Văn chương & Mỹ thuật

Minh Anh
08/12/2021 - 18:31
Ra mắt Tủ sách Văn chương & Mỹ thuật

Tác phẩm "Thương nhớ mười hai" thuộc Tủ sách "Văn chương & Mỹ thuật"

Tủ sách Văn chương & Mỹ thuật là sự kết hợp giữa tác phẩm văn học và minh họa mới của các họa sĩ Việt Nam đương đại.

Vào ngày 11/12/2021, tại sân khấu A, đường sách Nguyễn Văn Bình (TP HCM) sẽ diễn ra buổi giao lưu Ra mắt tủ sách Văn chương & Mỹ thuật do Đông A thực hiện. Tham dự chương trình có PGS.TS Văn học Võ Văn Nhơn, họa sĩ Duy Hưng, biên tập viên Đạt Nhân. Đảm nhận vai trò dẫn dắt sự kiện là MC, nhà báo Phương Huyền.

Tủ sách Văn chương & Mỹ thuật được thực hiện với mong muốn đưa đến bạn đọc các ấn phẩm trang nhã, đẹp mắt, không những đáp ứng niềm vui đọc sách mà còn thỏa mãn nhu cầu thưởng thức hội họa. Các ấn phẩm trong tủ sách sẽ là sự kết hợp giữa tác phẩm văn học và minh họa mới của các họa sĩ Việt Nam đương đại.

Tác phẩm văn học lựa chọn đưa vào tủ sách là các danh tác đã khẳng định giá trị qua thời gian, mà trước hết sẽ là những tác phẩm của tác giả Việt. Đại diện Đông A cho biết: Về phần văn bản, nếu có thể, Đông A cố gắng tìm tòi và giới thiệu các văn bản sớm nhất của tác phẩm trong trường hợp tác phẩm xuất bản đã lâu.

"Việc này khá cầu kỳ, công phu, chỉ với một mục đích duy nhất là giúp bạn đọc có cơ hội tiếp cận tác giả ở một góc nhìn gần hơn, nhất là khi nhiều ấn phẩm có thể đã thất lạc do chiến tranh, hoặc qua nhiều chỉnh sửa của thế hệ sau", đại diện của Đông A chia sẻ.

Mỗi cuốn sách trong Tủ sách Văn chương & Mỹ thuật được minh họa xuyên suốt bởi một họa sĩ Việt Nam đương đại. Bằng việc mời các họa sĩ hợp tác, Đông A muốn mỗi ấn phẩm đến tay bạn đọc luôn trọn vẹn cả về hình thức và nội dung, chạm đến và nâng lên những cảm xúc đẹp đẽ trong bạn đối với nghệ thuật nói chung, văn chương và mỹ thuật Việt Nam nói riêng.

Tại buổi ra mắt, 2 ấn phẩm đầu tiên trong Tủ sách Văn chương & Mỹ thuật cũng được giới thiệu với độc giả. Đó là cuốn Thương nhớ mười hai Bỉ vỏ.

Minh họa trong cuốn "Thương nhớ mười hai" được họa sĩ Duy Hưng dựa trên cảm hứng từ tranh lụa Việt Nam đầu thế kỷ XX

Minh họa trong cuốn "Thương nhớ mười hai" được họa sĩ Duy Hưng dựa trên cảm hứng từ tranh lụa Việt Nam đầu thế kỷ XX

Thương nhớ mười hai là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn Vũ Bằng. Trong cuốn sách, Vũ Bằng viết về "mười hai cuộc đổi thay tiết trời, mười hai sự rung động uyển chuyển của năm tháng, của chim muông, của sắc đẹp, của hoa lá, của thương yêu, tình tứ". Không chỉ đầy ắp những cảnh, những tình đắm đuối thiết tha, không chỉ duyên dáng và ý nhị kể biết bao câu chuyện về ẩm thực, thú vui, phong tục của miền Bắc, tùy bút này còn là một điển hình cho phong cách Vũ Bằng, đặc biệt với việc sử dụng câu từ tiếng Việt trong sáng, uyển chuyển, đầy nhạc tính.

Về văn bản, Đông A sử dụng phần văn bản từ cuốn Thương nhớ mười hai in lần đầu năm 1972 của NXB Nguyễn Đình Vượng, được bổ sung minh họa cho cả 13 chương. Minh họa trong sách được thực hiện bởi họa sĩ trẻ Duy Hưng, dựa trên cảm hứng từ tranh lụa Việt Nam đầu thế kỷ XX của các danh họa nổi tiếng như Lê Phổ, Mai Trung Thứ…

Tác phẩm "Bỉ vỏ" do Hoàng Phượng Vỹ minh họa

Tác phẩm "Bỉ vỏ" do Hoàng Phượng Vỹ minh họa

Cuốn Bỉ vỏ là tiểu thuyết đầu tay, cũng là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Nguyên Hồng. Tác phẩm kể câu chuyện cuộc đời Tám Bính, một gái quê với tâm hồn trong sáng và hướng thiện, từng bước bị xã hội đương thời dìm xuống trong đau khổ và khinh khi, bẻ gãy nhân cách cho đến ngày không còn có thể cứu vãn. Tác phẩm đã thành công trong việc phơi bày hiện thực xã hội đầy nghiệt ngã và sớm báo hiệu một tài năng văn chương nơi nhà văn trẻ Nguyên Hồng khi đó.

Ấn phẩm Bỉ vỏ do Đông A ấn hành có phần văn bản sử dụng từ bản in lần đầu năm 1938 của NXB Đời nay, được biên tập chỉnh lý theo quy tắc chính tả hiện hành. Sách bổ sung minh họa của họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ (con trai nhà thơ Hoàng Trung Thông). Họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ vẽ minh họa cho Bỉ vỏ không chỉ từ cảm nhận cá nhân trước tác phẩm, mà còn từ những ký ức và niềm cảm mến, trân trọng với nhà văn Nguyên Hồng - một người bạn quý của cha ông.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm