Ráy tai nhiều có thể khiến trẻ chậm nói

05/01/2017 - 17:14
Ráy tai có thể tự đẩy ra ngoài theo cơ chế tự nhiên. Tuy nhiên, các mẹ nên biết, có những trường hợp ráy tai đọng và đóng két trong tai, đến một thời điểm nào đó, nếu bị bội nhiễm hoặc ráy tai quá nhiều sẽ sinh bệnh, thậm chí khiến trẻ chậm nói.
Theo bác sĩ Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai, Hà Nội, tai có rất nhiều chất nhờn để ngăn bụi lọt vào bên trong. Tuy nhiên, nếu tai trẻ em không được vệ sinh tốt thì hỗn hợp chất nhờn và bụi này bám, đọng và đóng két trong tai trẻ, khó lấy được ra ngoài. Đến một thời điểm nào đó, nếu bị bội nhiễm hoặc ráy tai quá nhiều, sẽ khiến cho tai trẻ mắc bệnh. Ráy tai đóng lại, gây bít, tắc lỗ tai.
1.jpg
Ráy tai đóng bánh bít kín lỗ tai của 1 em bé
Bác sĩ Lương Quốc Chính cho biết, bản thân ráy tai có nhiệm vụ bảo vệ cho ống tai khỏi bị tổn thương. Khi ráy tai được đẩy ra ngoài sẽ mang theo bụi bẩn và vi khuẩn. Nếu không có ráy tai, ống tai sẽ bị khô, ngứa và dễ bị nhiễm trùng.

Không phải trường hợp nào cũng phải lấy ráy tai bởi ráy tai có 3 dạng là ướt, khô và cứng. Với ráy ướt, việc vệ sinh đơn giản. Nhưng ráy khô và cứng sẽ khó hơn. Tuy nhiên, những chuyển động của hàm như ăn uống, nói chuyện, vận động là động tác tự đẩy ráy tai ra phía ngoài. Với trường hợp ráy không ra được, khi bị nút ráy tai, trẻ thường có những biểu hiện như ngứa tai, ù tai, nghe kém, khó chịu và luôn có hành động kéo tai, ngoáy tai bằng tay.
tai1.jpg
Đã lâu không được lấy ráy tai khiến em bé sợ khi bác sĩ vệ sinh tai
Bác sĩ Trần Thu Thủy, khoa Khám bệnh, BV Nhi Trung ương, tư vấn thêm: Trong trường hợp ráy khô, cứng, người lớn thường dùng bông để ngoáy tai nhưng lại vô tình đẩy ráy tai càng lúc càng sâu hơn, khiến trẻ khó chịu hơn. Khi thấy trẻ bị ráy tai che kín mà không lấy ra được, cộng thêm với việc trẻ kêu đau, ngoáy tai bằng tay nhiều, người lớn cần đưa trẻ đi bác sĩ chuyên khoa kiểm tra cụ thể. Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ có hướng xử lý.

Nhiều người nhầm tưởng rằng cần loại bỏ ráy tai hàng ngày như một biện pháp vệ sinh thân thể. Thực tế không phải như vậy, bình thường cha mẹ không cần làm vệ sinh ống tai cho bé. Trong đa số trường hợp, ống tai ngoài sẽ tự làm sạch. 
tai.jpg
Ráy tai đóng bánh khiến bác sĩ khá mất công khi làm vệ sinh
Cũng theo bác sĩ Trần Thu Thuỷ, ráy tai chỉ thực sự gây rắc rối trong 2 trường hợp: Tích tụ quá nhiều, cản trở việc quan sát màng nhĩ của bác sĩ trong lúc thăm khám và gây tắc nghẽn hoàn toàn ống tai ngoài. Lúc này, thính lực của trẻ có thể bị giảm. Cảm giác tắc nghẽn hoặc giảm thính lực có thể tăng sau khi trẻ tắm hoặc bơi, do nút ráy tai gặp nước trương to lên. Trường hợp nút ráy tai che lấp toàn bộ màng nhĩ, trẻ có thể mất khả năng nghe tạm thời. Với trẻ nhỏ đang trong giai đoạn học nói, nút ráy tai để quá lâu có thể khiến bé chậm nói.

Với trẻ em, cách an toàn nhất khi xử lý ráy tai là dùng thuốc (thuốc do bác sĩ kê) nhỏ vài giọt vào mỗi bên tai, ráy tai sẽ nở ra, mềm ra rất dễ dàng cho việc lấy ra. Trong trường hợp ráy tai cứng, khó lấy nên đưa trẻ đến bác sĩ xử lý. Người lớn không cố lấy ráy tai bằng những vật sắc, nhọn vì dễ gây trầy xước tai, thậm chí còn đẩy ráy tai vào sâu hơn. Với trẻ dưới 18 tháng, vệ sinh nhẹ nhàng tai bằng khăn mềm, nước ấm. Với trẻ trên 18 tháng, ráy tai nhiều, vệ sinh hằng ngày bằng khăn, bông mềm, nếu không xử lý được ráy cứng, khô thì nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm