Rộn ràng mùa mai Tết ở thủ phủ mai vàng miền Trung

Nhuận Kiệt
12/01/2020 - 07:27
Rộn ràng mùa mai Tết ở thủ phủ mai vàng miền Trung
Tết Nguyên đán Canh Tý đang cận kề, cũng là lúc thị trường mai Tết ở thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định) - nơi được mệnh danh là thủ phủ mai vàng miền Trung rất rộn ràng, náo nhiệt. Dọc các tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ, nhiều nhà vườn đã vận chuyển hàng nghìn chậu mai ra để bày bán cho khách hàng xuôi ngược vào Nam ra Bắc, hứa hẹn một mùa mai Tết bội thu.

Mai được mùa, hứa hẹn bội thu

Hiện nay, trên địa bàn thị xã An Nhơn có gần 1.500 hộ trồng mai vàng. Trong đó, tập trung chủ yếu ở xã Nhơn An có gần 700 hộ và Nhơn Phong có gần 300 hộ. Nhiều hộ gia đình trồng với số lượng lớn từ 5.000 - 10.000 cây, cho doanh thu từ 400 - 600 triệu đồng/năm; các hộ còn lại thu nhập từ 50 - 300 triệu đồng/năm. Mai vàng đem lại hiệu quả kinh tế cao, doanh thu bán mai đạt hơn 85 tỷ đồng/năm, chiếm đến 9,8% cơ cấu giá trị trồng trọt của thị xã An Nhơn.

Rộn ràng mùa mai Tết ở thủ phủ mai vàng miền Trung - Ảnh 1.

Nghệ nhân chăm sóc, tạo dáng cho mai nở đúng Tết

Xã Nhơn An hiện có 5 thôn trồng mai vàng được công nhận làng nghề, trong đó nổi tiếng nhất là làng mai Háo Đức và Thanh Liêm. Theo các chủ vườn mai ở đây, do năm nay thời tiết thuận lợi, nắng ấm, ít sâu bệnh nên cây mai phát triển tốt, nụ nhiều, to đều. Điều đáng nói, năm nay mai được mùa nhưng không rớt giá và từ cuối tháng 11 âm lịch đã có nhiều thương lái đến hỏi mua mai với số lượng lớn.

"Đối với người trồng mai, thời tiết năm nay quá tuyệt vời. Hoa mai khả năng sẽ nở đúng dịp Tết nên chúng tôi rất phấn khởi. Năm nay tôi xuất bán khoảng 500 chậu, độ tuổi từ 5 - 7 năm. Đến thời điểm hiện tại, thương lái đã đến vườn mua 100 chậu với giá 70 triệu đồng. Thường thì mai được mùa sẽ mất giá nhưng tới thời điểm này giá mai cao hơn năm trước khoảng 10%", anh Nguyễn Văn Phong (39 tuổi, một chủ mai ở thôn Thanh Liêm) cho biết.

Rộn ràng mùa mai Tết ở thủ phủ mai vàng miền Trung - Ảnh 2.

Nhà vườn ở thị xã An Nhơn tất bật chăm sóc mai trước khi xuất bán

Theo ông Nguyễn Trí Tuấn (62 tuổi, một chủ mai ở thôn Thanh Liêm), sở dĩ năm nay mai vàng được mùa nhưng không rớt giá là bởi từ lâu mai vàng ở thị xã An Nhơn thành thương hiệu nổi tiếng cả nước với dáng thế đẹp, giá cả vừa phải. Ngoài ra, nhu cầu của người chơi mai ngày Tết cao, đời sống người dân ngày càng được cải thiện nên giá cả ổn định và nhỉnh hơn so với năm trước.

Ông Nguyễn Trí Dũng - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã Nhơn An, cho biết: "Hai tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2010 nhưng từ cuối tháng 11 âm lịch khách hàng khắp cả nước đã đến các nhà vườn mua mai. Hiện, các làng nghề trồng mai ở địa phương đã bán số lượng lớn, thu về trên 10 tỷ đồng. Trong đó, có hộ thu từ 400 - 900 triệu đồng".

Rộn ràng mùa mai Tết ở thủ phủ mai vàng miền Trung - Ảnh 3.

Lặt lá mai đúng thời điểm, nụ sẽ nở hoa đúng dịp Tết

Còn theo Chủ tịch UBND xã Nhơn Phong Nguyễn Thuận Mậu, dịp Tết Kỷ Hợi 2019, gần 300 hộ trồng mai trên địa bàn thu về hơn 17 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm nay lượng mai tăng hơn nên ước thu từ 25 - 30 tỷ đồng. Hiện đã có gần 10 hộ bán mai nguyên lá thu về gần 5 tỷ đồng.

Đầu tư phát triển làng mai "sạch"

Mai vàng ở thị xã An Nhơn đã trở thành ngành sản xuất theo hướng chuyên canh hàng hóa, giải quyết lao động nông thôn, tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Tuy nhiên, dù phát triển mạnh mẽ nhưng việc tổ chức sản xuất mai vàng còn hạn chế. Do đó, để nâng cao giá trị cây mai vàng gắn với việc đảm bảo môi trường, thị xã An Nhơn đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định xây dựng đề án "Phát triển làng nghề sản xuất cây mai vàng Nhơn An".

Rộn ràng mùa mai Tết ở thủ phủ mai vàng miền Trung - Ảnh 4.

Khách đi thu gom mai chở đến điểm bán

Mục tiêu của đề án là hình thành các khu trồng cây mai vàng tập trung trên địa bàn xã Nhơn An, Nhơn Phong với quy mô diện tích 75 ha để di chuyển mai trồng trong vườn nhà, khu vực dân cư vào khu trồng tập trung đến năm 2020 là 50%, đến năm 2025 khoảng 80%. Tổ chức đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh một cách khoa học để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới làm đầu mối để tổ chức sản xuất, tiêu thụ mai tránh tình trạng bị động, bị thương lái ép giá để nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người trồng và phát triển bền vững. Hình thành khu trưng bày, giới thiệu và quảng bá thương hiệu gắn với phát triển du lịch làng nghề.

Rộn ràng mùa mai Tết ở thủ phủ mai vàng miền Trung - Ảnh 5.

Năm nay lượng mai tăng hơn nên ước thu từ 25 - 30 tỷ đồng

Tháng 9/2019, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng các hạng mục công trình thuộc đề án. Tổng mức đầu tư dự kiến gần 47 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách tỉnh, ngân sách thị xã, ngân sách các xã và các nguồn vốn khác. Thời gian thực hiện đầu tư từ năm 2020 - 2022.

"Triển khai thành công các nội dung của đề án sẽ tăng thêm giá trị của cây mai vàng lên từ 20 - 30%, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn. Từ đó, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa tập trung, có hiệu quả cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và đưa mai vàng trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của thị xã An Nhơn", ông Đào Xuân Huy - Phó chủ tịch UBND thị xã An Nhơn cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm