Đặt câu hỏi chất vấn tại hội trường sáng 15/11, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, nêu việc bán hàng đa cấp xảy ra trong thời gian dài, trách nhiệm của Bộ Công Thương tới đâu mà đến nay mới xử lý, khi đã gây thất thoát rất lớn?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: từ 2016, Bộ này tăng cường kiểm tra bán hàng đa cấp tại các địa phương. Đến nay, “trong 67 doanh nghiệp bán hàng đa cấp, đã rút giấy phép 25 doanh nghiệp có vi phạm pháp luật, thu lợi bất chính và có hành vi lừa đảo, trục lợi”. Cạnh đó xử phạt 14 doanh nghiệp có vi phạm, ông Tuấn Anh nói.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn |
Việc quản lý hoạt động này trong thời gian trước mắt, ông Tuấn Anh cho rằng: Cần tiếp tục tập trung những giải pháp để đảm bảo hiệu quả quản lý bán hàng đa cấp, đặc biệt là những dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc lừa đảo, sẽ phải xử lý nghiêm.
Cạnh đó, Bộ trưởng Công Thương cũng nhìn nhận trách nhiệm trong việc tiếp tục nghiên cứu và báo cáo với Chính phủ, đề nghị sửa đổi Nghị định về quản lý bán hàng đa cấp, cũng như các thông tư hướng dẫn để khắc phục những tồn tại, bất cập mà các cơ quan quản lý chưa làm được.
Tư lệnh ngành Công Thương cho biết, thực tế, bán hàng đa cấp được cấp phép khi Việt Nam tham gia làm thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Quá trình thực hiện khuôn khổ pháp lý liên quan từ năm 2014 đến 2016, đã bộ lộ các vấn đề trong quản lý Nhà nước về các chế tài của hoạt động bán hàng đa cấp. Cụ thể là khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ và chưa hoàn thiện; việc quản lý hoạt động bán hàng đa cấp chưa thực sự bài bản và phân công rạch ròi, hiệu quả của các cấp. Hiện nay, chính quyền địa phương được phân cấp quản lý trực tiếp các hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp.
Lực lượng chức năng kiểm tra một doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa cấp (ảnh minh họa) |
Theo ông Tuấn Anh, vấn đề lớn phải nhìn nhận, bán hàng đa cấp có sức hút rất lớn, với đại bộ phận người dân còn hiểu sai lạc bản chất, lầm tưởng về lợi nhuận “siêu khủng”; biến tướng thành hình thức kinh doanh ảo gây ra mất mát tài sản lớn của người dân, xã hội.
Bộ Công Thương cho biết, 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu từ hoạt động bán hàng đa cấp khoảng 4.000 tỷ đồng; thu hút khoảng 500.000 người tham gia. Hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp chủ yếu là: thực phẩm chức năng (51,27%), mỹ phẩm (31,65%), đồ gia dụng (12,33%). |