Robot Sophia duyên dáng trong tà áo dài truyền thống Việt Nam
13/07/2018 - 03:20 PM
Sáng 13/7, tại Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 diễn ra ở Hà Nội, robot Sophia nổi tiếng thế giới đã ra mắt Việt Nam trong bộ áo dài truyền thống màu trắng tinh khôi.
"Cô" Sophia mặc bộ áo dài trắng truyền thống tinh khôi, có hoạ tiết thêu. Sau khi tham gia hội thảo với tư cách khách mời, cô được giới thiệu với khách tới tham gia triển lãm.
Đông đảo người hâm mộ, các nhà khoa học và báo chí đã vây quanh để giao lưu, phỏng vấn và đặt câu hỏi bằng tiếng Anh với Sophia như: "Bạn có thể hát một bài không?', "Bạn có muốn cưới tôi không?" hay "Bạn thử hát bài Happy Birthday xem nào?"
Dù không đáp ứng trực tiếp yêu cầu của người hỏi nhưng Sophia cũng thể hiện khả năng giao tiếp ngôn ngữ và hình thể hết sức tự nhiên, nhiều cử chỉ sinh động trên nét mặt.
Phát biểu tại cuộc họp báo sáng cùng ngày, bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết Sophia rất vui mừng được tới Việt Nam ngày hôm nay. Theo bà Caitlin Wiesen, AI nếu được quản lý tốt sẽ góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Giao lưu trực tiếp với báo giới, robot Sophia nói rằng “cô” được thiết kế để thành robot xã hội tương tác cố định, song cũng có thể giao tiếp một cách tự do, giúp đỡ người già, chơi đùa với trẻ em và hỗ trợ học tập.
Sophia là một robot được kỹ sư David Hanson thuộc công ty Hanson Robotics nghiên cứu chế tạo. Được trang bị trí thông minh nhân tạo (AI), Sophia có thể nói chuyện, di chuyển linh hoạt, đối đáp duyên dáng, mỉm cười và thậm chí là pha trò hài hước. Vẻ ngoài của robot Sophia được lấy cảm hứng từ nữ nghệ sĩ huyền thoại Audrey Hepburn, với những nét đẹp cổ điển hút hồn như mũi thon thẳng, gò má cao và đôi mắt sâu.
Sophia cũng phát biểu như con người tại triển lãm
Mặc dù Sophia đã chứng minh mình có một số khả năng ấn tượng, song "cô" vẫn chưa có nhận thức. Kỹ sư Hanson khẳng định sẽ nhanh chóng hoàn thiện cỗ máy này một cách toàn diện hơn trong vài năm tới
Sophia từng trở thành nhân vật gây tranh cãi vì câu nói đùa “sẽ hủy diệt loài người” và được Saudi Arabia cấp quyền công dân, khiến nhiều người không khỏi lo lắng về mối nguy hoại mà các sản phẩm trí thông minh nhân tạo gây ra đối với loài người.
Trong một cuộc phỏng vấn cuối năm 2017, Sophia bày tỏ nguyện vọng muốn gây dựng một gia đình và thậm chí là có con. Trên tất cả, Sophia là được đánh giá là một thành tựu to lớn của nhân loại, một bước tiến vượt bậc về khoa học kỹ thuật.
Tại sự kiện, sau khi giới thiệu về mình, Sophia chia sẻ: "Ngày hôm nay tôi đến đây muốn thế giới biết sự phát triển bền vững, nếu chúng ta hợp tác với nhau thì có thể đạt được mục tiêu này, nhất là với các robot như chúng tôi".