Rắn bò vào nhà cắn người nguy kịch

08/08/2016 - 11:24
Bị rắn cạp nia bò vào nhà cắn, tính mạng anh Trần Thanh N., 38 tuổi, ở Hải Dương, đang nguy kịch.
Sau 1 tuần vào cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai (Hà Nội), anh N. vẫn hôn mê, phải thở máy. Người nhà đang chăm sóc cho anh N. chia sẻ, đêm 1/8 trời khá nóng nên gia đình đóng kín cửa bật điều hoà. Anh N. nằm dưới đất, vợ và 2 con nằm trên giường. Đến sáng, anh N. khó nói, họng đau, nuốt khó, người mệt… Nằm cạnh anh N. là con rắn cạp nia to bằng đầu ngón tay út đã bị người anh N. đè vào chết. Ngôi nhà có một tầng, phía sau nhà có ao nhỏ. Cả nhà không rõ anh N. bị rắn cắn lúc nào, vội đưa anh đi cấp cứu tại BV địa phương rồi chuyển lên BV Bạch Mai.
ran-can.jpg
Anh N. đang nguy kịch, phải thở máy sau khi bị rắn cắn 
Trao đổi với phóng viên, BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho hay, anh N. vào cấp cứu trong tình trạng liệt cơ hô hấp phải mở khí quản, thở máy. Nếu bệnh nhân qua thời điểm nguy hiểm sẽ phải mất thời gian dài hồi phục. Các bác sĩ đang điều trị tích cực cho bệnh nhân.

Cũng theo BS Nguyên, thời điểm này số ca bị rắn cắn có xu hướng gia tăng. Sai lầm lớn nhất của nạn nhân khi bị rắn cắn là áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu, chỉ đến khi có các biểu hiện của suy hô hấp (tím tái, co cơ, khó thở…) mới đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế. Người bệnh chỉ nên sơ cứu tại nhà còn việc điều trị nhất định phải tới cơ sở y tế.
 
“Sau khi bị rắn độc cắn, cần sơ cứu đúng cách với mục đích làm cho nọc độc của rắn từ vết cắn xâm nhập vào trong cơ thể chậm hơn và ít hơn, sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế”, BS Nguyên khuyến cáo.

Ngay cả việc sơ cứu tại nhà thường không được thực hiện đúng cách, người bị rắn cắn thường rơi vào tình trạng nặng do sai lầm là buộc dây thắt chặn ở tay, chân (nếu bị cắn ở vị trí này), để hạn chế nọc độc về tim. Đây là phương pháp dễ dẫn đến hậu quả xấu, nếu buộc quá chặt, có thể hoại tử phần bị buộc. Sai lầm kế tiếp là tìm đến thầy lang nặn máu và đắp lá thuốc. Nếu đắp tại vết cắn, dễ gây nhiễm trùng thêm; còn uống có thể gây hại cho nạn nhân. Không bàn đến lá thuốc, song các bác sĩ cho rằng rạch vết thương dễ dẫn đến chảy máu không thể cầm và nhiễm trùng máu. Không ít người vì biến chứng này mà tử vong.

Vì thế, nếu bị rắn độc cắn, cần buộc garô trên vết cắn khoảng từ 3-5cm. Vùng được garô nên thắt chặt vừa phải, không nên thắt chặt quá và không nên garô quá 30 phút; rạch nhẹ vết cắn, rồi nặn máu độc ra ngoài, rửa sạch vết cắn, sau đó tới các cơ sở y tế gần nhất để được xử lý.

"Nếu rắn đã chết hoặc bắt được rắn phải đem cùng với bệnh nhân đến BV để bác sĩ nhận dạng, phục vụ tốt hơn cho công tác điều trị", BS Nguyên cho biết thêm. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm