Rút ngắn thời gian điều trị cho người mắc lao siêu kháng thuốc

Thanh Hà
08/04/2021 - 12:10
Rút ngắn thời gian điều trị cho người mắc lao siêu kháng thuốc

Khám cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Phổi Hà Nội. Ảnh: Hà Ngân

Trước đây, với bệnh nhân mắc lao tiền siêu kháng và siêu kháng thuốc, thời gian điều trị kéo dài từ 9 đến 12 tháng, thậm chí còn lâu hơn. Với phác đồ điều trị mới BPal, người mắc các chủng vi khuẩn lao sẽ được rút ngắn thời gian điều trị xuống chỉ còn khoảng 6 tháng.

Chương trình Chống lao Quốc gia và Hội Chống lao Hoàng gia Hà Lan vừa phối hợp tổ chức Hội thảo triển khai nghiên cứu phác đồ BPaL, giới thiệu Dự án LIFT TB và tập huấn quản lý lâm sàng nghiên cứu phác đồ BPaL. Đây là phác đồ mới, điều trị bệnh lao tiền siêu kháng và siêu kháng thuốc.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia, trong nghiên cứu Nix-TB, Alliance đã tài trợ thử nghiệm phác đồ BPaL cho bệnh nhân lao siêu kháng thuốc (XDR-TB), hoặc không dung nạp hoặc thất bại với phác đồ điều trị lao đa kháng thuốc (MDR-TB). Phác đồ sử dụng các thuốc Bdq, Pa và Lzd điều trị kéo dài trong 6 tháng và có thể kéo dài thời gian điều trị đến 9 tháng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, phác đồ BPal có hiệu quả điều trị lên tới 90%. Phác đồ này đã được WHO khuyến cáo triển khai trong chương trình chống lao của nhiều quốc gia.

Hiện nay, Việt Nam có gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc, siêu kháng thuốc cao. Phác đồ điều trị lao kháng, siêu kháng thuốc hiện kéo dài từ 18 đến 20 tháng. Điều này khiến nhiều bệnh nhân bỏ điều trị. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm lây lan vi khuẩn lao ra cộng đồng, khiến nhiều người lần đầu mắc lao, cũng có thể nhiễm vi khuẩn lao đa kháng hoặc siêu kháng thuốc, dẫn đến bị bệnh lao đa kháng, siêu kháng thuốc.

Hi vọng mới cho người mắc lao siêu kháng thuốc - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung phát biểu tại Hội thảo triển khai nghiên cứu phác đồ BPaL

Trên 11.000 ca tử vong do lao mỗi năm

Mỗi năm, Việt Nam có 170.000 ca mắc mới, khoảng 11.400 ca tử vong. Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình người bệnh phải gánh chi phí lớn dành cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao, vượt quá 20% thu nhập của cả hộ gia đình. Đáng chú ý, 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động, đây là một vấn đề làm ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Trong số những người mắc lao mới được phát hiện, ước tính có trên 2.000 ca lao kháng, siêu kháng thuốc.

Cũng theo PGS Nguyễn Viết Nhung, từ thực tế trên, chúng ta cần một phác đồ điều trị khác, rút ngắn thời gian điều trị hơn. Việt Nam là một trong các quốc gia tiên phong trong điều trị bệnh nhân kháng thuốc nặng bằng phác đồ mới này.

Theo PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, Việt Nam sẽ tiến hành nghiên cứu triển khai thí điểm phác đồ điều trị BPaL. Mục tiêu chính của nghiên cứu là ước hiệu quả và mức độ an toàn của phác đồ BPaL trên bệnh nhân lao đa kháng thuốc, siêu kháng thuốc. Nghiên cứu sẽ đánh giá hiệu quả của phác đồ điều trị trên, sau đó xin ý kiến Bộ Y tế về việc thay đổi phác đồ điều trị mới.

TS Nhung cho biết, thuốc chống lao hiện được phát miễn phí nên nếu phác đồ điều trị mới được áp dụng thì người bệnh cũng được miễn phí thuốc điều trị. Điều này không chỉ tạo điều kiện cho bệnh nhân trong việc rút ngắn thời gian điều trị mà còn giúp Việt Nam nhanh chóng tiến tới đẩy lùi bệnh lao.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm