Hỏi: Tôi có nhà ở mặt tiền đường xa lộ từ TP.HCM đi TP.Biên Hòa tỉnh Đồng Nai thường xuyên thấy một số thanh niên rải đinh trên xa lộ này cứ khoảng 500 đến 700 m lại có một điểm sửa xe bên vệ đường, mỗi lần người tham gia giao thông bị dính đinh phải dắt bộ đến điểm sửa xe của chúng thì bị chúng tính giá chặt chém ép buộc các nạn nhân phải sử dụng phụ tùng thay thế của chúng. Xin hỏi báo PNVN các quy định xử lý những đối tượng này ra sao? Cơ quan nào xử lý?
Máy hút đinh chống nạn rải đinh trên quốc lộ. Nguồn ảnh: zing.vn |
Trả lời:
Thực tế cho thấy ở nhiều địa phương, hành vi rải đinh làm cho người điều khiển phương tiện giao thông bị thủng ruột xe, phải vá, thay ruột xe với giá “cắt cổ” đã bị phát hiện nhưng đa số chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính do thiệt hại dưới mức hai triệu đồng. Vì thế, người thực hiện hành vi trái pháp luật tỏ ra bất chấp, coi thường pháp luật, không hề lo lắng, sợ sệt, “nhờn luật”.
Ở góc độ hình sự, tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” điều 143 Bộ luật Hình sự có thể áp dụng với hành vi rải đinh gây thiệt hại nặng về tài sản của người khác (“đinh tặc”).
“Điều 143. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
- Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; c) Gây hậu quả nghiêm trọng; d) Để che giấu tội phạm khác; đ) Vì lý do công vụ của người bị hại; e) Tái phạm nguy hiểm; g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Để giải quyết nạn đinh tặc, chúng ta cần có nhiều biện pháp đồng bộ từ chính quyền địa phương đến từng hộ dân sinh sống tại địa phương nơi xảy ra vụ việc. Cần chú trọng phát huy ý thức pháp luật cho từng cá nhân như tố giác, đấu tranh các hành vi sai trái; cần khen thưởng người báo tin, phát hiện những người rải đinh; huy động đoàn thanh niên tham gia vào phong trào chống tệ nạn đinh tặc; tẩy chay nơi vá, sửa xe giá “cắt cổ”, chèn ép khách...
Luật sư, Trọng tài viên Hà Huy Từ, Công ty Luật Hà Huy
Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật. Chuyên mục được thực hiện với sự cộng tác của Công ty Luật Hà Huy –Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.