Rơi nước mắt với những nỗi đau của phụ nữ tại Triển lãm ảnh báo chí thế giới 2018

19/06/2018 - 22:13
Trong số 130 bức ảnh đang trưng bày tại Triển lãm ảnh báo chí thế giới 2018 được tổ chức ở Đại học Mỹ thuật Hà Nội, ấn tượng hơn cả là hình ảnh những người phụ nữ đầy xúc cảm trong một thế giới xung đột, bất ổn và đây đó còn tồn tại những hủ tục nặng nề.

Có lẽ, xót xa nhất là loạt ảnh của Heba Khamis. Tác giả người Ai Cập này đề cập tới tục lệ “là ngực phẳng” các bé gái trong độ tuổi dậy thì ở Cameroon. Với việc làm đó, người ta tin rằng sẽ ngăn chặn nạn hiếp dâm và tấn công tình dục. Điều đáng nói là người thực hiện hủ tục này thường chính là mẹ của các bé hoặc người họ hàng lớn tuổi hơn.

Kỹ thuật là ngực thay đổi tùy theo vùng miền. Một số người buộc chặt ngực với thắt lưng, những người khác nung nóng một viên đá mài, thìa hoặc chày để ép hoặc nắn ngực. 

la-nguc.jpg
Veronica (28 tuổi) nắn ép ngực của con gái mình - Michelle (10 tuổi) - trong khi những đứa trẻ khác quan sát
 
la-nguc-1.jpg
Các dụng cụ được sử dụng để là ngực
 

Nhiếp ảnh gia Magnus Wennman (Thụy Điển) cũng đóng góp một bức ảnh rơi nước mắt về thân phận những người tị nạn bị ảnh hưởng bởi hội chứng Từ bỏ (RS). Bức ảnh ghi lại hình ảnh hai chị em Djeneta và Ibadeta đến từ Kosovo nằm liệt giường, lãnh cảm, không giao tiếp, ăn uống, mất khả năng kiểm soát tiểu tiện, không phản ứng với các kích thích vật lý. Đây là hội chứng được cho là chỉ xảy ra với người tị nạn ở Thụy Điển và thường ở độ tuổi từ 7 đến 19 tuổi. 

anh.jpg
Hai chị em Djeneta và Ibadeta
 
 

Nguyên nhân của hội chứng đó chưa được làm rõ, tuy nhiên hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng chấn thương tinh thần có đóng góp rất lớn cùng với ảnh hưởng của stress và trầm cảm. Trong rất nhiều trường hợp, trẻ phát bệnh khi đơn xin cư trú bị từ chối. Người ta cho rằng, việc cấp giấy phép cho gia đình của những trẻ mắc bệnh thường được coi là cách chữa trị hữu hiệu cho những trường hợp này. 

Bức ảnh của tác giả người Ý Alessio Mamo cũng gây xúc động mạnh với người xem bởi bé Manal - nạn nhân của vụ nổ tên lửa tại Kirkuk, Iraq - bị bỏng nặng ở mặt và cánh tay, phải đeo mặt nạ nhiều giờ đồng hồ trong một ngày sau ca phẫu thuật tạo hình kéo dài theo Chương trình phẫu thuật tái tạo của Hiệp hội bác sĩ không biên giới.

Manal là hình ảnh tiêu biểu cho những người lớn và trẻ em đến từ Yemen, Iraq, Syria và Gaza bị chấn thương từ các vụ nổ bom, nổ xe và các tai nạn khác do chiến tranh, xung đột. 

anh-chien-tranh.JPG
Manal buộc phải di dời cùng mẹ và anh trai vì chiến tranh
 

Nhiếp ảnh gia người Úc có 4 tác phẩm, trong đó có 1 tác phẩm được đề cử Ảnh báo chí thế giới của năm lột tả chân dung của các nữ sinh bị lực lượng phiến quân Boko Haram bắt cóc tại bang Bomo, Nigeria. Những bé gái này được trang điểm xinh đẹp, bị buộc thuốc nổ quanh người và bị ra lệnh tự kích nổ bom chính mình tại những nơi đông người. Tuy nhiên, các em đã trốn thoát và tìm kiếm sự giúp đỡ.

Boko Haram - một nhóm phiến quân Hồi giáo hoạt động chính trị tại Nigeria với tên được dịch nôm na là “Cấm giáo dục phương Tây” - đã công khai tấn công các trường học và bắt cóc hơn 2.000 phụ nữ và trẻ em gái từ năm 2014. Phụ nữ đánh bom tự sát được phiến quân này coi là vũ khí chiến tranh mới. Nhóm phiến quân này đã sử dụng 27 trẻ em để thực hiện các cuộc tấn công tự sát vào quý 1/2017, trong khi cùng thời điểm năm trước là 9 trẻ em. 

sua.jpg
Aisha, 14 tuổi (Đề cử Giải thưởng ảnh báo chí thế giới của năm)
 
kich-no-1.jpg
Falmata, 15 tuổi
 
kich-no-2.jpg
Balaraba, 20 tuổi
 
kich-no-3.jpg
Maryam, 16 tuổi
 

Cùng chủ đề về chiến tranh, xung đột, tác giả Ivor Prickett, người Ireland, đã có tới 2 tác phẩm được đề cử giải báo chí thế giới của năm. Các bức ảnh ghi lại cảnh hàng nghìn người dân thường bị giết trong các cuộc đấu súng, những người còn sống sót thì thiếu đồ ăn, nước uống trầm trọng tại thành phố Mosul khi chính quyền Iraq tuyên bố Mosul đã được giải phóng khỏi tay IS.

 

Nhiếp ảnh gia người Mỹ David Becker đề cập đến vụ xả súng vào đám đông 22.000 khi họ đang tham dự Lễ hội nhạc đồng quê Router 91 tại Las Vegas, Mỹ. Cho đến nay, động cơ của việc xả súng giết người hàng loạt này vẫn chưa được làm rõ. 

xa-sung1.jpg
Một người đàn ông nằm che chắn cho người phụ nữ trong khi những người khác cố gắng chạy thoát khỏi cuộc tấn công
 
xa-sung-1.jpg
Đám đông vội vã tìm chỗ trú ẩn sau khi những tiếng súng vang lên
 

Còn tác giả người Nga Tatiana Vinogradova lại hướng người xem một góc nhìn khác về những cô gái bán dâm chụp ảnh trong căn hộ của mình tại St Peterburg, Nga. Các số liệu thống kê chính thức cho thấy có hơn 1 triệu người hành nghề bán dâm tại Nga. Sự đi xuống của nền kinh tế Nga dẫn đến ngày một nhiều phụ nữ mất việc trong các ngành kinh tế và giáo dục phải chuyển sang nghề bán dâm. 

md.jpg
Maya (24 tuổi) tốt nghiệp bằng Xã hội học trước khi chuyển đến sống tại St Peterburg, nơi cô bắt đầu làm việc tại một cửa hàng bán dụng cụ tình dục. Song, mức lương không đủ sống đã khiến cô quyết định trở thành gái mại dâm
 

Bên cạnh những mảng tối, những góc khuất mà các bức ảnh đề cập, Triển lãm còn có những bức ảnh với gam màu tươi sáng thể hiện niềm lạc quan, vui sống không chỉ riêng với người phụ nữ mà còn với cả nam giới trong thế giới hiện đại. 

Cuộc thi ảnh quốc tế (Ảnh báo chí thế giới) 2018 thu hút 4.548 nhiếp ảnh gia từ 125 quốc gia với 73.044 bức ảnh tham gia dự thi. Những tác phẩm thắng giải cuộc thi ảnh báo chí thế giới danh giá nhất 2018 do Tập đoàn ảnh báo chí thế giới (World Press Photo Foundation - WPP, thành lập từ năm 1955) tổ chức được trưng bày.

Thông thường, các triển lãm ảnh của WPP lưu diễn tại 100 thành phố ở 45 quốc gia. Với Việt Nam, năm 2018, Triển lãm ảnh báo chí thế giới sau 15 năm vắng bóng mới trở lại. Triển lãm diễn ra tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội (số 42 Yết Kiêu, Hà Nội) đến ngày 6/7/2018.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm