Sắc màu Nhật Bản tại Ngày hội Mottainai 2017

13/08/2017 - 11:57
Tại Ngày hội Mottainai “Trao yêu thương - Nhận hạnh phúc” 2017 do Báo PNVN và các Mạnh thường quân tổ chức ngày 13/8 ở Công viên văn hóa Đầm Sen TPHCM, một trong những nét đặc sắc thu hút sự quan tâm của nhiều người chính là dấu ấn văn hóa Nhật Bản.
Nét văn hóa Nhật Bản được thể hiện rõ tại những gian hàng và các màn biểu diễn nghệ thuật đặc sắc. 

Tại phần khai mạc Ngày hội Mottainai 2017, tiết mục múa dân gian Yosakoi khi sôi động, hào hứng, lúc trầm lắng, tự sự, khi rộn ràng... đã thực sự cuốn hút hàng trăm người. Qua điệu múa này, các khán giả có thể cảm thụ một cách sâu sắc hơn về nền văn hóa và bề dày lịch sử đầy thăng trầm của đất nước Nhật Bản. Yosakoi - 1 loại hình nghệ thuật vừa truyền thống vừa hiện đại đặc trưng của Nhật rộn ràng trong lễ khai mạc Mottainai như một lời chào mời những trái tim nhân ái  đến để cùng “Trao yêu thương - Nhận hạnh phúc”. 
mua-yosakoi.jpg

Một trong những nhân vật “đặc biệt” nhất tại Ngày hội Mottainai 2017 là ông Kazuma Takahashi, nghệ nhân gấp giấy nổi tiếng Nhật Bản, Chủ tịch Hiệp hội Nghệ thuật Bao bì Nhật Bản. Ông đã biểu diễn và trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật xếp gấy từ bao bì tại gian hàng cho các em nhỏ và khách thăm quan đến tham dự Ngày hội Mottainai 2017.
img_6414.JPG
Nghệ nhân Kazuma Takahashi (trái) chia sẻ: “Đây là lần thứ 2 tôi đến Việt Nam tham dự Ngày hội Mottainai ý nghĩa này. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì các bạn nhỏ rất hào hứng với kỹ thuật xếp giấy từ bao bì đã qua sử dụng. Các em ngồi nghe chăm chú và thực hành rất khéo léo. Thông qua hoạt động này, chúng ta có thể giáo dục ý thức chống lãng phí cho các bé từ sớm. Vì thế, với tôi, Mottainai là một ngày hội có ý nghĩa đặc biệt cần duy trì và phát huy”.

Theo nghệ nhân Kazuma Takahashi, tại Nhật Bản, nghệ thuật gấp giấy truyền thống có từ lâu đời nên từ bé, những đứa trẻ Nhật Bản đều được dạy về môn này. Lúc nhỏ, ông Kazuma Takahashi học nghệ thuật gấp giấy chỉ bởi thấy thích thú, dần dần niềm đam mê càng lúc càng lớn và trở thành nghề nghiệp.

Không chỉ là người thổi hồn cho nghệ thuật gấp giấy Nhật Bản, ông Kazuma Takahashi còn là một trong những nghệ nhân đi đầu trong việc truyền thông điệp bảo vệ môi trường, tránh lãng phí tài nguyên theo đúng tinh thần thông điệp của Chương trình Mottainai. Các sản phẩm xếp giấy từ vỏ bao bì package craft thông qua 3 quy tắc: “Dùng 1 hộp bìa tạo ra 1 sản phẩm, dùng 1 hộp bìa không tạo ra rác, hộp giấy của nhãn hiệu nào sẽ tạo ra được sản phẩm giữ nguyên tên của nhãn hiệu đó”.

xep-giay.JPG
Các em nhỏ trải nghiệm gấp giấy tại gian hàng Japan Parkage Craft của ông Kazuma Takahashi, nghệ nhân gấp giấy nổi tiếng Nhật Bản, Chủ tịch Hiệp hội Nghệ thuật Bao bì Nhật Bản

Bánh gạo là món đặc sản nổi tiếng của Nhật Bản. Góp mặt tại Ngày hội Mottainai 2017, nhãn hiệu bánh gạo Kameda và quầy hàng thực phẩm Nhật Bản của Công ty TNHH thực phẩm House Việt Nam giới thiệu những sản phẩm đặc sắc, khiến nhiều khách hàng nhí cảm thấy vô cùng thích thú.
thuc-pham-nhat-ban.JPG
Nhật Bản có một nền y học rất phát triển, với nhiều phương pháp điều trị hiệu quả, cùng sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại. Bệnh viện Đại học Y tế Fujita là một trong những bệnh viện lớn của Nhật Bản tham gia Ngày hội Mottainai 2017 nhằm giới thiệu những thành tựu y tế Nhật Bản, cung cấp nhiều thông tin để giúp người Việt hiểu rõ hơn về nền y học Nhật Bản và mở ra nhiều cơ hội để người Việt có thể tiếp cận với các dịch vụ y tế hiện đại của bệnh viện.
gian-hang-cua-benh-vien-nhat-ban.JPGÔng Junichi Kawaue, Tổng Lãnh sự, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TPHCM, thăm gian hàng của Bệnh viện Đại học Y tế Fujita

Tham gia Ngày hội Mottainai 2017 còn có gian hàng vẽ tranh chibi Nhật Bản. Chibi là từ lóng xuất phát từ Nhật Bản, có nghĩa là một nhân vật tí hon, “ngắn ngủn” nhưng dễ thương. Vẽ tranh Chibi là kiểu vẽ nhân vật cách điệu độc đáo. Xu hướng này từng được giới trẻ Nhật Bản cực mê và cũng là trào lưu gây sốt với bạn trẻ Việt Nam.
ve-chibi.JPG

* Những điểm mới của Mottainai 2017:  

- Bán đấu giá đồ online và trực tiếp;

- Lần đầu tiên chương trình có 2 đại sứ là diễn viên Bình Minh và Diễm My;

- Đại sứ đặc biệt là em Nguyễn Thị Sáng và các em của mình (ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) đã quyết định hiến tạng của người mẹ mất do tai nạn giao thông để cứu 4 người khác. Hành động nhân văn của em Nguyễn Thị Sáng đã được Chủ tịch nước gửi thư khen;

- Ngày hội Mottainai 2017 sẽ lần đầu tiên được tổ chức tại Công viên văn hóa Đầm Sen (TPHCM) vào ngày 13/8/2017 (Chủ nhật).

* Cách tham gia Mottainai 2017:

Từ ngày 15/5/2017, mời bạn:

Ủng hộ đồ đã qua sử dụng (Quần áo lành lặn, kiểu dáng kích cỡ phù hợp; Đồ gia dụng; Đồ nội thất; Đồ lưu niệm; Văn phòng phẩm; Đồ chơi trẻ em; Đồ dùng học tập; Giày dép, túi xách, phụ kiện...), gửi về địa chỉ: Văn phòng đại diện Báo Phụ nữ Việt Nam, 38 Võ Văn Tần, quận 3, TPHCM, ĐT: 08.39303034 (gặp Ms Kim Phượng).

- Ủng hộ bằng tiền mặt, gửi về: Báo Phụ nữ Việt Nam, 47 Hàng Chuối, Hà Nội, Số tài khoản: 102010000016663 - Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội (đề nghị ghi rõ: ủng hộ Mottainai).

Truy cập fanpage: https://www.facebook.com/MottainaiPhunuVietNam để mua đồ online và cập nhật về Chương trình.

* Qua 4 mùa tổ chức, Chương trình Mottainai “Trao yêu thương - Nhận hạnh phúc” đã nhận được nhiều sự đóng góp từ cộng đồng:

- Trở thành cộng đồng có hoạt động ủng hộ đồ đã qua sử dụng lớn nhất cả nước với 200.000 người tham gia.

- Tổng số tiền thu được từ các hoạt động: Bán sản phẩm cho mẹ và bé, đồ gia dụng đã qua sử dụng, tài trợ của các đơn vị, cá nhân là trên 700 triệu đồng.

- Gần 3.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đã được hưởng lợi từ chương trình.

- Hơn 100.000 người đã trực tiếp có mặt tại các Ngày hội Mottainai ở TPHCM và Hà Nội.

- “Mottainai” xuất phát từ Nhật Bản, là một thán từ trong ngôn ngữ của người Nhật có từ xa xưa, có ý nghĩa là “Lãng phí quá!”. Câu cảm thán này thường được dùng khi những vật hữu dụng (thức ăn, thời gian, trí tuệ, năng lực...) bị bỏ đi một cách đáng tiếc trong lúc giá trị sử dụng vẫn còn.

- Theo Phật giáo truyền thống, Mottainai dùng để chỉ sự hối hận đối với việc lãng phí các nguồn lực của cuộc sống - bởi đó là món quà của thiên nhiên, trên hết là sự linh thiêng, cao cả.

- Quan niệm về Mottainai hiện đại được thể hiện trong “4Rs: giảm, tái sử dụng, tái chế và sửa chữa”.

3.png
4.jpg

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm