Lấy kiên trì để rèn tính kiên trì
Thực tế, đứa trẻ dưới 10 tuổi không kiên trì, thiếu tập trung chú ý, làm việc không đến nơi đến chốn… là điều hết sức bình thường. Đây là một hiện tượng phổ biến phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi trẻ em. Do đó, cha mẹ xin chớ buồn phiền mà bất mãn trong giáo dục con, mà nên kiên trì chịu khó để dẫn dắt con trên cơ sở nắm được đặc điểm tính tình của trẻ.
Cùng con xác định công việc cụ thể
Nếu con bạn không có tính kiên trì trong học tập, làm bài tập được chăng hay chớ, thiếu ý chí quyết tâm thì trước khi học, cha mẹ hãy cùng con xác định rõ ràng, nội dung học là gì, cần đạt mục tiêu nào, thời gian dự tính cho việc học là bao lâu, mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập như thế nào? Các mục tiêu học tập của trẻ càng cụ thể trẻ sẽ càng dễ dàng thực hiện bấy nhiêu.
Chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ học tập
Để tránh sự phân tán tư tưởng, lo chạy tới chạy lui vì thiếu đồ dùng, sách vở, cha mẹ hãy cùng bé làm tốt khâu chuẩn bị. Liệt kê chu đáo các tập sách vở, tài liệu tham khảo, đồ dùng học tập để tạo tâm lý vui vẻ, thoải mái, tự tin. Trẻ càng nhỏ tuổi nhất là những lớp đầu bậc tiểu học rất dễ sao nhãng và phân tâm khi có các yếu tố bên ngoài tác động vào. Vì thế, cần lựa chọn không gian bố trí bàn học vừa thoáng đãng, dễ chịu vừa yên tĩnh để rèn tính kiên trì cho trẻ.
Nâng cao ý thức trách nhiệm cho con
Không ít bé khi mới bước vào cấp 1, vẫn còn suy nghĩ rất ngây thơ rằng mình học là để cho cha mẹ vui vẻ và tự hào với mọi người. Vì chưa xác định được việc học tập là cho bản thân tiến bộ và trưởng thành nên trẻ thích thì học, không thích thì thôi.
Do đó, cha mẹ phải khéo léo thuyết phục trẻ rằng trong gia đình mỗi người có mỗi nhiệm vụ khác nhau, cha mẹ có trách nhiệm đi làm việc để có thu nhập nuôi sống cả nhà, còn trẻ có trách nhiệm phải học tập tốt để trở thành người tự lập biết nuôi sống bản thân mình và đóng góp những điều có ích cho xã hội.
Tập rèn con biết giá trị của chờ đợi
Cha mẹ nào cũng thương yêu con, đều muốn thỏa mãn tất cả mong muốn “ngay và luôn” của trẻ. Nếu điều này lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ hình thành ở trẻ thói quen không tốt là cái gì cũng phải “ngay lập tức” không biết thế nào là chờ đợi.
Cho nên, nếu thật sự yêu thương con mình, muốn chúng lớn lên sống biết chờ đợi, nhường nhịn, kiên trì, cha mẹ hãy cố gắng hướng dẫn con và cho con biết trong cuộc sống có rất nhiều việc cần lòng kiên nhẫn và chờ đợi. Chẳng hạn, gặp đèn đỏ phải dừng lại chờ, những nơi đông người phải xếp hàng chờ đến lượt... Duy trì cách giáo dục này thường xuyên, liên tục sẽ giúp trẻ biết giá trị của chờ đợi, có lòng kiên nhẫn.
Rèn kiên trì bằng biện pháp mưa dầm thấm lâu
Kiên trì là một đức tính tốt và không tự nhiên mà có. Để trẻ biết kiên trì trong cuộc sống nói chung, trong học tập nói riêng cha mẹ phải thường xuyên rèn giũa và kiểm tra giám sát cẩn thận.
Cha mẹ cũng nên dành thời gian trò chuyện, tham gia các hoạt động cùng con. Trong quá trình này cha mẹ có thể kịp thời uốn nắn, khen ngợi để con hứng khởi mà phấn đấu và có động lực để cố gắng.
Những lời khuyên răn nhẹ nhàng dễ “thấm” vào tâm hồn trẻ để chuyển hóa thành hành động. Nhất định các bậc phụ huynh cần chú ý khi rèn tính kiên trì cho trẻ là đừng vì lý do quá bận rộn trong công việc mà lơ là quên mất việc làm bạn với con, thậm chí có cha mẹ không để ý đến những tiến bộ của con khiến chúng bất mãn mà phủ nhận tất cả những gì mình có được. Điều này vô cùng có hại trong việc bồi dưỡng lòng kiên trì của trẻ.