Rong kinh sau khi đặt vòng tránh thai tẩm thuốc nội tiết

An Khê
31/10/2021 - 17:33
Rong kinh sau khi đặt vòng tránh thai tẩm thuốc nội tiết

Cơ chế tránh thai sau khi đặt vòng tránh thai có tẩm thuốc nội tiết là tạo ra cơ chế thực bào trong buồng tử cung, cản trở sự làm tổ của trứng trong buồng tử cung, đối với vòng tẩm thuốc sẽ có thêm tác dụng tránh thai giống như sử dụng thuốc nội tiết.

Chị Hoàng Minh Thu 32 tuổi (Hà Nội) đã có 2 con, con nhỏ 3 tuổi và chị không có ý định sinh con nên đã áp dụng biện pháp tránh thai đặt dụng cụ tử cung có tẩm thuốc.

Sau khi đặt xong 1 tháng, đến kỳ kinh chị bị ngày kinh kéo dài, trước kia là 4 ngày thì nay là 7 đến 10 ngày. "Nhiều lần khi quan hệ tình dục, chồng tôi đều phàn nàn rất đau ở đầu cơ quan sinh dục, anh ấy cảm giác như đâm phải kim, mỗi lần như vậy chúng tôi dừng quan hệ ngay vì đau và dương vật không còn cương cứng" – chị Thu cho biết.

Sau khi thăm khám, bác sĩ Lê Huy Tuấn - Khoa sức khỏe sinh sản, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội lý giải nguyên nhân gây rong kinh và đau khi quan hệ của chị Thu.

Cơ chế tránh thai kép

Bác sĩ cho biết, vòng tránh thai hay còn gọi là dụng cụ tử cung – là loại dụng cụ đặt vào trong buồng tử cung có tác dụng tránh thai từ 5 đến 10 năm (tuỳ loại dụng cụ tử cung).

Dụng cụ tử cung có thể ở dạng chữ T hoặc hình xương cá, có quấn dây đồng hoặc không và có loại tẩm thuốc nội tiết để tăng hiệu quả tránh thai.

Cơ chế tránh thai sau khi đặt vòng tránh thai có tẩm thuốc nội tiết là tạo ra cơ chế thực bào trong buồng tử cung, cản trở sự làm tổ của trứng trong buồng tử cung, đối với vòng tẩm thuốc sẽ có thêm tác dụng tránh thai giống như sử dụng thuốc nội tiết.

Kinh nguyệt là hiện tượng máu chảy ra từ buồng tử cung có tính chất chu kỳ hàng tháng. Chu kỳ kinh bình thường từ 28 đến 32 ngày, số ngày hành kinh từ 3 đến 5 ngày, số lượng máu kinh khoảng 100 – 200ml. Nếu chu kỳ kinh hơn 35 ngày gọi là chu kỳ dài, dưới 22 ngày gọi là chu kỳ ngắn. Số ngày hành kinh trên 7 ngày thì gọi là rong kinh, số lượng máu kinh trên 150ml gọi là băng kinh. Nếu rong kinh hoặc băng kinh thì phải điều trị.

Rong kinh sau khi đặt vòng tránh thai tẩm thuốc nội tiết - Ảnh 1.

Bác sĩ Lê Huy Tuấn - Khoa sức khỏe sinh sản, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội đang thăm khám cho bệnh nhân

Trong trường hợp của chị Thu là hiện tượng của rong kinh, nếu để tình trạng này kéo dài sẽ khiến chị bị mất nhiều máu, dẫn đến mệt mỏi, khó thở đồng thời khiến vi khuẩn xâm nhập, gây viêm nhiễm bộ phận sinh dục và gây ảnh hưởng đến tâm lý.

Hiện tại, chị Thu đã sử dụng biện pháp tránh thai là dụng cụ tử cung có tẩm thuốc. Như vậy chị đã áp dụng đồng thời 2 cơ chế tránh thai, cơ chế thứ nhất là tránh thai bằng dụng cụ tử cung và cơ chế tránh thai thứ 2 là thuốc nội tiết từ dụng cụ tử cung. Khi đã có thuốc nội tiết thì một trong những tác dụng phụ của thuốc đó là gây rong kinh cho nên vấn đề rong kinh ở đây có thể chính do tác dụng phụ của dụng cụ tránh thai có tẩm thuốc.

Vì sao bị đau?

Sau khi đặt dụng cụ tử cung tại phần đầu của dụng cụ tử cung có dây dẫn qua cổ tử cung ra ngoài âm đạo với mục đích khi tháo dụng cụ tử cung bác sỹ chỉ cần kẹp vào đầu dây kéo vòng ra. Thông thường đoạn dây này dài khoảng 3 cm và quặt ngược vào cung đồ sau. Đây chính là nguyên nhân khiến chồng chị Thu bị cảm giác đau khi quan hệ do phần cơ quan sinh dục đã chạm phải đầu dây của dụng cụ tử cung - do cắt quá ngắn nên bị như vậy.

"Hiện nay, có rất nhiều phương pháp tránh thai an toàn ít tác dụng phụ để chị em lựa chọn. Với tình trạng này, chị Thu nên tháo dụng cụ tránh thai có tẩm thuốc và thay thế bằng dụng cụ tránh thai thông thường và tiếp tục theo dõi xem cơ thể có thích ứng không" - bác sĩ Tuấn chia sẻ.

Đồng thời, bác sĩ cũng đưa ra lời khuyên với chị em khi đặt các dụng cụ tránh thai cần đến thực hiện tại các cơ sở y tế chuyên khoa để đảm an toàn. Để tránh được những tác dụng không mong muốn cũng như để có hiệu quả tốt nhất thì chị em nên tìm hiểu kỹ về sản phẩm trước khi quyết định sử dụng.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm