pnvnonline@phunuvietnam.vn
Rút kinh nghiệm một tòa án tỉnh áp dụng sai pháp luật khi xét xử bị cáo chưa thành niên
Thận trọng đặc biệt khi xét xử các bị cáo tuổi chưa thành niên. Ảnh minh hoạ
Bị cáo chưa thành niên
Trong thông báo rút kinh nghiệm để các Viện KSND các tỉnh, thành phố trong khu vực nghiên cứu, rút kinh nghiệm chung nhằm nâng cao chất lượng giải quyết án hình sự tháng 12/2024, Viện KSND Cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng vì bị cáo ở tuổi chưa thành niên, phạm tội chưa đạt nên cần áp dụng các quy định tại Chương XII của BLHS 2015: Những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Do vậy, bị cáo chỉ bị xử phạt không quá 4 năm tù. Việc TAND tỉnh K. xử phạt bị cáo 4 năm 6 tháng tù là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, thông báo của Viện KSND Cấp cao Đà Nẵng đưa ra.
Theo nội dung vụ án, khoảng 16h30 ngày 02/02/2023, Dương Đình A. cùng Võ Tiến Hoàng, Võ Mạnh Huy, Lê Thái Toàn, Nguyễn Đức Thiện, Lê Phạm Anh Đức, Phan Thanh Tú, Đào Xuân Bách đi lên khu vực Trường THPT Trần Quốc Tuấn để uống nước. Tại đây, cả nhóm có gặp Tống Xuân Thành, Mai Nguyễn Anh Quốc và Hoàng Trung Dũng đang uống nước tại quán nước đối diện. Lúc này, do có mâu thuẫn từ trước, Toàn có gọi Quốc ra để nói chuyện nhưng Quốc không ra nên cả nhóm đi về.
Khi tới đoạn quán nhậu "Mập" (thuộc tổ dân phố 2B, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh K) thì Bách chặn xe Dũng lại để nói chuyện, thấy vậy cả nhóm của Dương Đình A. đi trước quay xe lại chỗ Bách và Dũng đứng nói chuyện. Quốc chở Thành đi sau nhìn thấy Dũng bị nhóm của Đình A. chặn nên Thành nói Quốc đi vào lô cà phê để lấy một con dao tự chế, rồi đi đến vị trí nhóm thanh niên trên. Khi đến nơi, hai bên tiếp tục xô xát và có những lời nói thách thức nhau. Thành cầm con dao tự chế bằng hai tay chém hướng từ trên xuống dưới trúng vào vai trái của Đình A. Đình A. thấy đau quá nên cúi đầu, dùng tay phải giơ lên để đỡ đầu và dùng tay trái cầm con dao đâm vào vùng bụng của Thành liên tiếp 03 nhát.
Tại Bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số: 34/TgT-TTPY ngày 24/02/2023 của Trung tâm pháp y tỉnh K kết luận: Tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của Thành là 34%.
Bản án hình sự sơ thẩm số 17/2024/HSST ngày 18/6/2024 của TAND tỉnh K. xử phạt bị cáo Dương Đình A. từ 4 năm 6 tháng tù về tội "Giết người".
Bản án hình sự phúc thẩm số 578/2024/HSPT ngày 28/11/2024 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã quyết định: sửa một phần bản án hình sự sơ thẩm, xử phạt bị cáo Dương Đình A. 04 năm tù về tội "Giết người".
Theo luật sư Ngô Lệ Quỳnh, Đoàn Luật sư TPHCM, TAND tỉnh K. xử phạt bị cáo Dương Đình A. về tội "Giết người" quy định tại điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS là có căn cứ, đúng pháp luật. Tuy nhiên, khi thực hiện hành phạm tội, Dương Đình A. mới có 15 tuổi 04 tháng 08 ngày; bị cáo lại phạm tội chưa đạt.
Điều 90 Chương XII, Bộ luật Hình sự quy định: "Người từ đủ 14 tuối đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này; theo quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của chương này. ".
Điều 91 Bộ luật Hình sự quy định nguyên tắc xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Khoản 2 Điều 101 Bộ luật Hình sự quy định:
"2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù".
Khoản 3 Điều 102 Bộ luật Hình sự quy định:
"3. Mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội chưa đạt không quá một phần ba mức hình phạt quy định tại Điều 101 của Bộ luật này".
"Theo quy định nêu trên thì Dương Đình A. chỉ bị xử phạt không quá 04 năm tù. Việc Toà án nhân dân tỉnh K. xử phạt bị cáo 04 năm 06 tháng tù là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật", luật sư Ngô Lệ Quỳnh đưa ý kiến.
Đòi hỏi sự thận trọng đặc biệt
Qua sự việc trên, từ góc nhìn của một luật sư chuyên bảo vệ quyền lợi của trẻ em, luật sư Trần Anh Tuấn, Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng vấn đề xét xử bị cáo chưa thành niên trong vụ án hình sự là một chủ đề rất nhạy cảm và đòi hỏi sự thận trọng đặc biệt. Trẻ em, dù có hành vi phạm tội, luôn cần được đối xử với sự khoan dung và tôn trọng quyền lợi của mình. Pháp luật Việt Nam cũng như các công ước quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em, đều đặt ra nguyên tắc bảo vệ quyền lợi trẻ em và đảm bảo rằng trẻ em không bị đối xử như người trưởng thành trong hệ thống tư pháp hình sự.
"Việc HĐXX áp dụng hình phạt quá nghiêm khắc hoặc không đúng với quy định pháp luật, điều này sẽ vi phạm quyền lợi hợp pháp của bị cáo, đặc biệt là quyền được bảo vệ và cải tạo của người chưa thành niên. Từ đó, nó có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến tâm lý và sự phát triển của trẻ, dẫn đến khả năng tái phạm cao và khó khăn trong việc hòa nhập xã hội sau khi hoàn thành án phạt. Hơn nữa, việc áp dụng hình phạt không phù hợp còn tạo ra tiền lệ xấu, cho thấy rõ sự thiếu sót trong việc xem xét chi tiết các tình tiết cũng như nhân thân của người phạm tội của vụ án hình sự, làm suy giảm niềm tin của công chúng vào hệ thống tư pháp, khi người dân cảm thấy rằng pháp luật không được áp dụng công bằng và nhân đạo đối với trẻ em", luật sư Trần Tuấn Anh trao đổi với phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam sáng ngày 28/12/2024.
Cũng theo luật sư Trần Tuấn Anh, để giải quyết triệt để tình trạng này, cần có sự cải thiện trong công tác đào tạo và nâng cao nhận thức cho các thẩm phán và HĐXX về các quy định pháp luật liên quan đến người chưa thành niên, đặc biệt là nguyên tắc bảo vệ quyền lợi trẻ em. Đồng thời, cần tăng cường sự tham gia của các chuyên gia tâm lý, các tổ chức bảo vệ trẻ em trong quá trình xét xử để đảm bảo các quyết định của tòa án là phù hợp với đặc điểm và nhu cầu phát triển của trẻ em. Việc này không chỉ bảo vệ quyền lợi của trẻ mà còn góp phần nâng cao hiệu quả của công tác phòng ngừa, giáo dục và cải tạo trẻ em phạm tội.
"Tóm lại, việc đảm bảo sự công bằng và nhân đạo trong xét xử đối với người phạm tội chưa thành niên không chỉ là trách nhiệm của tòa án mà còn là nghĩa vụ của toàn xã hội. Để đảm bảo hệ thống tư pháp hoạt động đúng đắn và hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tố tụng, chuyên gia và các tổ chức bảo vệ trẻ em. Việc áp dụng hình phạt phù hợp, tạo cơ hội cải tạo và tái hòa nhập cho người chưa thành niên là điều kiện quan trọng để bảo vệ quyền lợi của trẻ em, đồng thời góp phần xây dựng một xã hội công bằng, nhân văn và tiến bộ" luật sư Trần Tuấn Anh nhận định.
Các luật sư đều cho rằng, việc đưa ý kiến, quan điểm đóng góp về vấn đề áp dụng hình phạt đối với người phạm tội chưa thành niên sẽ được các toà án xem xét một cách thấu đáo, nhằm đảm bảo tính công bằng, nhân đạo trong việc xét xử, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị cáo là người chưa thành niên.