Rất hiếm người lập kế hoạch chi tiêu

06/09/2016 - 17:01
Mặc dù có nhà riêng, có ô tô, nhưng đến Hội thảo 'Giúp trẻ quản lý đồng tiền đầu tiên', chị Ngọc Loan (Hải Phòng) vẫn không khỏi tiếc nuối: Giá như chị biết lập kế hoạch chi tiêu sớm thì con chị đã có cơ hội đi du học...
img_5002-sua.jpg
Hội thảo 'Giúp trẻ quản lý đồng tiền đầu tiên' do Báo Phụ nữ Việt Nam, Hội LHPN Hải Phòng phối hợp với Công ty Tài chính Home Credit tổ chức thu hút đông đảo chị em và các con tại các quận của thành phố tham dự

Xác định mục tiêu để không “phá sản” ước mơ

Trao đổi với cán bộ, hội viên, phụ nữ dự Hội thảo “Giúp trẻ quản lý đồng tiền đầu tiên”, chị Phạm Hải Yến, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hải Phòng, cho biết, trong tổ chức cuộc sống, nhiều người còn chưa biết lập kế hoạch chi tiêu hoặc có lập kế hoạch nhưng lập thế nào và thực hiện kế hoạch ra sao vẫn là vấn đề cần phải bàn.

Với chị em ở thành phố, đặc biệt là thành phố cảng như Hải Phòng, cơ hội kiếm nhiều tiền để làm giàu thì không dễ nhưng để có mức thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng thì hoàn toàn có thể. Bởi ngoài việc buôn bán, kinh doanh, chị em còn có nhiều việc làm thêm để tăng thu nhập. Thế nhưng, nhiều chị khi đã ở tuổi ngấp nghé 50 (không còn độ tuổi vàng về thu nhập và khi tuổi già đã xầm xập kéo về) mới giật mình tiếc nuối: Giá như mình biết tiết kiệm sớm, giá như mình biết lập kế hoạch chi tiêu sớm… thì cuộc sống mình đã thay đổi.

Theo chuyên gia Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển doanh nghiệp nông thôn Việt (VietED), thì trong cuộc đời, ai cũng có mục tiêu và ước mơ. Nhưng mục tiêu và ước mơ của mỗi người lại khác nhau. Thông thường, người có thu nhập cao bao giờ cũng có mục tiêu và ước mơ lớn hơn nhiều so với người có thu nhập trung bình và thấp. Họ có mục tiêu mua biệt thự, nhà đắt tiền, tậu đất, xe sang, cho con du học... Người trẻ công chức mới xây dựng gia đình có ước mơ mua căn hộ chung cư hay có quỹ để ổn định cuộc sống. Người có thu nhập thấp mong ước được mua nhà ở xã hội bằng việc mua trả góp, mua đồ gia dụng như TV, máy giặt, tủ lạnh… Để thực hiện được điều đó, tất cả đều buộc phải học tiết kiệm.

img_5049-sua.jpg
Chuyên gia Nguyễn Thanh Hà (thứ ba từ phải) trao đổi với các mẹ và con về nhiều vấn đề được quan tâm tại Hội thảo

Lập kế hoạch tài chính

Muốn tiết kiệm được thì mỗi gia đình cần có kế hoạch tài chính. Chẳng hạn muốn mua 1 căn hộ chung cư, phải lập kế hoạch với số tiền bằng trị giá căn hộ, khoảng thời gian thực hiện: 3-5-7 năm hoặc nhiều năm hơn. Lấy tổng số tiền chia cho các năm để ra con số tiết kiệm tối thiểu. Số tiền mỗi năm lại chia cho các tháng, thậm chí chi tiết tới từng tuần. Từ đó sẽ huy động sự tham gia của tất cả các thành viên trong gia đình bằng cách chi tiêu tiết kiệm và sử dụng điện, nước, gas, điện thoại, dịch vụ internet… tiết kiệm.

Sau một thời gian, căn cứ vào tình hình thực tế sẽ rà soát, đánh giá, nếu có dư hơn sẽ thay đổi mục tiêu để đạt được kết quả sớm hơn.

Đề phòng rủi ro

Chuyên gia Nguyễn Thanh Hà cho rằng khi xây dựng kế hoạch phải luôn tính đến yếu tố đạt, vượt, không đạt kế hoạch và đặc biệt phải tính đến yếu tố rủi ro như ốm đau, hoạn nạn. Vì vậy, để tránh rủi ro thông thường phải có sản phẩm khác như có thể tham gia một loại hình bảo hiểm phù hợp với khả năng của mỗi người. Trường hợp rủi ro ngoài bảo hiểm thì nghiên cứu vay vốn cần thiết để đầu tư, lập kế hoạch phát triển kinh tế.

Thu nhập - tiết kiệm = Chi tiêu là công thức vô cùng đơn giản nhưng không phải ai cũng biết. Hầu hết chị em theo lối nghĩ truyền thống là chi tiêu trước, còn thừa mới để dành tiết kiệm. Vì thế, kế hoạch tiết kiệm, kế hoạch chi tiêu, kế hoạch mua sắm và kế hoạch để thực hiện các ước mơ trong cuộc đời của mỗi cá nhân và gia đình thường bị phá sản.

Tiết kiệm là một hình thức thanh khoản cao, có thể thanh toán bất kỳ lúc nào. Bất cứ ai có một khoản thu nhập đều có thể tham gia các hình thức tiết kiệm: Tiết kiệm dài hạn, ngắn hạn.

Để thực hành tiết kiệm hiệu quả, bạn có thể xác định số tiền tiết kiệm tối thiểu cho từng tuần, tháng, quý và bằng số chẵn cho dễ nhớ. Hiện có hình thức tiết kiệm thuận tiện, dễ sử dụng, giao dịch qua điện thoại thông minh (mobipayment), đó là tiết kiệm online.

Có nên cho con tiền tiêu sớm hay làm thế nào để giúp con biết quản lý chi tiêu cá nhân và giúp con tham gia chi tiêu cùng gia đình, biết tiết kiệm để tổ chức cuộc sống, hướng đến việc đầu tư, kinh doanh, tự lập cuộc sống… là những vấn đề hiện được rất nhiều ông bố, bà mẹ quan tâm, trăn trở. Để giúp các ông bố, bà mẹ hiểu hơn về vấn đề này, cuối tháng 8 vừa qua, Báo PNVN, Hội LHPN thành phố Hải Phòng, Công ty Tài chính Home Credit đã tổ chức Hội thảo “Giúp trẻ quản lý đồng tiền đầu tiên” với sự tham gia của 150 bà mẹ và các bé từ độ tuổi tiểu học trở lên tại thành phố Hải Phòng. Tại đây, có rất nhiều câu hỏi băn khoăn và nhiều câu chuyện được chia sẻ.

Dưới đây là một số ý kiến chia sẻ:

img_5039-sua.jpg
Rất nhiều mẹ và các bé mong muốn được hỏi và chia sẻ tại Hội thảo
img_5076-sua.jpg
Nghệ sĩ Hương Huế (Vũ Thị Huế - Đoàn chèo Hải Phòng) cùng con gái đến giao lưu và chia sẻ tại Hội thảo
img_5014-sua.jpg
Nhiều bé nhận thức về chi tiêu khá tốt khiến các mẹ ngỡ ngàng
Nhiều chị em chưa biết chi tiêu một cách khoa học, hợp lý, đặc biệt thể hiện ở cách chi tiêu không có kế hoạch ngắn hạn, dài hạn. Vì thế không cân đối được nguồn thu, nguồn chi, nhiều khi là cán cân thu - chi không cân đối, phải đi vay bù lại khoản chi tiêu hay là nợ. Các khoản chi tiêu thường không được ghi chép lại, kể cả với những người kinh doanh. Điều đó dẫn đến chi tiêu không khoa học, không hiệu quả.

Để việc chi tiêu hiệu quả, theo tôi, mỗi gia đình nên có kế hoạch, cả dài hạn và ngắn hạn. Ví dụ, để lập kế hoạch cho 1 năm thì cần xác định có những khoản thu gì, chi gì, từ đó chi tiết cho từng tháng, tuần, thậm chí là từng ngày. Việc ghi chép hiện nay thuận tiện hơn trước rất nhiều do ứng dụng công nghệ thông tin bằng ghi chép điện tử thông qua điện thoại thông minh.

Mỗi người cần phải biết tính toán, tiết kiệm, đặc biệt là với phụ nữ - những người giữ tay hòm chìa khóa. Lời khuyên cho chị em là tiết kiệm trước khi chi tiêu. Phương thức này đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới. Trong thực tiễn, tôi đã thực hiện những dự án ở nông thôn. Có những vùng quê rất nghèo nhưng ai cũng có sổ tiết kiệm. Khi đã tiết kiệm được những đồng tiền đầu tiên, dù là số vốn rất nhỏ nhưng đó là tiền đề, động lực để họ nỗ lực vượt khó, tính toán, đầu tư làm ăn để có số tiền tiết kiệm lớn hơn. Không những tự tiết kiệm mà nhiều chị em còn dạy con cách quản lý chi tiêu càng sớm càng tốt để trẻ hiểu được giá trị đồng tiền, giá trị sức lao động, từ đó quản lý đồng tiền hiệu quả và tổ chức cuộc sống tốt hơn.
                                          Chuyên gia Nguyễn Thanh Hà

* Thực ra với phụ nữ, cách hiểu truyền thống trước đây là chi tiêu xong còn thừa mới tiết kiệm. Nhưng nếu làm như vậy thì rất khó để tiết kiệm hoặc có tiết kiệm nhưng không được bao nhiêu. Nhưng để thay đổi cách làm này của chị em cũng không dễ. Và ngay cả khi đã lập kế hoạch chi tiêu nhưng việc thực hiện kế hoạch có hiệu quả hay không là câu chuyện cần phải bàn. Vì vậy, thời gian tới, Hội LHPN hướng tới là hướng dẫn giúp chị em tiết kiệm trước khi chi tiêu và giúp chị em lập kế hoạch và triển khai thực hiện kế hoạch hiệu quả. Đồng thời chị em cũng cần học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để áp dụng một cách phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình.

             Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hải Phòng Phạm Hải Yến

Trong trường hợp bạn có nhu cầu vay vốn để thực hiện kế hoạch tài chính của mình, theo chị Hoàng Anh Phương, phụ trách truyền thông Công ty Tài chính Home Credit, trước khi ký hợp đồng, bạn nên đề nghị nhân viên tư vấn tài chính làm rõ những câu hỏi sau:

- Ngoài lãi suất, tôi còn phải trả thêm những khoản phí nào khác?

- Số tiền trả góp hàng tháng là bao nhiêu? Ngày trả góp hàng tháng là ngày nào?

- Chuyện gì xảy ra nếu tôi trả góp hàng tháng trễ hạn so với ngày quy định trên hợp đồng?

- Trong quá trình trả góp nếu muốn thanh toán trước kì hạn trả thì cần những thủ tục nào và số tiền cần thanh toán lúc đó sẽ được tính ra sao?

- Trong trường hợp tôi không có khả năng thanh toán khoản vay của mình thì sao?

- Trách nhiệm của công ty đối với tôi là gì? Nếu công ty không hoàn thành đúng trách nhiệm đối với khách hàng thì sao?

 Bí quyết kiểm soát nợ

- Lập danh sách các khoản nợ, các khoản thanh toán và ngày thanh toán.

- Cố gắng sử dụng tiền mặt để thanh toán các khoản nợ lớn trước.

- Dành riêng một khoản tiết kiệm cho việc trả nợ.

- Cân đối chi tiêu các khoản có thể để dành cho việc trả nợ.

- Không nên cùng lúc vay nhiều khoản vay khác nhau dẫn đến mất khả năng chi trả cho các khoản vay.

img_5095-sua.jpg
Hầu hết các bé đến dự Hội thảo đều mong muốn được trao quyền chi tiêu cá nhân và được trải nghiệm tham gia chi tiêu, quản lý chi tiêu và tiết kiệm cùng gia đình để sau này sớm tự lập và biết cách tổ chức cuộc sống

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm