Truyện ngắn: Cô bạn chung nhà hay cà khịa

Phương Anh
10/03/2022 - 09:03
Truyện ngắn: Cô bạn chung nhà hay cà khịa

Minh họa: Đỗ Dũng

Ngày bé, dù My mang gương mặt sưng vù vì đánh nhau trở về, bố biết My vì bảo vệ bạn nên không mắng My câu nào, còn dạy My cách né đòn. Lớn thêm chút nữa bố cho My đi học võ. Người ta nói bố dạy hư con gái, bố chỉ cười.

My chưa kịp gọi điện thoại, Hoài đã sang sảng: "Nghe nói bà định bán nhà hả? Tội chưa, mới mua nhà ở chưa được bao lâu đã phải bán, lại quay lại đời ở trọ ha. Rồi lại com cóp nhịn ăn nhịn mặc. Tôi nói này...".

My cúp máy ngang, không để Hoài nói thêm gì. Bình thường My sẽ chịu khó nghe Hoài khiêu khích, thi thoảng sẽ đối lại vài câu làm Hoài tức điên rồi thủng thỉnh cúp máy. Dù mỗi lần gọi cho My là sẽ ôm cục tức nhưng Hoài không nản, làm như không cà khịa My thì nó không vui.

My học chung với Hoài từ hồi mẫu giáo. Ngày đó, Hoài lủi thủi, nhút nhát vì Hoài chỉ có mẹ. Hoài luôn bị bạn bè trêu chọc là đồ không có bố. Khi ấy My đã anh dũng xông ra đánh nhau với đám bạn xấu miệng để bảo vệ Hoài. Đám trẻ con rắn mắt khi ấy còn nói My cũng giống Hoài, không có mẹ nên mới bênh đứa không có bố.

My lên 4 tuổi thì mẹ bệnh rồi mất. Nghe đám trẻ nói mình không có mẹ, My đã tức điên và không thèm nhường nhịn nữa. My đánh cho chúng nó no đòn, còn mang từng đứa về nhà mách bố mẹ chúng vì dám nói My không có mẹ. Chắc hẳn vì thế mà Hoài bám lấy My không rời, và nếu biết trước có ngày mẹ Hoài về nhà mình thế chỗ của mẹ mình, My sẽ chẳng thèm bênh vực hay chơi với Hoài.

Cô Phương về nhà My khi cả hai đứa đã xa nhà. Khi bố thông báo sẽ đón cô Phương về ở cùng, My đã buông thõng: "Bố thấy đúng thì cứ làm, nhưng con nói trước, sẽ chẳng ai thay thế được vị trí của mẹ con đâu".

Từ ngày cô Phương về ở chung nhà với bố, Hoài có vẻ rụt rè hơn, hẳn là trước đó My đã mai mỉa: "Mày không có bố nên mẹ mày cố tìm một ông bố cho mày đấy nhỉ?". Nói xong, My cũng thấy mình ác. My ít ra cũng có gần 4 năm bình yên bên mẹ, nhưng Hoài hoàn toàn không biết bố nó là ai. Sự tủi thân của Hoài luôn ở bên cạnh nó. Nó không dám chơi với ai, chỉ sợ phút trước phút sau người ta đã bảo nó là đứa không bố. Hoài hâm mộ My vì My cũng không có mẹ nhưng lại rất mạnh mẽ, ngang ngược nhưng đầy khí phách. Hoài học trung cấp, ra trường một cái là lấy chồng luôn, năm trước năm sau là có con. Bố gọi điện báo tin cho My, bố còn định nói gì thì My gạt ngang: "Bố đừng so sánh con với nó, bố thích thì cứ thương yêu nó".

Bố thở dài không nói tiếp. My lấy làm mừng vì dù bố lấy vợ, dù bố có thêm con gái để lo lắng nhưng bố chưa bao giờ trách mắng My. Bố luôn ủng hộ My. Ngày bé, dù My mang gương mặt sưng vù vì đánh nhau trở về, bố biết My vì bảo vệ bạn nên không mắng My câu nào, còn dạy My cách né đòn. Lớn thêm chút nữa bố cho My đi học võ. Người ta nói bố dạy hư con gái, bố chỉ cười.

My không biết làm sao Hoài lại biết My rao bán nhà, còn gọi điện đến khiêu khích. Bố bị ốm, tim bố có vấn đề. My về, nhìn bố gầy gò, My không chịu được. Đi một cái là My mất hút, lúc định về thì nhà đã có người nên My toàn tìm cớ để khỏi về. Nhìn ngôi nhà sạch sẽ, nhìn cô Phương cẩn thận đưa cho My túi giữ nhiệt đựng cơm, khẽ đỡ bố dậy ăn cháo, My muốn nói gì đó mà không nói được. My ở nhà với bố được 10 ngày, lúc đi có dặn "tiền chữa bệnh cứ để con lo". Lúc này có thể vay nhưng vay rồi lấy gì mà trả, tốt nhất là bán nhà, có tiền trong tay làm gì cũng thoải mái hơn, bố là người thân duy nhất của My, bán nhà chứ bán máu My cũng làm, miễn cứu được bố.

Điện thoại reo, lại là Hoài, My ngần ngừ rồi cũng nhận. My không hiểu sao mình luôn ghét bỏ Hoài mà Hoài vẫn bám dính. Giờ chồng con rồi mà vẫn không bỏ được thói khiêu khích My. "Bà đừng bán nhà nữa, có tiền cho bố chữa bệnh rồi", Hoài nói. My chưng hửng: "Tiền ở đâu ra?". Bố chỉ có chưa đầy 20 triệu tiền tiết kiệm chứ làm gì có nhiều, hai vợ chồng Hoài công nhân lại nuôi con nhỏ càng không thể có. Hoài cười hì hì: "Bà chậm tay rồi, mẹ tôi bán nhà nhanh hơn bà rồi".

My kinh ngạc. Hoài còn nói gì nữa nhưng My không nghe rõ, chỉ có hai từ "bán nhà" lặp đi lặp lại bên tai My. Về ở với bố, căn nhà nhỏ của cô Phương cho người ta ở nhờ tiện trông coi. Hồi bố bị sốt xuất huyết phải đi viện hơn 10 ngày, đến khi bố khỏe, được xuất viện về nhà rồi My mới biết. Khi ấy My đã cáu nói bố: "Giờ cái gì cũng cô Phương, cái Hoài, ba người mới là một gia đình, còn con là con riêng, là người thừa". Lâu thật lâu sau vụ đó My không gọi về nhà. Hoài gọi điện cho My, My cũng không nghe máy. My biết mình nóng giận nên nói bừa nhưng bảo My phải xin lỗi, My thấy khó khăn.

Lần này, nghe tin cô Phương bán nhà, My buột miệng: "Nhà ấy mai này là của bà mà". Hoài bật cười khanh khách: "Cái nhà nát ở quê thì được bao nhiêu, tôi có nhà rồi, cần gì nữa. Bà cần hơn, ở đất Sài Gòn này, không có cái nhà mà an cư thì khó lập nghiệp lắm, nhất là khi bà đã xinh đẹp, còn học cao nữa thì khó kiếm chồng lắm".

Trong lúc lòng dạ rối bời, My không để tâm mấy lời cà khịa của Hoài. Có được căn chung cư nhỏ chưa đầy 50 mét vuông, My đã phải tằn tiện, tích cóp, thế mà cô Phương nói bán nhà là bán ngay được. Còn Hoài nữa, mẹ nó bán nhà, là tài sản của nó để cứu một người dưng với nó mà nó không chút lăn tăn nghĩ ngợi gì sao? Nghĩ chứ, nghĩ là phải cứu bố, miễn bố được mạnh khỏe về nhà thì bán 10 cái nhà cũng bán. My bĩu môi: "Có mốc ra mà 10 cái". Nhưng không thể phủ nhận, lời Hoài tuệch toạc nhưng làm My rưng rưng. Từ ngày mẹ nó về ở nhà My, mà phải là trước đó, nó đã gọi bố bằng bố, với My vẫn mày tao.

My gọi điện về, là cô Phương nghe điện thoại, cô nói bố vừa ăn chén cháo nên ngủ rồi, cứ đà này là bố sẽ được xuất viện nhanh thôi. Bố nói bố phải khỏe mạnh còn nhìn mặt con rể, cháu ngoại. My ngập ngừng, không biết phải nói gì, chỉ ấp úng: "Cô cũng giữ sức khỏe". Cô Phương ừ, dặn My: "Đừng lo gì cho bố, muốn học thì cứ học lên nữa, cả xã này có ai học cao như con. Chồng con chưa tới duyên thì cứ từ từ. Bố nói là nói vậy thôi chứ bố quý con lắm, đi đâu cũng kể con nghịch thế này giỏi thế kia, đến mức cái Hoài ghen tị. Nó bảo có bố như vậy thì chắc chắn giỏi thôi, nếu nó cũng có bố như con, nó còn giỏi hơn con nữa".

Cô nói và cười, My cũng cười theo. Lúc ngồi thần người bên cửa sổ nhìn hoàng hôn dần tắt, My nhận ra, Hoài không có bố nên My đã ra tay bảo vệ nó và My đối với nó bằng tình thương, bằng sự che chở nên dù nó có chọc ghẹo My thế nào, My cũng không giận. Và nó hẳn biết thế nên miệt mài chọc ngoáy My.

My gọi điện cho Hoài, đây là lần đầu tiên My chủ động gọi cho nó.

Chủ nhật sau tao về quê.

Mày thi xong rồi à, hoãn lại tuần sau đi, nhà tao về cùng. Nhà mình chưa bao giờ tụ tập đông đủ nhỉ? Chà, ông bà già mà biết chắc vui lắm. Chốt vậy nhé, tao đi nói với nhà tao đã, mà ổng không ừ tao cũng bắt ừ.

My bật cười, nhận ra những ngày gần đây mình cười hơi nhiều, khi nghe cô Phương nói chuyện, khi nghe bố càu nhàu, khi nghe Hoài khiêu khích… My đều cười. My nghĩ đến tuần sau nữa cả nhà sẽ đông đủ, lúc ấy vui phải biết, mà có khi cô Phương lại mếu máo khóc cũng nên. Đến lúc này, My lại rối rắm không biết mình vẫn gọi là cô Phương hay bắt chước Hoài gọi mẹ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm