'Rượu, bia ở Việt Nam sẵn có và dễ tiếp cận nhất thế giới'

14/03/2017 - 10:12
Rượu, bia tiếp cận dễ dàng, mức độ tiêu thụ bình quân đầu người cũng ở mức cao - đó là những nguyên nhân làm gia tăng số vụ ngộ độc rượu thời gian gần đây.
Ông Nguyễn Phương Nam, cán bộ của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO), cho biết, báo cáo mới nhất của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam: sản lượng rượu, bia được sản xuất và tiêu dùng ở Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Năm 2010 tiêu thụ 2,4 triệu lít bia, 59 triệu lít rượu công nghiệp. Đến 2015, lượng tiêu thụ tăng lên 3,4 triệu lít bia, 70 triệu lít rượu công nghiệp và khoảng 200 triệu lít rượu tự nấu. Xét về lượng cồn nguyên chất tiêu thụ hàng năm, Việt Nam đứng thứ 2 trong số 11 quốc gia khu vực Đông Nam Á; đứng thứ 29 trong số 192 quốc gia thuộc Liên hợp quốc.
nhau-1.JPG
 Chất lượng của rượu thủ công không được quản lý dẫn đến tác hại về sức khoẻ không kiểm soát được. Ảnh minh họa
Cũng theo Bộ Y tế, mức tiêu thụ rượu bia bình quân đầu người (>15 tuổi) ở Việt Nam vào năm 2025 có thể là 7 lít, cao hơn mức trung bình chung của thế giới hiện nay (6,13 lít).
 
Thực tế hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất rượu, bia quy mô nhỏ, thủ công chưa thực hiện đầy đủ các quy định về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc kiểm soát hàm lượng methanol trong rượu còn chưa tốt nên tử vong do ngộ độc rượu còn cao. Chất lượng của rượu thủ công không được quản lý dẫn đến tác hại về sức khoẻ không kiểm soát được và Nhà nước không thu được thuế.

“Bất cứ địa điểm, cơ sở nào cũng sẵn có rượu, bia để bán cho người dân từ các quán rượu, siêu thị, cửa hàng tạp hoá, khách sạn, nhà hàng ăn uống, cửa hàng giải khát, quán nước vỉa hè… Thậm chí tại căng-tin, nhà ăn của các cơ quan, công sở, doanh nghiệp… cũng có bán rượu, bia. Điều này dẫn đến hệ luỵ là rượu, bia ở Việt Nam sẵn có và dễ tiếp cận nhất thế giới”, ông Trần Quốc Bảo - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho hay.
nhau-2.jpg
 Bộ Y tế đang xây dựng dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu bia
Hậu quả của việc dễ dàng tiếp cận rượu, bia đã nhìn thấy. Chỉ tính riêng từ Tết Nguyên đán Đinh Dậu trở lại đây, hàng chục vụ ngộ độc rượu đã xảy ra, cướp đi sinh mạng và giảm chất lượng cuộc sống của nhiều người. Vụ ngộ độc rượu tập thể tại Lai Châu khiến 9 người tử vong, dư luận còn chưa hết bàng hoàng thì mới đây, vụ ngộ độc rượu tập thể đã khiến 9 sinh viên sư phạm (trong đó có 4 nữ) thập tử nhất sinh. Rất may tất cả đã được cứu sống.
 
Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đang xây dựng dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu bia. Theo đó, đề xuất thực hiện các biện pháp kiểm soát, giảm mức tiêu thụ và mức độ dễ tiếp cận đối với rượu, bia; đồng thời, cấm cán bộ, công chức uống rượu, bia trong ngày làm việc. 

Theo điều tra các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (STEPs) năm 2010 và STEPs 2015 tại Việt Nam, trong nhóm tuối từ 18 đến 69, tỉ lệ phụ nữ có uống rượu bia chỉ chiếm 5,6% (năm 2010), nhưng tỉ lệ này đã tăng gần gấp 2 lần là 11,2% vào năm 2015. Với nam giới, tỷ lệ này tăng từ 69% (năm 2010) tăng lên 80,3% (năm 2015). 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm