Trong cái lạnh cắt da cắt thịt của thời tiết dưới 10 độ C những ngày này, anh Nguyễn Văn Hòa ở đội 5, HTX số 2 Tây Tựu, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), bất giác thở dài. Chỉ tay vào vườn lys đã được quây lưới kín trên cao và xung quanh vẫn biếc một màu xanh, anh Hòa cho biết: "Giờ hầu hết nụ lys ở Tây Tựu mới bằng ngón tay út, nếu trời chỉ rét độ dăm hôm rồi chuyển ấm thì lys mới có cơ hội bung nụ vào ngày Tết. Còn nếu rét kéo dài khoảng chục hôm, thì coi như…mất mùa”.
Anh Hòa cho biết, muốn trồng 1 sào lys thì phải bỏ vốn khoảng hơn 100 triệu đồng, trung bình 1 sào đất trồng được 6.500 củ lys, tiền giống khoảng 20.000 đồng/củ, cộng với công trồng, chăm bón, nếu lys bán được 23-24.000 đồng/cành thì coi như hòa. Hiện giá lys bán tại ruộng ngày thường là 250-300.000 đồng/10 cành, lãi không nhiều. Người trồng hoa chỉ ngóng đến Tết để bán được lys với giá cao hơn nhưng nếu thời tiết không thuận, hoa nở không đúng Tết thì khó bán giá cao, nguy cơ lỗ vốn, mất cả công.
Ông Nguyễn Văn Nhâm, Chủ nhiệm HTX số 2 Tây Tựu, cho biết, vựa hoa Tây Tựu cung cấp cho thị trường hoa Tết chủ yếu là cúc, hồng, lys; ngoài ra còn có đồng tiền, thược dược, violet, cánh bướm… nhưng được trồng với số lượng ít hơn. Trong các loại hoa Tết được dân Tây Tựu trồng, mấy năm gần đây, hoa lys chiếm số lượng lớn, được đầu tư nhiều và có cơ hội sinh lời cao.
“Có những hộ vay tới vài tỉ đồng để trồng hoa lys. Do đó, ngoài chi phí cây giống, thuê đất, công gieo trồng chăm sóc, giá bán hoa còn phải cộng cả lãi suất ngân hàng. Nếu rủi ro thì thiệt hại là khôn lường, đã có những hộ dân trong vùng mất vài trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng để trồng hoa”, ông Nhâm nói.
Theo dự tính của ông Nguyễn Văn Nhâm, năm nay hoa Tết sẽ khan hàng hơn, đắt hơn năm ngoái. Thời điểm hiện tại, giá hoa đã cao hơn cùng thời điểm này năm ngoái. Như hoa lys giá hiện là 250-300.000 đồng/10 cành, giá bán ra thị trường từ 50- 70.000 đồng/cành; hoa cúc, hoa hồng giá tại ruộng 150-200.000 đồng/mớ 50 bông, bán ra thị trường từ 5-7.000 đồng/bông…
“Giá hoa Tết thì khó nói chính xác nhưng chắc chắn sẽ cao hơn giá hiện tại và cao hơn năm ngoái, hoa cũng hiếm, khó đẹp hơn nếu không có nắng. Như hoa đồng tiền nếu đang nụ chỉ cần nắng 2 ngày là xòe đẹp, thẳng to, nhưng nếu rét thì 5-7 ngày mới bung, mà hoa nhỏ, cong vẹo”, ông Nhâm cho hay.
Theo bà Nguyễn Thị Lan, Phó Chủ tịch UBND phường Tây Tựu, ở đây có khoảng 150ha đất nông nghiệp thì 80% số đất này được trồng hoa. Do địa bàn có thêm nhiều công trình xây dựng, nên diện tích đất trồng hoa ngày càng thu hẹp, người dân Tây Tựu đã phải thuê thêm rất nhiều đất ở ngoài Tây Tựu để trồng hoa. Ngoài khoảng 120ha đất trồng hoa ở Tây Tựu, ước chừng người Tây Tựu thuê khoảng 200ha đất ở các địa bàn Đan Phương, Phúc Thọ, Hoài Đức, Sơn Tây… để trồng hoa. Như hộ gia đình ông Nguyễn Văn Dư ở tổ dân phố 6 phường Tây Tựu, thuê mấy chục mẫu đất ở Sơn Tây trồng hoa lys, gia đình ông Nguyễn Văn Đoàn tổ 6 thuê vài mẫu trồng lys, cúc ở Đan Phượng, Hoài Đức…
Gắn bó cả đời với nghề trồng hoa nhưng ông Nguyễn Văn Đoàn ở tổ 6 phường Tây Tựu cho biết, trồng hoa vẫn như là canh bạc, người trồng hoa phụ thuộc vào thời tiết rất cao. “Thường tháng 9 âm lịch là chúng tôi xuống giống hoa, cũng dựa vào dự báo thời tiết để xuống giống sớm hay muộn đấy, nhưng dự báo thời tiết trước 3 tháng là rất khó chính xác. Do đó, thời tiết thất thường thì dù người trồng hoa nỗ lực che chắn, thậm chí sưởi ấm ngày đêm bằng điện, cũng khó mà đấu lại với sương muối, băng giá hoặc nắng liên tục”, ông Đoàn phân tích.
“Bà con trồng hoa ở đây tự phát, dựa vào kinh nghiệm là chính, kể cả những hộ làm ăn lớn cũng cứ “đánh bạc với thời tiết” thế thôi. Ngoài khó khăn là chưa làm chủ được thời tiết, bà con còn khó khăn về nguồn cung cấp giống, đặc biệt với hoa có giá trị cao như hoa lys, giống phải nhập từ Hà Lan. Đến nay chưa có một doanh nghiệp đầu mối Nhà nước nào đứng ra cung cấp giống cho bà con, đều tự bà con mua và ký kết hợp đồng với những nhà cung cấp tư nhân trôi nổi, tỉ lệ cây chết cao do chất lượng giống kém”, ông Đoàn cho biết.