pnvnonline@phunuvietnam.vn
Robot AI được bố của Mark Zuckerberg tài trợ thực hiện ca sửa nha đầu tiên chỉ 15 phút trên bệnh nhân sống
Một kỷ nguyên mới trong ngành nha khoa nói riêng và robot trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung vừa được mở ra sau khi Perceptive, công ty khởi nghiệp có trụ sở ở Boston, Hoa Kỳ, tuyên bố phát triển thành công một robot có khả năng thực hiện toàn bộ một thủ tục nha khoa từ đầu tới cuối trên bệnh nhân sống.
Thử nghiệm được thực hiện trên một bệnh nhân ở Colombia. Người đàn ông này cần mài răng và thay mão răng sứ, một quy trình đòi hỏi ít nhất 2 tiếng đồng hồ nếu được thực hiện bởi nha sĩ. Song, robot của Perceptive chỉ tốn 15 phút.
"Chúng tôi rất vui mừng khi đã thực hiện thành công quy trình nha khoa tự động hoàn toàn đầu tiên trên thế giới", bác sĩ Chris Ciriello, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Perceptive, cho biết.
"Bước đột phá y khoa này đã nâng cao độ chính xác và hiệu quả của các quy trình nha khoa, đồng thời dân chủ hóa khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc răng miệng tốt hơn cho người dân, cải thiện trải nghiệm của bệnh nhân và các kết quả thăm khám lâm sàng".
Perceptive được thành lập vào năm 2020 bởi Ciriello, một nha sĩ người Canada, sau khi anh nhận thấy gần như chẳng có bác sĩ nào muốn về làm việc ở các vùng nông thôn. Điều đó tạo nên các vùng trũng, trong thị trường nha khoa trị giá hơn 452 tỷ USD ở tất cả các quốc gia trên thế giới.
Robot do Perceptive phát triển có thể giúp giải quyết tình trạng khan hiếm nhân lực đó, đồng thời giảm giá thành điều trị, nó sẽ giúp nhiều người có khả năng tiếp cận công nghệ nha khoa tiên tiến hơn.
Công ty hiện đang nhận được số tiền đầu tư lên tới 30 triệu USD từ các quỹ tài trợ, bao gồm cả một phần vốn góp từ Edward J. Zuckerberg, cha đẻ của Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Facebook. Và nếu bạn chưa biết, Ed Zuckerberg cũng nhà một nha sĩ.
Lần đầu tiên, robot AI thực hiện toàn bộ quy trình chỉnh nha trên bệnh nhân sống
Perceptive cho biết đột phá này có được nhờ bộ ba công nghệ mà họ đang phát triển bao gồm kỹ thuật chụp cắt lớp quang học (Optical coherence tomography - OCT), công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và cánh tay robot ứng dụng trong y tế.
Chụp cắt lớp quang học là một kỹ thuật tiên tiến, sử dụng ánh sáng chứ không phải tia X, để tạo ra một bản đồ 3D của vật thể quét. Mặc dù có độ xuyên thấu kém hơn nhưng sóng ánh sáng an toàn hơn tia X, cho phép các bệnh nhân không cần đeo tạp dề chì xung quanh người như khi chụp răng với máy chụp X-quang.
Sử dụng sóng ánh sáng tán xạ và giao thoa, Perceptive đã phát triển được một máy chụp OCT cầm tay, cho phép các nha sĩ, và bây giờ là robot, có được hình ảnh 3D chi tiết vùng đường viền nướu, bề mặt và cả bên trong răng.
Trong một số trường hợp, máy quét OCT của Perceptive còn cho độ chính xác hơn cả ảnh X-quang của nha sĩ. Chẳng hạn, nó có thể phát hiện 90% số răng bị sâu so với 45% của ảnh chụp X-quang 2D.
Công nghệ thứ hai được Perceptive phát triển là một thuật toán sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Thuật toán được đào tạo bằng chính những ảnh chụp 3D mà thiết bị OCT chụp được, kết hợp với cơ sở dữ liệu và hồ sơ bệnh nhân trước đó, tới thời điểm này đã có thể tự đưa ra chẩn đoán và lên kế hoạch điều trị cho bệnh nhân với độ chính xác và trực quan hóa dữ liệu cao.
Mặc dù Perceptive nói rằng thuật toán hiện chỉ "hỗ trợ" nha sĩ và giúp bệnh nhân hiểu hơn về tình trạng sức khỏe răng miệng của mình, tuy nhiên, nó có thể được hiểu là AI đang đạt được tới độ thay thế một phần hoạt động của nha sĩ ở phòng nha.
Xem robot của Perceptive thực hiện mài răng để chụp mão răng sứ
Cuối cùng, sau khi đã có được ảnh chụp 3D khoang miệng bệnh nhân, kế hoạch điều trị do AI viết ra sẽ được duyệt qua một lần bởi nha sĩ - bước này cho tới thời điểm hiện tại vẫn là cần thiết do con người chưa thể tin tưởng hoàn toàn vào AI.
Kế hoạch này sau đó mới được chuyển thành các mã lệnh, lập trình để nạp vào một cánh tay robot mà Perceptive đang phát triển. Với khả năng tối ưu và độ chính xác cao, hệ thống robot nha khoa của Perceptive hiện đã có khả năng thực hiện một quy trình mài răng để chụp mão răng sứ từ đầu đến cuối.
Nếu được thực hiện bởi nha sĩ, việc mài rằng để chụp răng sứ đòi hỏi ít nhất 2 buổi tới phòng khám nha khoa. Buổi đầu tiên, nha sĩ sẽ chụp X-quang, khám, vệ sinh răng miệng, tư vấn và lên kế hoạch điều trị. Đến buổi thứ hai, họ mới gây tê và mài răng cho bệnh nhân.
Robot và AI của Perceptive hiện đã có thể rút ngắn quy trình này xuống còn 1 buổi, từ 2 tiếng xuống còn 15 phút.
"Hệ thống robot đã được thiết kế và thử nghiệm nghiêm ngặt để đảm bảo thực hiện điều trị một cách an toàn, ngay cả trong điều kiện bệnh nhân ngọ nguậy nhiều", Edward Zuckerberg, nhà tài trợ của Perceptive, cha đẻ của Mark Zuckerberg, đồng thời là một nha sĩ hơn 30 năm kinh nghiệm cho biết.
"Cam kết về sự an toàn này là cốt lõi của Perceptive nhằm cung cấp các giải pháp chăm sóc răng miệng đáng tin cậy và hiệu quả bằng công nghệ tiên tiến".
Với thử nghiệm thành công trên bệnh nhân đầu tiên ở Colombia, Perceptive hiện đang chuẩn bị hồ sơ để nộp cho Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Họ hi vọng FDA sẽ cho phép mình tiến hành các thử nghiệm tiếp theo tại Mỹ. Công ty dự tính sau 5 năm nữa, họ có thể đưa robot AI của mình ra ngoài thị trường thương mại hóa.